Số Đỏ (Minh Long)
by Vũ Trọng Phụng
14 reviews
Có 11 chủ sách đang sở hữu sách này trên OBook, bạn có thể

Review sách Số Đỏ (Minh Long)

Phong đã review

*Bài viết có tiết lộ những chi tiết quan trọng trong truyện, bạn nào chưa đọc sách thì hãy bỏ qua bài viết này vì mình không gắn tag spoiler


Cuốn sách thứ hai của cụ Vũ Trọng Phụng mà mình đọc, sau “Làm đĩ”. Văn phong không phải là khó đọc nhưng không dễ để hiểu rõ, những từ không còn (ít) được sử dụng trong đời sống hiện nay được dùng nhiều trong truyện cũng là một thử thách với đối tượng độc giả trẻ như mình. Mình không biết cách hành văn hồi xưa như vậy hay do sự khác nhau trong lời ăn tiếng nói của từng vùng miền, nhưng cách xưng hô của các nhân vật với nhau lạ quá, phải mất một khoảng thời gian mình mới hình dung ra được mối quan hệ của các thành viên trong gia đình cụ Hồng và nhà bà Phó Đoan. Mình có thể nắm được nội dung các đoạn đối thoại của nhân vật, nhưng có khi gặp một câu nào đó mình lại không hiểu được nghĩa một số chữ trong câu. (không biết mình hiểu đúng không, cái cụm “nước mẹ gì” mà Xuân hay nói hình như tương đương với “cái đ*o gì” mà giới trẻ hiện nay sử dụng đúng không ta)


Đọc xong mình hiểu được tại sao cuốn này được coi như tác phẩm thành công nhất của cụ. Phần đầu tình tiết có phần đơn giản, càng về sau diễn biến lại càng khó lường hơn, nhiều sự việc và nhiều nhân vật ở nhiều lĩnh vực khác nhau xuất hiện theo những cách ngẫu nhiên làm mình không tài nào nghĩ ra nổi “cái chuyện đó” sẽ xảy ra ở chương XX (các bạn yên tâm, sẽ có spoil ngay ở phần sau).


Bạn biết không, cái cảm giác đọc được liên tiếp hai cuốn sách có dàn nhân vật “đỉnh” phải nói rằng nó rất là “phê” (bạn hiểu theo nghĩa tích cực hay tiêu cực cũng được). Mỗi nhân vật trong “Số đỏ” đều có những nét tính cách riêng biệt gây ấn tượng mạnh với người đọc, cùng mức độ lố lăng kệch cỡm dâm dục mọc sừng của họ khiến người ta càng nể phục cái ngòi bút châm biếm của cụ Phụng. Xuân Tóc Đỏ chắc chắn là nhân vật mình ghét thứ nhì trong văn học cho tới thời điểm hiện tại (vị trí thứ nhất là của thằng già điên Allan Karlsson). Ban đầu mình nghĩ Xuân như kiểu mồm mép nịnh nọt bà Phó Đoan thôi, thậm chí có lúc mình còn có thiện cảm với sự ngây thơ của nó (khi lần đầu đến nhà bà Phó Đoan, bả đi tắm và gợi ý rành rành ra rồi mà cậu chàng vẫn ngu ngu không hiểu ý), nhưng càng đọc lại càng thấy thằng này đúng kiểu tài năng học thức không có mà lại còn mất dạy (xin lỗi các bạn vì đã dùng từ này). Đúng mất dạy. Đọc tới đoạn nó la làng lên trước mặt ông Phán mọc sừng và bà Hoàng Hôn, sẵn dịp đó ổng nằm vạ ra giả bộ mình nhục nhã lắm làm cụ cố tổ lên cơn tái phát bệnh, rồi thằng khốn nạn đó còn đến chỗ cụ cố tổ nói rõ ra nó là một phường vô học.


Phải theo dõi câu chuyện của một thằng khốn nạn càng ngày càng được người khác cho là nó tài giỏi lắm (mà đầu đuôi là do thằng cha Văn Minh ngu tới mức nói đùa rằng Xuân là sinh viên trường thuốc bạn chả), cùng một lô lốc những người với khẩu hiệu Âu hóa tân thời văn minh hợp thời trang khiến mình vô cùng khó chịu. Và khi đọc tới chương XX thì sự khó chịu đạt tới đỉnh điểm, cái thằng Xuân khốn nạn ấy mà là vĩ nhân, là anh hùng cứu quốc bằng việc để thua một trận ten nít hay sao? Trời ơi là trời, tôi đang xem cái trò hề gì thế này?


Mình có thể hiểu được cụ Phụng tạo nên những nhân vật với tính cách bốc mùi như trong truyện để chỉ ra những loại người mồm thì cải cách xã hội nhưng trong bụng vẫn còn tư tưởng hủ lậu với vợ, hay loại đàn bà ngoài mặt thì thủ tiết thờ chồng nhưng thật ra là muốn tò tí te với thằng nhân tình nhân ngãi lắm rồi, hay loại ngu dốt nhưng nhờ mồm mép mà từng bước có được danh tiếng trong cái xã hội này. Vấn đề của mình là, mình rất ghét thằng Xuân và cái kết truyện. Không biết sao mà mình lại ghét kiểu kết không theo lối “ở hiền gặp lành”, người tốt được hạnh phúc, kẻ xấu bị trừng trị ghê. Với mình, truyện có người xấu cũng được, bi kịch đau thương giằng xé vật vã cũng được, miễn là mình tìm được giá trị nhân văn thông thường ở đoạn kết, chứ cái kiểu kẻ xấu cứ sống khỏe như vầy mình hoàn toàn không thích. Có thể nhiều bạn nói đó là hiện thực xã hội, đó là đời, còn mình, mình rất ghét.


