Review sách Đường Mây Qua Xứ Tuyết (Tái Bản)
Thực sự ban đầu, khi đọc thấy tựa sách thôi đã có cảm giác thinh thích vì thấy điều gì đó nhẹ nhàng trong lòng và an yên đến lạ kỳ. Đọc rồi mới hiểu quyển “Đường mây qua xứ tuyết” nói về hành trình du ký Tây Tạng của tác giả Anagarika Govinda với những trải nghiệm và đạo lý thâm sâu giúp bạn đọc hiểu thêm về thế thái nhân tình. Chỉ là hình ảnh của một áng mây thôi nhưng ở Tây Tạng lại như một sự biểu trưng của những điều thiêng liêng và bí ẩn, là cách để người dân nơi đây thể hiện sự sáng tạo trong đời sống cũng như nghệ thuật tượng hình. Những thâm ý sâu sắc đều được biểu lộ một cách tinh tế qua hình tượng của mây với bao suy tư và trăn trở của con người.
Có thể xem đây là quyển sách giúp chúng ta hiểu thêm về vùng đất Tây Tạng và đức Đạt Lai Lạt Ma. Tây Tạng vốn dĩ là một vùng đất bí ẩn và huyền thuật bởi sự khép kín về vị trí địa lý và người ta chỉ biết đến nó qua những ký sự và hành trình chiếu dẫn về con đường tơ lụa mà thôi. Vùng đất ấy chẳng ai ghé thăm nhiều vì chỉ những người muốn hiểu về triết lý của các đức Lạt Ma thì mới mặn mà khám phá. Ngoài ra, cũng vì tình hình chính trị thời gian mà tác giả đi tìm hiểu đang ở tình trạng khá hỗn loạn và chưa có được sự bình ổn để có thể hình thành những cuộc du ngoạn và ghi chép tỉ mỉ về một vùng đất linh thiêng như thế này. Và cũng chính vì sự ảnh hưởng của tình hình chính trị mà văn hóa của Tây Tạng cũng bị ảnh hưởng ít nhiều về sau khiến cho bản chất của Phật giáo cũng có phần thay đổi và có sự phân nhánh nhiều hơn mà tác giả muốn truyền tải các khía cạnh thâm sâu của điều này đến độc giả.
