Review sách Chí Phèo
"Chí Phèo" - "Ai cho tao lương thiện?"
Trên kia mình trích một câu nói của Chí Phèo, có thể bây giờ mình không còn nhớ nó đúng không nhưng mình rất nhớ khi đọc câu này lần đầu tiên, mình đã nhăn mặt và chợt khóc. Tại sao cái lương thiện, cái bình sinh vốn dĩ của con người mà Chí Phèo phải gào lên thẳng mặt Bá Kiến, phải đòi bằng được. Nó khiến cho những ai có lương tri đếu cảm thấy đau lòng, đều phải ưu tư. Những tưởng tâm trạng chua xót, bi thương và bế tắc ấy chỉ có ở Chí Phèo. Chí Phèo là một tên say rượu lởm khởm, suốt ngày vừa uống rượu vừa chửi, sống một cuộc đời ô nhục, thối tha, làm những điều tệ bạc. Nhưng rồi một ngày hắn muốn làm lại cuộc đời, muốn hòa nhập vào cộng đồng xã hội, muốn sống một cuộc sống bình thường.
Nam Cao là một nhà văn hiện thực sâu sắc, thậm chí ông còn phê phán và khinh thường những câu chuyện tình mơ mộng hão huyền, yêu đương trên cái nền thối nát của xã hội phong kiến lúc bấy giờ. Những câu chuyện của ông đều mang tính "nghệ thuật vị nhân sinh" và có chất hiện thực và triết lý hàng thế kỉ. Trong đó có "Chí Phèo" câu chuyện đã làm nên tên tuổi của ông. "Chí Phèo" đã khái quát một hiện tượng xã hội ở nông thôn Việt Nam trước năm 1945, một bộ phận nông dân lao động lương thiện bị đẩy vào con đường tha hóa, lưu manh hóa. Như nhân vật Chí Phèo bị oan và đẩy vào tù và trở thành người không ra người, ngợm không ra ngợm, xấu xí cả về nhân cách lẫn ngoại hình. Qua đó, nhà văn đã kết án đanh thép cái xã hội tàn bạo tàn phá cả thể xác và tâm hồn người nông dân lao động, đồng thời khẳng định bản chất lương thiện của họ, ngay trong khi họ bị vùi dập mất cả nhân hình, nhân tính. Chí Phèo đã hét lên đi đòi nợ Bá Kiến, đó là khi hắn đã khát khao một cuộc sống bình thường, một cuộc sống mà ngay khi gặp Thị Nở hắn nhớ đến. Đó là thời trẻ hắn cũng đã từng ước mơ một gia đình êm ấm, chồng cày cấy vợ chăm nhà. Nhưng giờ đây, hắn lại trở nên thế này. Ngay cả Thị Nở, người phụ nữ xấu nhất vùng cũng từ chối hắn. Cái xã hội mà ngay cả những ước mơ nhỏ bé của một đời người cũng không thể thành hiện thực, cái ước mơ được yên ổn đó thôi cũng không thể thì đó là một xã hội bất công và vô nhân đạo. Chí Phèo là một tác phẩm có giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc, mới mẻ. Sau đó, vì bị cự tuyệt quyền làm người và nhận ra kẻ thù chính của cuộc đời mình là Bá Kiến, Chí Phèo đâm chết Bá Kiến và tự kết liễu cuộc đời mình. Cái chết của Chí Phèo rất quan trọng, vì nó đã nói lên sự bế tắc của người nông dân bị tha hóa trong xã hội u ắm, khiến chí rơi vào bước đường cùng.
Khép lại "Chí Phèo" đã để lại trong mình những bài học nhân sinh sâu sắc về quyền làm người và quyền sống.
