Review sách Điều Kỳ Diệu Của Tiệm Tạp Hóa
Vẫn là câu chuyện về chủ đề du hành thời gian quen thuộc, nhưng bạn đã bao giờ thấy một cỗ máy thời gian dưới hình dạng một cửa tiệm chưa? Ngồi trong cỗ máy đó, ta được tham gia vào bao sự kiện trong quá khứ để rồi không hề biết tự ta đã vô tình thay đổi được hiện tại đầy trắc trở của chính mình. Đến với “Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya”, Higashino Keigo - cây bút trinh thám lẫy lừng của Nhật Bản - sẽ đưa ta cùng tham gia vào hành trình mới khám phá thế giới quá khứ, và cũng chính là tìm về sâu thẳm trong bản thân mỗi con người.
Câu chuyện bắt đầu từ buổi tối trốn chạy của ba cậu thanh niên lang thang sau khi thực hiện một phi vụ. Họ trốn vào một tiệm tạp hóa cũ để chờ trời sáng và tình cờ phát hiện ra: cửa tiệm ấy là điểm kết nối hiện tại và quá khứ. Họ đang ở một nơi mà thời gian ngừng trôi, và họ có thể làm chủ thời gian. Nhưng đó cũng là đêm duy nhất họ được trải qua hiện tượng màu nhiệm ấy.
Trong chuyến du hành xuyên thời gian này, độc giả sẽ không còn gặp lại những cỗ máy tối tân với công thức vận hành phức tạp hay những lỗ hổng sâu thẳm hút mọi thứ của hiện tại để đưa về quá khứ… Cánh cửa để các nhân vật chính của chúng ta trò chuyện với quá khứ chỉ là khe cửa nhận thư và những lá thư. Từng cuộc trò chuyện qua thư của quá khứ và tương lai kể cho chúng ta những câu chuyện cảm động về thân phận con người trước biến cố. Từng lá thư gửi về quá khứ là từng mạch nước ngầm tạo ra cội nguồn và hòa mình vào một dòng suối mà hiện tại cũng chính là trạm nghỉ của dòng suối đó.
Ba chàng thanh niên lang thang là Kouhei, Shota và Atsuya phát hiện ra một lá thư được bỏ qua khe nhận thư trên cánh cửa và người gửi dường như không thuộc về thời đại này. Bức thư gửi đến vì có vẻ chủ tiệm tạp hóa cũ này nhận tư vấn cho mọi người thông qua thư. Cả ba tò mò viết thư hồi âm, giải đáp cho cô gái “Thỏ Ngọc cung trăng” nào đó, và lá thư tiếp theo của Thỏ Ngọc được gửi đến chỉ sau giây lát. Từng sự kiện kỳ lạ bắt đầu xảy ra. Cả ba dần nhận ra: họ đang tác động vào quá khứ.
Tạm xa rời ba chàng “bad boys”, mạch truyện đưa chúng ta trở lại thế giới quá khứ. Đó là nước Nhật thập niên 60, 70 và 80. Từng thân phận con người xuất hiện với những trăn trở riêng, và tất cả cùng tìm đến với tiệm tạp hóa Namiya để mong có được kim chỉ nam cho con đường trước mặt. Ông chủ tiệm, một ông già đôn hậu và tỉ mỉ, mang hình bóng một vị phúc thần trong văn hóa Nhật Bản. Từng lá thư được đưa đến, có khi chỉ là một câu hỏi tầm phào của một cậu nhóc, cũng được tận tình hồi âm. Từng cảnh đời xuất hiện qua những lá thư, có khi là nỗi dằn vặt trên con đường sự nghiệp, đôi khi lại là ẩn ức của một cậu bé còn chưa đầy đủ nhận thức về cuộc đời, cũng có khi là một tờ giấy trắng được gửi đến. Trước khi từ biệt thế giới và cửa tiệm kỳ diệu, vị phúc thần ấy vẫn còn băn khoăn về tác động của từng lời khuyên ông viết trong thư đối với từng số phận, liệu rằng những ngã rẽ cuộc đời sau mỗi lá thư có đem đến hạnh phúc cho người hỏi hay không…
Cả ba cậu thanh niên ở đầu câu chuyện tưởng như sắp tiếp tục kiếp “sống mòn”, phó mặc cho mọi ngã rẽ… cũng vì họ không hiểu được chính cuộc đời mình vốn bắt đầu từ đâu, không thấu hiểu được từ tận sâu trong lòng mình có điều gì. Những câu hỏi của quá khứ gửi đến, những giây phút dồn tâm để viết thư hồi âm hồi âm gửi về quá khứ, những câu hỏi cả ba tự đặt ra mà chưa thể trả lời… chính là hành trình để họ tìm ra chính mình.
Cuốn sách là các mạch truyện đan xen với các mốc thời gian khác nhau. Độc giả sẽ cảm nhận được một thứ màu bàng bạc, ấm áp, hoài cổ của một thời xa xưa với nhạc Beatles, Thế Vận Hội Moscow năm 1980, và nhất là những lá thư tay nồng hậu. Cuốn sách đưa ta về cái thời người ta hồi hộp từng ngày từng giờ để được đón nhận tin tức của những người ở xa. Người đọc cũng không ngừng bồn chồn khi chờ để được biết số phận của từng nhân vật ở đoạn sau. Phải rồi, chỉ có 3 chàng trai ở hiện tại là không có cảm giác bồn chồn, vì những lá thư quay lại với họ chỉ sau chốc lát.
Ba chàng trai sử dụng đêm màu nhiệm duy nhất của cửa tiệm Namiya để trả lời khá nhiều thư. Nhưng họ lại quên mất chính mình cũng đang đứng trước những biến động và cần một câu trả lời. Và ông chủ tiệm tạp hóa Namiya đã giải đáp cho họ: “Bản đồ của bạn vẫn còn là tờ giấy trắng… Vì còn là giấy trắng nên bạn có thể vẽ nên bất kỳ bản đồ nào.” Đó cũng là bức thư cuối cùng của ông chủ tiệm, bức thư khiến cho thời gian của ba chàng trai như ngừng lại để rồi họ có thêm can đảm khi mở tung cánh cửa vào lúc thời gian trở lại nhịp độ bình thường. Vị phúc thần ấy đã rời xa thế giới 32 năm nhưng vẫn đem về một thứ năng lượng tâm linh để gắn kết mọi trái tim. Hình ảnh cuối cùng trước khi gấp lại cuốn sách là ba đôi mắt ướt đẫm của ba chàng trai trước lá thư.
Cuốn sách cũng như 1 bức thư dài gửi đến những cõi lòng hay trăn trở, những trái tim ưa vội vã. Cầm cuốn sách lên, ta gần như mê mị với bầu không khí kì diệu, những con sóng dồn dập trong ta dần dịu lại sau những khoảnh khắc chờ đợi thực sự. Ta phát hiện ra chính mình cũng đang trở lại những ngày tháng xa xưa với những thổn thức. Phải chăng những con người ở quá khứ - có cả chúng ta ở quá khứ - cũng đã nhận được thông điệp từ tương lai? Chính những kiến tạo trong quá khứ, dựa trên niềm tin vào một tương lai đầy phép màu, đã cho chúng ta những tấm bản đồ tỉ mỉ ở hiện tại, để ta không còn sợ bị lạc đường
