Review sách Chiến Binh Cầu Vồng (Tái Bản)
Một tác phẩm tuyệt đẹp, có ý nghĩa sâu sắc và giá trị thức tỉnh. Có thể hiểu tại sao tác phẩm lại lấy được cảm tình, nụ cười và nước mắt của nhiều độc giả Việt Nam đến thế, vì câu chuyện cụ thể này, tuy xảy ra ở một ngôi trường Muhammadiyah trên một hòn đảo Belitong tại Indonesia, những câu chuyện tương tự như nó, có thể mãnh liệt hơn cả nó, hoàn toàn có thể được bắt gặp ở rất nhiều nơi, từ vùng sâu heo hút, đến thậm chí ngay rìa những nội thành sầm uất tại Việt Nam chứ không ở đâu xa.
Những cuốn sách truyền cảm hứng giáo dục như Totto-chan thường có kết thúc "có hậu", ở đó những nhà giáo tận tâm được vinh danh và đền đáp, những học trò được giáo dục tử tế sẽ thành công. Câu chuyện này, vì thế so ra không có một kết thúc hoàn hảo, nhưng chính sự hụt hẫng - bé nhỏ nhưng nhói lòng như những chiếc gai rỏ máu giữa thảm hoa hồng - mà nó gây ra cho người đọc mới chính là thực tế nhiều lúc phũ phàng nghiệt ngã, để nhớ mãi nỗi niềm cảm thông và nể phục, để tìm cách thay đổi chút gì đó cho những giấc mơ không bị chôn vùi.
Rất dễ để phát ngôn, hay đưa vào các bộ luật, những câu như "Mọi công dân đều có quyền được học tập", nhưng thực tế nào có đơn giản. Có mấy ai được như thầy Harfan và cô Mus? Và dù có rất nhiều các em nhỏ trên thế giới, và ở Việt Nam này, có nghị lực không hề thua kém 10 chiến binh bé nhỏ trong sách, nhưng cái giá của tri thức, của những hạt giống tốt đẹp, tàn nhẫn thay, vẫn chỉ có thể được quy ra đồng tiền. Một cuốn sách qua nhiều lần tái bản, giá tăng theo thời giá lạm phát từ 82 đến 90, rồi 100 nghìn đồng, không khác gì những cuốn sách giáo khoa, tham khảo, những tài liệu, khóa học... tiêu tốn tiền và tiền, chất chồng những thử thách lên những ai đã trót sinh ra trong cảnh nghèo đói. Xã hội tuyên dương vài tấm gương vượt khó, có ai để ý đến những kẻ "thất bại"?
