Review sách Xứ Tuyết
Đêm giáng sinh cận kề rồi nên mang Xứ tuyết ra lan man vài dòng...
Sau bao lần mua hụt vì sách hay và quá hiếm, tận năm 2017 mình mới mua được cuốn này do IPM phát hành, bìa cứng, áo và bìa đều rất lãng mạn. Đẹp và trau chuốt đến từng centimet. Không một lỗi chính tả. Mình vô cùng thích.
Xứ tuyết dễ đọc nhưng khó review bởi nó đúng với phong cách văn chương mà Kawabatađã định hình: Đẹp, buồn và khó nắm bắt. Đó chính là lý do vì sao nó được xem là quốc bảo của Nhật Bản. Nếu lần đầu đọc Kawabata, mình khuyên bạn nên chọn 2 truyện sau để đọc trước Xứ tuyết. Một là Thuỷ nguyệt ( có nơi dịch là Trăng soi đáy nước- Truyện ngắn) hai là Cố đô ( Tiểu thuyết- nhà xuất bản Hải Phòng, 1988). Đọc như vậy sẽ giúp bạn quen hơn và nắm bắt mạch truyện dễ hơn.
Câu chuyện kể về chàng tài tử Shimamura từ Tokyo với ba lần đến thăm vùng núi suối nước nóng. Tác phẩm gây ấn tượng từ câu đầu tiên mở đầu với con tàu đưa Shimamura xuyên qua đường hầm núi, báo hiệu sự chuyển đổi không gian giữa thế giới hiện thực của Shimamura và thế giới huyền ảo của xứ tuyết. Chàng Shimamura đến thăm xứ tuyết lần đầu vào mùa xuân và gặp gỡ nàng Komako. Là một geisha vùng núi, nàng thường chơi đàn shamisen góp vui và uống rượu trong những bữa tiệc của du khách đến với xứ tuyết. Lần đầu tiên gặp Komako đã để lại trong lòng Shimamura dấu ấn khó phai về vẻ đẹp trong trẻo của nàng.
Lần thứ hai đến xứ tuyết vào mùa đông, khi Shimamura tình cờ chú ý tới nàng Yoko trên chuyến tàu hỏa đến xứ tuyết. Dung nhan của người thiếu nữ ngồi đối diện với chàng hiện lên trên khung cửa kính của toa tàu, khiến chàng như bị mê hoặc bởi vẻ đẹp thánh thiện và hư ảo ấy. Giọng nói trong thanh, phảng phất nỗi buồn của Yoko khi nàng cất tiếng nói càng gợi lên rung động trong lòng Shimamura. Ở xứ tuyết - xứ sở đẹp đẽ mà u buồn và cô độc ấy, tâm hồn của một kẻ chuyên tâm theo đuổi cái đẹp của Shimamura vừa bị mê hoặc, vừa bị giằng xé giữa hai mối tình với Komako và Yoko.