Mình thích bản phim năm 1990 chuyển thể từ truyện này, số ít trường hợp mà mình thích phim hơn truyện. Các nhân vật như bước ra từ trong trang sách, ngôn ngữ có phần khó hiểu trong truyện cũng được thay đổi lại cho phù hợp với lối giao tiếp hiện nay, nhưng nhiều câu thoại trong sách vẫn được giữ lại. Phim cũng tôn trọng nguyên tác dù có thay đổi (thêm thắt) so với truyện ở vài chi tiết: Xuân xin chị bếp thức ăn của các “quan lớn” chó để cứu đói cho một người bạn cùng ở tù một ngày hồi trước, Xuân bắt vị hôn phu của Tuyết trả cho gã đánh thuê 100 đồng, cuộc đụng độ giữa Xuân và Tuyết với bà Phó Đoan ở Đồ Sơn, cái kết cũng được thay đổi đi một tí. Các diễn viên đóng quá đạt, mình đặc biệt ấn tượng với tuyến nhân vật nữ và thích các nhân vật sau trong phim hơn trong truyện khá nhiều: bà Phó Đoan, cô Tuyết và bà Típ Phờ Nờ. Nếu bạn nào muốn tiết kiệm thời gian và muốn hiểu rõ hơn một số từ ngữ cổ, chữ tiếng Pháp được sử dụng trong tác phẩm thì có thể chọn đọc truyện vì trong truyện có chú thích, còn nếu bạn ngại đọc truyện Việt Nam thời kỳ trước vì sợ văn phong khó đọc thì có thể chọn xem phim. Truyện và phim đều hay nên tùy theo ý thích mà các bạn có thể lựa chọn cho phù hợp.


Khi mình viết review và cho điểm, mình trân trọng những gì tác giả đã viết nên, và mình cũng trân trọng cảm xúc của mình. Mình không sợ mất lòng ai cả, và cũng không vì người khác khen ơi là khen cuốn này, xem cuốn này như văn học kinh điển của Việt Nam, hay là bạn không thể nào ghét cuốn sách này đâu, hay bạn đọc lại cuốn sách này đi, sách kinh điển đọc nhiều lần mới thấm, hay thật ra bạn đọc mà chẳng hiểu gì sất nên mới không thích nó, hay bạn là hủ lậu, là bảo thủ, là không hợp thời. Mình không phủ nhận đây là một tác phẩm hay, nhưng mình ghét thằng Xuân quá đỗi. Mình không thích cuốn sách này, mình có thể khẳng định như vậy.


Đánh giá: 2/5



Review khác về sách này 13
“Số đỏ” – Khiến người đọc cười theo nhiều kiểu.Nhiều kiểu là gì: cười vì cái hài hước trong văn phong của Vũ Trọng Phụng, cười cái sự tình nhố nhăng lộn xộn của nhà cụ cố Hồng, hay cũng là cười mỉa... chi tiết
Số đỏ, chẳng biết là ám chỉ cái số của Xuân Tóc Đỏ hay cái số phận may mắn của hắn, nhưng phải công nhận một điều rằng cái số của hắn đúng là số hưởng. Một thằng lông bông đầu đường xó chợ, kiếm cơ... chi tiết
Số đỏ- Vũ Trọng Phụng Hà Nội, 19.2.2021T thân yêu! Kỳ nghỉ lễ dài đã qua được mấy hôm rồi, anh chắc hẳn đã bắt đầu đi làm rồi phải không? Em thì lẽ ra cũng phải bò ra đường kiếm việc làm rồi nhưng... chi tiết
Trải qua biết bao những thử thách của cuộc sống, con người mưu mô sẽ chiếm được cái gọi là hạnh phúc không thực sự. Xuân tóc đỏ là một gã vô cùng hạ lưu, cuộc đời hắn có những sự ngẫu nhiên hoặc gọ... chi tiết
Số đỏ, đỉnh cao của sự trào phúng và châm biếm của Vũ Trọng Phung. Toàn bộ tác phẩm là màn hài kịch cười ra nước mắt viết về giai đoạn đoạn lai căng văn hóa, khi cái cổ hủ lạc hậu chưa kịp xóa bỏ, ... chi tiết
Số đỏ- Vũ Trọng Phụng Nhờ đoạn trích 'hạnh phúc của một tang gia' mà mình biết đến tác phẩm 'số đỏ'. Xuân tóc đỏ một người đúng thật là số đỏ từ một thằng mồ côi, rao quảng cáo thuốc lậu, nhặt banh... chi tiết
Vũ Trọng Phụng là một trong những tác giả tôi thích nhất trong nền văn học Việt Nam hiện đại, tôi đã đọc kha khá các truyện ngắn, phóng sự và cả những tiểu thuyết nổi bật của ông như Số đỏ Làm đĩ, ... chi tiết
Màu đỏ là màu gắn liền với ngày tết, với niềm vui và sự may mắn. Tên tác phẩm "Số đỏ" đã gợi nên liên tưởng về sự may mắn trong cuộc sống. Và nhân vật gặp may đó chính là anh chàng tên Xuân, vốn là... chi tiết
Số Đỏ - một tiểu thuyết trào phúng xuất sắc về một xã hội thành thị Âu hóa lố lăng, thối nát. Số Đỏ có lẽ là tác phẩm đã làm nên tên tuổi của Vũ Trọng Phụng. Trong cả tác phẩm, Vũ Trọng Phụng dường... chi tiết
Số đỏ - cuốn sách nổi tiếng nhất của Nhà văn yểu mệnh Vũ Trọng Phụng. Lần đầu tiên đọc thấy hay quá hay, lần thứ 2 đọc lại sau khi đã đọc Đường công danh của Nikodem Dyzma, Hội chợ phù hoa, Anh bạn... chi tiết