Review sách Cô Gái Mù Chữ Phá Bom Nguyên Tử
Nếu các bạn theo dõi mình từ lâu một chút, có lẽ các bạn cũng để ý tình cảm đặc biệt của mình đối với cuốn sách “Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất” của Jonas Jonasson. Sau khi đọc xong cuốn sách đó, mình đã quyết định tìm đến một tác phẩm nổi tiếng khác của ông – “Cô gái mù chữ phá bom nguyên tử” – và nói thật có hơi bị thất vọng.
Nếu như mình đã bất chấp độ dài của “Ông trăm tuổi” vì sự hấp dẫn của cuốn sách, thì mình lại vô cùng nản chí với sự lê thê của “Cô gái mù chữ”. Một câu chuyện dài mà lan man, khiến mình cầm lên đặt xuống đã cả triệu lần, phải sau đến một năm mới hoàn thành được.
Thật ra vấn đề lớn nhất của mình với cuốn này là nó hoàn toàn giống với phong cách và lối đi của “Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất”, nhưng thay vì có thêm sáng tạo hay đột phá, “Cô gái mù chữ” lại kể một câu chuyện bình thường hơn hẳn, nhạt nhòa hơn hẳn. Một cốt truyện không có gì mới, dàn nhân vật không có gì mới, khiếu hài hước không có gì mới. “Cô gái mù chữ” lại giống một thú vui giải trí mang tính châm biếm cao, đọc thì thấy trớ trêu thay cho nhân vật thật đó nhưng lại không nhận được bài học nào có giá trị.
“Cô gái mù chữ” có cố gắng đề cập tới một số vấn đề như nạn phân biệt chủng tộc, chiến tranh hạt nhân cận kề hay sự tồn tại của một con người. Tuy nhiên, mình lại thấy cách tác giả tiếp cận vấn đề khiến chúng còn quá mờ nhạt, chưa để lại nhiều dấu ấn. Dường như những vấn đề ấy chỉ làm nền cho câu chuyện không mấy hấp dẫn của chúng ta.
Đến cuối cuốn sách, mình nhận ra mình đã phí thời gian cho nó quá nhiều ra sao. Hoặc là “Ông trăm tuổi” đã quá hay không vượt qua được, hoặc là mô típ của “Ông trăm tuổi” khá mệt đầu và chỉ cần một cuốn đó là đủ rồi. Dù sao nếu các bạn chưa đọc “Ông trăm tuổi” thì có thể thử cuốn này, biết đâu có cảm nhận khác thì sao?
