Review sách Người Đua Diều (Tái Bản 2017)
Dường như... câu chuyện về bầu trời và những gì liên quan đến nó đều có những cái kết rất bình yên. ( Ít nhất là trong những câu chuyện tôi đã đọc ). Thế nhưng, để cảm nhận được hai chữ “bình yên” ấy hẳn bạn phải để tâm trí vật lộn qua biết bao sóng gió, nghịch cảnh cuộc sống cùng với các nhân vật truyện, bởi vì đó là lẽ hiển nhiên tất yếu.
Tôi đang muốn nói đến “Người đua diều”, cuốn ngoại văn đầu tiên viết về đề tài chiến tranh mà tôi đọc.
Suốt 457 trang tiểu thuyết, tác giả miêu tả một cách sinh động, chân thực đến từng tiểu tiết về một Afghanistan rực rỡ dưới con mắt những năm tuổi thơ cuối cùng của nhân vật chính Amir cùng những người bạn của cậu: Hassan, chú Rahim Khan, cùng Baba và những cư dân Kabul khác – những người yêu mến cha con cậu. Đó là một tuổi thơ êm đềm bên những cánh diều, những cuộc đua diều mà bao giờ cậu và Hassan cũng là nhà vô địch. Đó là những buổi chiều cả hai người cùng trèo lên đỉnh đồi sau nghĩa trang, nơi có cây lựu sai quả để cậu kể Hassan nghe những câu chuyện cổ mà Hassan trong thể đọc vì không (được) biết chữ. Đó là cả ngàn lần Hassan đã vì cậu mà chống lại bọn đô con trong vùng, vì cậu mà Hassan phải chịu uất ức, thiệt thòi, khổ cực.
Tươi đẹp có, hoang tàn và đổ nát trước mắt rồi cũng sẽ có. Kabul là quê hương hùng vĩ và rực rỡ dưới hoàng hôn chiều tà khiến cho mỗi người dân nơi đây đều phải tiếc rẻ ngoái nhìn về một thời vàng son ấy, nhưng Kabul cũng là cố hương hoang tàn đổ nát mà sau này, ngay cả khi chiến sự đi qua, những người thiết tha nơi đây cũng chẳng dám và chẳng muốn quay lại. Bởi vì không ai dám tin về những lời hứa ngay trên mảnh đất chính mình đã sinh ra, nhất … là những đứa trẻ. Ở đây, những người lớn thì bị chính phủ và những bè lũ bên ngoài lừa gạt để có khi, họ đón tiếp cả những tên giặc, những thằng phản quốc về nhà, còn bọn trẻ - ngay cả những thằng con trai cũng có thể bị gạt vì bọn ấu dâm. Thật ghê tởm! Tôi chỉ biết chừng ấy, chỉ biết những đứa trẻ tôi đang nói mới là bọn con trai, còn đàn bà và phụ nữ nữa, nhưng tôi chưa dám cá điều gì ở vùng đất Trung Đông này. Vừa uất nghẹn, lại vừa phải rơi lệ vì cảm thương.
Đó là những gì bạn có thể nhìn thấy về đề tài chiến tranh trong tác phẩm này.
