Review sách Số Đỏ
Số đỏ, chẳng biết là ám chỉ cái số của Xuân Tóc Đỏ hay cái số phận may mắn của hắn, nhưng phải công nhận một điều rằng cái số của hắn đúng là số hưởng. Một thằng lông bông đầu đường xó chợ, kiếm cơm bằng nghề nhặt ban (banh) chỉ trong vài tháng mà trở thành đốc tờ, giáo sư quần vợt kiêm con rể của cụ Hồng (xưa là ông phán) và hắn còn được nhiều chức vụ cao quý khác nữa. Không biết do Xuân Tóc Đỏ ranh ma hay cái tầng lớp thượng lưu "Âu hoá" quá lại hoá ra dốt nát, đến mức những lời nói nhăng nói cuội của hắn là uyên bác, những câu chửi thề được cho là Bình dân và được giới thượng lưu ngưỡng mộ. Thế là hắn nghiễm nhiên trở thành một tấm gương để xã hội noi theo!
Còn phải kể cái phong trào Âu hoá, cái phong trào lạ lùng tưởng chừng chỉ là viễn tưởng. Xã hội cổ xuý cho cái thời trang tân thời theo Tây phương, những bộ cánh hở hang luôn được các quý cô ưa chuộng: nào là Ngây thơ, Nữ quyền đến những thứ không thể tưởng tượng nổi như là... Chờ một phút!? Kể cả ngoại tình cũng cho là hiện đại, văn minh và các cô vợ lại lấy đó làm thú vui, không cảm thấy chút gì đáng xấu hổ. Dường như con người trong cái thế giới đó mất gần như cạn kiệt lòng tự trọng và cả nhân tính, khi cả một gia đình lại vui mừng khi ông cụ tổ qua đời vì họ sẽ được thừa hưởng khối tài sản kếch xù của ông cụ (trong chương Hạnh phúc của một tang gia). Thật đáng mỉa mai thay cho một xã hội Âu hoá!
Nếu Giông tố là một bức tranh kinh hoàng của một hiện thực đen tối và tàn khốc, thì Số đỏ lại là một bức tranh biếm hoạ về một xã hội văn minh bên ngoài nhưng cũng không kém phần thối nát bên trong. Sự khéo léo và tinh vi của Vũ Trọng Phụng khi khắc hoạ tính cách nhân vật, cùng với sự dàn dựng những tình huống dở khóc dở cười, đã ngầm phê phán và mỉa mai một cách khinh bỉ (theo tôi nghĩ là vậy) những gì ông nhìn thấy được ở giới thượng lưu trong thời kì thực dân nửa phong kiến của Việt Nam.
Sau cùng, tôi không thể không nói rằng Số đỏ từ giờ sẽ là một trong những tác phẩm yêu thích nhất của tôi.
Đánh giá: 9/10
