Review sách Mùi Hương (Tái Bản)
Mùi hương - Patrick Suskind
Mùi hương là một “chuyện về kẻ giết người”, nhưng kẻ giết người này quá đỗi thiên tài, một thiên tài khứu giác và một cái đầu thông minh. Có thể nói Mùi Hương là một tác phẩm với nghệ thuật miêu tả và ngôn từ đỉnh cao, tinh tế. Mình đã rất ngạc nhiên vì đây là tiểu thuyết đầu tay của tác giả Patrick Suskind bởi nội dung và cả khả năng viết của ông đã vượt xa sự kỳ vọng ban đầu của mình, những đoạn tác giả miêu tả về mùi hương tuyệt vời đến mức mình có thể tưởng tượng ra tầng tầng lớp mùi chạy theo từng con chữ mà không gặp bất cứ khó khăn hay một đứt đoạn nào.
Mùi Hương là câu chuyện được kể từ ngôi kể của nhân vật Grenouille – một thiên tài có khứu giác nhạy cảm đến mức anh ta có thể cảm nhận được những thứ mùi mà người bình thường khó mà cảm nhận được hoặc là cách cảm nhận mùi của anh ta khác những người khác, không hời hợt mà cảm nhận sâu vào từng cốt lỗi và chúng. Grenouille tồn tại độc nhất – hắn cho là vậy – bởi hắn sợ con người thứ hắn để tâm nhất là mùi hương, hắn ấp ủ tạo ra một mùi hương tuyệt diệu và thượng thừa để trở nên độc nhất vô nhị. Nhưng quả thật bản thân hắn từ khi sinh ra đã là một thứ độc nhất và bi kịch, hẳn nhiên là một bi kịch. Tất cả những kẻ thiên tài đều có đôi phần kỳ quái và tham vọng và Grenouille cũng vậy, hắn tự ví mình như một con bọ chét ẩn mình đợi thời cơ của mình và quả thật đúng là như vậy, một cái đầu thiên tài từng bước lập một kế hoạch lấy mùi hương từ những thứ khó tách mùi nhất dưới hình dạng của một kẻ nhỏ con, gù, cà nhắc, bị xa lánh và có phần khờ khạo – một hình dáng mà người ta khó lòng có thể đề phòng hay ít nhất là xem rằng anh ta có hại được. Việc hắn trở thành một kẻ giết người – ghê rợn nhất cũng bắt nguồn từ việc đi tìm mùi hương tuyệt diệu nhất thứ đến từ các cô thiếu nữ còn trinh và xinh đẹp.
Nhưng tác giả đã rất thực khi tạo ra một thiên tài rất con người có đầy đủ dục vọng, ham muốn và khiếm khuyết nữa, người đàn ông trong truyện có một khiếm khuyết duy nhất tuy không đến mức ảnh hưởng nhiều đến tài năng nhưng nó cũng là nỗi ám ảnh của một người dùng mùi hương để gọi tên sự vật – đó là bản thân anh ta không có mùi – một sự châm biếm của tác giả chăng?
Nhìn chung tác phẩm này mang yếu tố châm biếm và trào phúng khá là sâu cay vì tác giả đã khắc họa tính cách con người trong cái xã hội Pháp vào thế kỷ 18 trông có vẻ hào nhoáng nhưng thật ra hôi thối và mục nát điều này càng về cuối càng được khắc họa rõ ràng và chân thật hơn. Kết thúc Mùi hương để lại cho mình khá nhiều sự day dứt, day dứt vì việc nhân vật chính đau khổ vì khác với mọi người rồi lại vui sướng vì điều đó, tâm tưởng của anh ta là một sự đối lập giữa khổ đau và hài lòng rồi lại tự ghê tởm chính mình. Tuy văn chương của tác giả có đôi chút khó hiểu và những đoạn dịch giả giữ nguyên ngôn ngữ gốc và chú thích bên dưới đôi khi gây nhiều khó khăn nhưng Mùi hương vẫn là tác phẩm đáng đọc và gây một sự hứng thú mãnh liệt về việc phân tách cũng như lột tả những mùi hương quen thuộc trở nên kỳ lạ nhất.
