Review sách Những Ngày Thơ Ấu
" NHỮNG NGÀY THƠ ẤU" - MỘT TUỔI THƠ ĐẦY CAY ĐẮNG
Tôi đã từng đọc một đoạn trích ngắn trong truyện "Những ngày thơ ấu" ở trong cuốn giáo khoa ngữ văn và có một ấn tượng rất mạnh mẽ. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ sự cay đắng, nỗi đau của cậu bé tên Hồng trong câu chuyện. Và mãi cho đến tận bây giờ, bẵng đi một thời gian dài tôi mới chính thức thưởng thức trọn vẹn toàn bộ câu chuyện. Nó đã khiến tôi trăn trở, suy nghĩ mãi. Bứt dứt và xót thương.
Khi biết rằng câu chuyện này được lấy từ chính cuộc đời tác giả - nhà văn Nguyên Hồng, tôi đã ngỡ ngàng mất mấy giây. Không ngờ đây chính là số phận đã gieo lên chính tác giả, có lẽ bởi vậy từng từ, từng chữ mới lay động lòng người đến thế, chứa nhiều cung bậc cảm xúc mà tác giả đã phải trải qua.
Truyện kể về một cậu bé tên Hồng sinh ra trong một gia đình giàu có nhưng nếu nói về tình cảm, thì đó chính là khuyết thiếu lớn nhất của gia đình, bởi từ đầu bố mẹ Hồng lấy nhau đã là một sai lầm, chẳng có lòng nhưng vẫn phải chấp nhận ăn nằm. Chính điều đó đã đẩy những con người đó rơi vào số phận nghiệt ngã, đi hết từ đau khổ này sang khổ đau khác. Sống cuộc sống không lối thoát như vậy, dần dà bố Hồng rơi vào con đường nghiện ngập, bán hết tài sản để chi trả cho chất kích thích đó đến nỗi người không ra người, và đi đến một kết cục thật đau lòng. Để nuôi gia đình gồm 2 con nhỏ và người mẹ chồng già, mẹ Hồng không có cách nào khác đành đi tha hương cầu thực ở Thanh Hóa. Cuộc đời Hồng chính thức chuyển qua một giai đoạn mới, cuộc sống không khác gì những tháng ngày địa ngục. Hàng ngày phải nghe những lời mỉa mai độc ác của người dì, cùng với sự thiếu thốn cả về tinh thần lẫn vật chất, Hồng biến thành một con người khác hẳn. La cà khắp chốn để đi đánh đáo, một trò chơi ăn tiền thời bấy giờ mà bọn đầu đường xó chợ hay chơi để kiếm từng hào một sống cho thoải. Đến đây, giọng văn của tác giả trở nên chua xót, những chi tiết như nhát dao cứa mạnh vào tim người đọc. Sao mà thương Hồng quá! Tuổi thơ đáng lẽ phải được lo lắng, chăm sóc đủ đầy, vui vẻ ăn học như bao đứa trẻ đồng chan lứa khác thì Hồng lại không được hưởng cái điều vốn dĩ là hiển nhiên đó.
Đoạn truyện cuối cùng kết thúc lưng chừng, mở ra cho người đọc bao suy ngẫm. Như những nhân vật trong các câu chuyện khác như chị Dậu vùng chạy trong bóng đêm, hay Mị và A Phủ cùng nhau chạy khỏi Hồng Ngài thoát khỏi cuộc sống tăm tối kia thì Hồng lại đứng dậy, mê man chạy biến ra đường khỏi sự đối xử quá tàn nhẫn của người thầy giáo hay chính cuộc sống này. Chạy trốn đấy không phải là từ bỏ mà là bước tới phía ánh sáng phía trước, dứt ra những điều đã đày đọa em.
Tôi đặc biệt thích cách dùng từ ngữ của tác giả. Ngôn ngữ vô cùng phong phú và đậm nét riêng biệt. Truyện cũng phản ánh nhiều chi tiết hiện thực như nạn nghiện ngập cần phải phê phán một cách nghiêm khắc hay tư tưởng phong kiến, củ hủ khi bắt hai người thành vợ thành chồng chỉ để có người "nối dõi tông đường", gây ra bao khổ đau không chỉ cho đôi vợ chồng mà chính cả những người xung quanh họ.
