Review sách Phía Nam Biên Giới, Phía Tây Mặt Trời
Lần thứ hai trở lại với thế giới nội tâm đầy mâu thuẫn và bí ẩn của các nhân vật trong truyện của Murakami, mình vẫn phải loay hoay, vẫn phải đặt ra hàng loạt những câu hỏi. Vẫn là đó những chuyện tình của một chàng trai từ thuở thiếu thời đến lúc trung tuần, vẫn là đó những chuyển biến bất ngờ không lường trước được, hình khối chung trong truyện của ông không hề thay đổi, nhưng điều gì khiến mình lại đọc “Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời” say sưa và liền mạch hơn lần đầu tiếp cận đầy vất vả kia ?
Murakami lần thứ hai cho mình biết rằng mỗi con người suy cho cùng đều mang trong họ những nghi vấn về thế giới này, về những quy luật tồn tại bất định, về mối quan hệ của từng cá thể trong một thế giới rộng lớn và sự hiện diện của chính họ trong cuộc đời này. Sự chuyển biến xã hội Nhật Bản theo năm tháng không được khắc họa đậm nét, rõ rệt như một bức tranh mô phỏng trọn vẹn mà nó ẩn hiện theo dòng hồi ức của Hajime từ khi anh là cậu con một thấp bé đến lúc trở thành một người đàn ông có vẻ ngoài vững chãi hơn, luôn vận lên mình comle, cà vạt đắc tiền... Nhưng hiển nhiên, truyện của Murakami không bao giờ đơn giản chỉ là tái hiện lại cuộc đời một con người, cho thấy anh ta thay đổi ra sao và sự thay đổi đó có liên hệ gì với sự phát triển của xã hội hay không. Trong câu chuyện này, Murakami đặt ra ba chấm hỏi lớn bao trùm toàn vẹn trong từng câu chữ. Đó là những hoài nghi về tình yêu thật sự, là những câu hỏi “tôi là ai” ngầm ẩn dưới những trăn trở của nhân vật về con người mình của hiện tại so với quá khứ và cũng là những thắc mắc về sự tổn thương của mỗi con người luôn bị rình rập trong nguy cơ mang trong mình đầy rẫy những vết xước mà cuộc đời va vào.
Murakami không bao giờ viết nên những câu chuyện tình với những xúc cảm xao xuyến đơn thuần, với những điều bình thường trong những tình yêu nào là mắt chợt chạm nhau rung động tận tâm can hay là những lần cãi cọ, những cái ôm trong sáng chất chứa bao yêu thương, không phải những cái đó. Tình yêu trong câu chuyện của ông luôn đi kèm với một chút gì đó rất bản năng và hơn cả là ám ảnh. Dù cho tình yêu đó chẳng rõ ràng qua lời nói hay hành động, đó chỉ là một cái chạm tay thôi, là những lần cùng nhau nghe một đĩa nhạc trong những năm tháng non dại thôi khi mà không một ai mang trong mình những dục vọng sôi sục và cứ thế nhớ mãi về nhau như một dấu vết hằn sâu, như một tín ngưỡng đẹp đẽ nhất không gì có thể thay đổi được. Mối tình đầu đó chẳng vướng bất kì một thứ tạp niềm nào, cứ nhẹ tênh như vậy mà trôi qua chẳng ai hay biết, trở thành một chấp niệm không thể chạm vào, trở thành một phần của cuộc đời tạo rồi tạo nên một lỗ hõm sâu hoắm trong lòng không một thứ hạnh phúc nào có thể bù đắp vào để lấp đầy nó. Và khi chấp niệm hoàn hảo đó cứ ở yên như vậy trong quá khứ còn con người ta cứ phải chạy đi để trưởng thành thì nó đành bị gác lại vào nơi kín đáo nhất, những điều trong trẻo ấy đã trôi qua chẳng kịp níu giữ và cũng không thể nào bám víu được chút gì thì cũng không thể nào tiếp tục cứ hiện diện mãi được. Hiển nhiên thôi, một tình yêu khác, cũng chân thành đấy nhưng đáng tiếc nó không vẹn nguyên chỉ là sự hòa trộn giữa cái rung động và những tiếng yêu thương, nó còn có dục vọng. Loại bản năng đó là thứ khiến cho tình yêu nồng nàn hơn nhưng cũng là thứ giết chết đi những tin yêu đẹp đẽ nhất, thuần túy nhất. Đến cuối cùng, không còn lại những thanh âm trong suốt của tiếng yêu đầu đời, không còn những hồi thúc giục của dục vọng, tình yêu sau đó là gì ? Là một người đủ để lấp đầy phần còn lại của tâm hồn ? Là một người đủ để đem đến bình yên và một cuộc sống hạnh phúc kiểu mẫu ? Hay trái tim không ngừng loay hoay ấy vốn dĩ cũng chẳng biết cách để lại sục sôi, để lại rung cảm liên hồi, để một lần lại yêu và cảm nhận những yêu thương thật sự ?
