Review sách Kẻ Nhắc Tuồng
"Kẻ nhắc tuồng" là tiểu thuyết đầu tay của nhà văn người Italia Donato Carrisi với một lời đề tựa rất thu hút và chứa đầy sự mời gọi "Gã luôn đi trước chúng ta một bước".
Mở đầu là một bức thư mật gửi từ Trại giam số 45 thuộc Nhà tù tối mật, quận xxxx tới Văn phòng Chánh biện lý J.B. Marin đề cập đến một trường hợp khẩn cấp về một phạm nhân kỳ lạ mang số tù RK-357/9, để dẫn dắt độc giả đến với những gì sắp diễn ra ở hơn 500 trang tiếp theo sau đó. Câu chuyện bắt đầu bằng việc cảnh sát đang khai quật năm cái hố dài năm mươi, rộng hai mươi, sâu năm mươi centimét... nằm theo một vòng tròn chứa cùng một thứ là cánh tay trái của năm bé gái da trắng bị bắt cóc trong vòng một tuần: Debby, Anneke, Sabine, Melissa, Caroline và một cánh tay thứ sáu của một bé gái khác không rõ danh tính.
Sẽ ra sao khi phải sống trong sự bao vây của một kẻ giết người hàng loạt luôn đi trước mình một bước? Thật khủng khiếp, khi lúc nào cũng lo sợ, lúc nào cũng cảnh giác, lúc nào cũng tai ác, lúc nào cũng đề phòng; thật khủng khiếp khi hoài nghi, khi thấy cạm bẫy khắp nơi, khi không được ăn ngon ngủ yên, khi lúc nào cũng phải tự hỏi: "Trời ơi!... Bây giờ hắn ta lại sắp gây ra trò gì với mình đây?". Có thể nói đây là câu gói gọn về vụ án "Kẻ nhắc tuồng".
Nghệ thuật xây dựng tâm lý nhân vật cùng khả năng xử lý tình huống của tác giả đều tuyệt vời. Và cái kết thực gây bàng hoàng, khiến mình phải đọc luôn "Người ru ngủ" với mong chờ sự xuất hiện lại của Kẻ Nhắc Tuồng và Mila.
