Review sách Chú Bé Mang Pyjama Sọc
Nhắc đến người Do Thái, hẳn chúng ta sẽ nghĩ ngay đến những vụ thảm sát bạo tàn bằng khí ngạt, những trại tập trung mà con người bị đối xử như súc vật. Dân tộc Do Thái đã phải hứng chịu nhiều quả bom thương đau liên tục dội xuống trong suốt chiều dài lịch sử. Bao nỗi đau thương của họ đã thấm tràn trên biết bao trang văn. "Chú bé mang pyjama sọc" là một điển hình.
Lần đầu đọc tác phẩm, tôi thấy phần đầu truyện khá nhàm chán. Chẳng hiểu sao lần này đọc lại, tôi lại thấy câu chuyện cuốn hút quá đỗi. Từng chi tiết của tác phẩm ngấm sâu vào lòng tôi như nước mưa ngấm sâu vào lòng đất từng chút một. Càng đọc càng say sưa và thấm thía vô cùng.
Chúng ta sẽ bước vào tác phẩm với ánh nhìn dõi theo câu chuyện của một cậu bé chín tuổi: Bruno. Thế giới trẻ thơ hiện lên với biết bao ý nghĩ đáng yêu, bao yêu thương đong đầy, những giận hờn trẻ con và bao băn khoăn cùng những câu hỏi ngây thơ được đặt ra mà không có câu trả lời thỏa đáng.
Qua những cuộc trò chuyện, những điều mà Brunon nghe được, bộ mặt tàn ác, bất nhân của Đức Quốc Xã hiện lên mồn một khiến ta ghê tởm và căm phẫn biết nhường nào. Những đứa trẻ ngây thơ cũng bị tước mất niềm vui của tuổi nhỏ. Chúng cũng bị ngược đãi, bị đối xử tàn độc.
John Boyne đã kể lại bằng đôi mắt của trẻ thơ với ngôn từ trong sáng, cách kể lôi cuốn. Truyện không quá kịch tính, chẳng nhiều cao trào, nó khá nhẹ nhàng nhưng những đợt sóng ngầm vẫn tồn tại dưới tầng sâu.
Nếu phần đầu truyện đưa ta vào những câu chuyện đời thường, những cuộc phiêu lưu mạo hiểm, những lần chuyện trò… thì cuối truyện là nỗi đau xé ruột xé gan người đọc. Lấy điểm nhìn từ một đứa trẻ, tác phẩm đã thành công khi khiến tim ta thắt lại, cổ họng nghẹn đắng xót xa.
Giản dị trong cách kể nhưng tác phẩm có sức ám ảnh và tác động ghê gớm đến tâm trí người đọc. Nó là bài ca ngân nga về tình bạn, tình yêu thương vừa là chiếc lao phóng thẳng vào những tàn độc của Đức Quốc Xã.
