Review sách Ba Ơi Mình Đi Đâu
Tôi đã từng có một người cha hết lòng chăm lo, vun vén cho gia đình. Tôi đã từng có một người cha là trụ cột của gia đình. Đã từng yêu thương tôi, quan tâm đến tôi. Nhưng đó chỉ là đã từng. Đến bây giờ thì cả số tuổi của tôi, ông cũng chả nhớ. Đã từ lâu lắm rôi, ông thôi không còn quan tâm đến ai trong gia đình, không chịu lao động mà suốt ngày chỉ ôm ấp nàng men rồi chửi rủa, đạp đổ tất cả. Thế nên tôi bắt đầu đọc cuốn "Ba ơi, mình đi đâu" của Jean Louis Fournier trong tâm thế của một người ghen tỵ.
Nhưng câu chuyện không ngọt ngào, hạnh phúc như những gì tôi nghĩ. Đây là những dòng tâm sự của một người cha đau khổ vì có đến hai người con bị tật nguyền. Ông dằn vặt mình vì đã tạo ra con như thế "Ba rất tiếc vì chúng ta không thể cùng nhau hạnh phúc, và có lẽ, cũng là để xin các con thứ lỗi vì ba đã làm hỏng các con". Đau thương, hối hận là những thứ hạt giống đang ươm mầm và lớn lên mỗi ngày trong mảnh đất tâm hồn người cha. Chúng làm mảnh đất ấy tan nát trái tim, oằn mình trong tội lỗi.
Tôi thấy rõ sự nghẹn ngào của người cha khi ông nhìn đứa con bé bỏng của mình: Mathieu nhìn không rõ, xương yếu, mềm oặt như một con búp bê, nó bị gù, gù mãi cho đến khi không còn có thể nhìn thấy được mặt trời. Khi thấy được mặt trời cũng chính là lúc Mathieu xấu số phải từ giã cõi đời. Đứa con thứ hai, Thomas thì lúc nào cũng lặp đi lặp lại một câu hỏi "Ba ơi, mình đi đâu?" mà không hiểu gì cả. Chúng ngốc nghếch, ngớ ngẩn bao nhiêu thì người cha lại đau đớn, trách mình bấy nhiêu. Những câu văn biểu cảm, độc thoại nội tâm đã xoáy sâu vào lòng người đọc những tình cảm thiêng liêng nhất của con người.
Người cha trách cứ mình và tự đeo lấy một chiếc mặt nạ tang thương. Và kết lại tác phẩm cũng là một ý nghĩ khiến ta rưng rưng "Tôi đã không may mắn. Tôi đã chơi trò xổ số di truyền học, tôi đã thua".
Đây thật sự là một tác phẩm cảm động và khiến tôi thấy được mình hạnh phúc bao nhiêu khi có được vơ thể khoẻ mạnh.