Nếu tình yêu phức tạp như vậy, rối ren không lời giải đáp như vậy thì con người sẽ ra sao ? Người ta làm sao để hiểu nhau ? Làm sao để tìm đường vào thế giới của nhau ? Có khó khăn quá hay không, có vô vọng quá hay không khi cứ cố gắng và bất chấp để hiểu nhau tường tận ? Sống với nhau, yêu nhau thì nhất định phải đào thật sâu lòng nhau, phải len lỏi vào từng góc khuất mà chính bản thân người kia không hiểu hay sao ? Thế giới nội tâm cốt lõi chính là một mê cung không có lối thoát, mối liên kết của những câu chuyện đời người có thể mong manh đấy nhưng lại dính chặt vào, chi chít những đường giao nhau mà để gỡ những nút thắt ấy lại chẳng hề đơn giản. Đó là những khó khăn khi một người cứ bất chấp để hiểu người khác, để đi vào tâm hồn người khác. Còn một người, khi muốn hiểu mình, có đơn giản hơn không ? Nếu một ngày bạn bỗng nhìn vào gương rồi hoảng hốt nhận ra “Đây không phải là tôi” thì sẽ ra sao ? Trống rỗng ? Ngờ nghệch ? Hay hoảng loạn ? Thế đấy, người ta cứ sống, cứ theo đuổi nhưng điều mình cho là nên theo đuổi, nên thực thi mặc kệ thứ đó có phải là điều mình yêu, điều mình cần hay không. Có phải là hạnh phúc thật sự hay không khi chính mình đứng ở góc nhìn thứ ba để cảm nhận rằng mình đang hạnh phúc và đứng ở góc nhìn nội tâm để cảm nhận nỗi cô độc tận cùng, trống rỗng tận cùng ?
Trong “Phía Nam biên giới phía Tây mặt trời”, Murakami đã trực tiếp khẳng định rằng, tất cả mọi vật có hình hài rõ rệt rồi đều sẽ biến mất, những thứ đó không bao giờ bền vững cả : “Khi trời mưa, hoa nở, và khi trời không mưa, hoa héo. Bọn thằn lăn ăn côn trùng, và bị bọn chim ăn thịt. Nhưng tất cả đều sẽ chết và khô teo đi. Một thế hệ biến mất, một thế hệ khác thế chỗ. Đó là quy luật tuyệt đối. Có nhiều cách sống, và nhiều cách chết. Nhưng có quan trọng gì đâu. Điều duy nhất còn lại là sa mạc”. Còn lại là sa mạc ? Thế thì ở sa mạc đó còn lại gì sau khi những thứ khác đều mất đi chẳng còn chút dấu vết? Có phải là mất mátlàm lòng trống trải, đơn độc? Là những tâm hồn rỗng tuếch sau khi những điều khác vốn gắn với họ đã và đang mất đi? Là những vết thương bị vùi vào cát đất để đỡ nhói đau?
