Review sách Rừng Na Uy (Tái Bản Lần 3)
Trên bìa quyển Rừng Na uy của mình có thông tin là cứ 7 người Nhật thì có 1 người đọc Rừng Na uy, mặc dù không biết thống kê kiểu gì nhưng PR khá ổn và mình đã mua nó. Nếu là người yêu thích và đồng cảm với nhân vật Holden trong Bắt trẻ đồng xanh, bạn chắc chắn nên đọc quyển sách này vì sự hoang mang mà Murakami thế hiện trong sách còn phức tạp hơn nhiều, ít nhất thì Holden còn có lý tưởng sống.
Có rất nhiều phiên bản hoang-mang-hơn-Holden trong Rừng Na uy, đó là những người trẻ không hiểu nổi xã hội xung quanh đang "hoạt động" như thế nào – thật sự thì mình cũng vậy nên rất đồng cảm, không hiểu nổi bản thân mình cần gì và cái gì là quan trọng với mình, và họ chọn tình dục như một cách giải tỏa những căng thẳng đó. Nếu trong kịch cổ Hy Lạp ứng dụng thủ pháp "deus ex machina" – một vị thần hiện ra và Bùm, mọi khó khăn, cao trào đều được giải quyết dù người trong cuộc có mãn nguyện hay không – thì trong Rừng Na uy, tình dục có thể giải quyết những nút thắt trong tâm hồn các nhân vật, à không, chỉ là đẩy lùi thôi vì sau đó, chúng lại ập đến và đẩy họ đến tận cùng của tuyệt vọng.
Ngoài vấn đề lý tưởng, tình yêu trong Rừng Na uy cũng mang màu sắc khác biệt. Tình yêu của "tôi" – Watanabe đối với Naoko có gì đó huyền ảo và không thực, cậu yêu Naoko bằng một tình cảm vô cùng kỳ lạ, cảm giác như tình cảm đó là để níu kéo một chút gì đó của Kizuki. Còn với Midori, chỉ khi ở cùng Midori mới thấy được một Watanabe vui vẻ hơn, "sống" hơn.
