Review sách Khúc Hoan Ca Của Văn Chương
VIẾT VỀ SỰ ĐỌC
Khi đã kết duyên vào cái nghề bôn ba chữ, nghề dạy văn, thích văn và đọc văn, nay người cô tạm nghỉ chân một chút, cô viết về sự đọc của mình.
Việc đọc quả là một quá trình dài. Với một đứa trẻ, đọc là quá trình vui chơi. Với một học sinh, đọc là quá trình chơi nhưng cũng là học. Với một người đã đứng tuổi và từng trải nhiều, đọc là quá trình nhìn lại và soi chiếu bản thân trong thời gian đã qua.
Sau quá trình đọc và trải nghiệm của mình, người cô rút ra rằng: Văn chương chính là khúc hoan ca.
Văn chương là khúc hoan ca mà nhà văn, nhà thơ không chỉ là người sáng tác tựa như một nhạc sĩ, họ sáng tác khi họ cũng chính là khúc ca.
Như một nhạc sĩ không thể sáng tác khi họ chưa nghe bất kì bản nhạc nào, khi trong lòng họ vẫn như chiếc lá cuối mùa hiu hắt.
Trong lòng họ phải đã sẵn một khúc ca, nay họ hóa vào khúc ca chính mình mà ngân nga ở chân trời góc bể.
Do vậy viết về sự đọc của mình, viết về những cuốn sách, người cô cũng không quên viết về những người đã đóng góp cho nền văn học, bởi vì họ cũng chính là khúc ca của văn chương.
Không chỉ nhà văn, nhà thơ, cô còn viết về những người thầy đã tạo cảm hứng cho cô dấn thân vào con đường văn, những khúc ca thầm lặng thắp lửa cho biết bao khúc ca khác đang chờ ngân nga.
Thế nhưng, dẫu viết về những khúc ca, giọng văn của cô không phải là sến súa hay tung hô hay say mê đến nỗi viết những lời văn bóng bẩy, cô hoàn toàn viết như một con người chiêm nghiệm tỉnh táo nhưng không quá khô cứng như một nhà phê bình, mà cô kết hợp cả lý và tình.
Khi người nghệ sĩ ra đời tác phẩm như khúc hoan ca của sáng tác, cô lại ra đời người con văn chương của mình như khúc hoan ca của tiếp nhận.
Vì thế, đọc cuốn sách này, có thể ta sẽ tìm thấy một cách hiểu mới của văn chương, biết thêm những nhà văn mới, những người thầy mới, những khúc ca mới.
Vì việc đọc một cách đọc cũng là một trải nghiệm.
Có thể đôi lúc ta sẽ không đồng tình với những nhận xét của cô được viết trong sách, không thỏa mãn về một vấn đề cô viết nhưng lại quá ngắn. Nhưng đó cũng là cách ta đang đối thoại với tác giả, không phải là giữa nhà thơ, nhà văn với người đọc, mà là người đọc với người đọc.
Mà nhờ thế, kiến văn của ta mới được mở rộng thêm, ta cảm được nhiều hơn, biết được nhiều hơn.
Và nhờ đó, mỗi bản thân chúng ta lại là những khúc hoan ca của tri thức, của văn chương.
