Review sách Giết Con Chim Nhại (Tái Bản 2016)
Mình đã từng đọc đâu đó rằng, nếu muốn tóm tắt lịch sử hơn hai trăm năm của nước Mỹ bằng một câu duy nhất thì câu đó phải là: "Người nhập cư ghét người nhập cư". Khoan chưa bàn đến chính trị (phức tạp vào hàng bậc nhất) thì chênh lệch xã hội giữa các "chủng" trong Hợp chủng quốc Hoa Kỳ thực sự rất lớn. Giữa nhập nhằng những vấn đề xã hội đó, phân biệt chủng tộc luôn là vấn đề nhức nhối, và nó luôn xảy ra dưới nhiều hình thức.
Hơn tám mươi năm trước, sự ra đời của Giết con chim nhại trở thành một chấn động đối với nước Mỹ, và ngay lập tức, được trao giải Pulitzer cho những điều nó thể hiện. Tiêu đề cuốn sách nhắc tới chim nhại, một loài chim phổ biến ở phương Tây hơn phương Đông, và thường được đem ra làm hình mẫu tượng trưng cho tự do, công lý. Vì vậy, việc chim nhại bị giết ít nhiều gợi tả một bi kịch trong tác phẩm của Harper Lee.
Cuốn sách là một tập hợp các câu chuyện không đầu đuôi của cô bé Scout, và qua cách nhìn của cô bé, một hiện thực tàn khốc của nước Mỹ trong thế kỷ XX, khi làn sóng dân tộc dâng cao thì những người da trắng lại tiếp tục quay lưng, ngày càng mãnh liệt hơn, tới mức chĩa súng vào người da đen bất cứ khi nào có cơ hội. Anh chàng Tom Robinson trong câu chuyện là một nạn nhân da đen điển hình. Ngây thơ, kiến thức pháp luật không đủ, và hơn hết, chẳng mấy ai ủng hộ một người da đen như anh trong phiên tòa kết án tử hình anh. Người da trắng là số đông tại Hoa Kỳ, và ở thời điểm bấy giờ, thì cái câu "số đông không phải lúc nào cũng đúng" chính xác đến kỳ lạ. Hơn thế nữa, họ biết rõ họ sai, nhưng cứ đâm đầu vào cái sai ấy cùng cái mũ bảo hộ Chúa đứng về phía họ - mọi lỗi lầm là của bọn da đen.
Là tác phẩm duy nhất được xuất bản khi còn sống của nhà văn, mình tin rằng bà đã phẫn nộ cùng cực với bất công của xã hội nên mới viết tác phẩm này. Bởi thế, dù dưới góc nhìn của một đứa trẻ, vẫn chẳng có hề góc khuất nào trong câu chuyện. Tất cả những điều mọi người muốn biết đều được phô bày rõ ràng, không hề giấu diếm. Và đó cũng là lý do khiến tác phẩm sống sót lâu bền ở Mỹ, góp phần cổ vũ phong trào đấu tranh chống phân biệt chủng tộc tại Mỹ và trên toàn thế giới, là tiền đề để ra đời những Martin Luther King, Nelson Mandela,...
Đánh giá của mình: 5 sao
