Review sách Vang bóng một thời
Hôm nay dạy đến “Chữ người tử tù” nên mang “Vang bóng một thời” ra lan man vài dòng.
Mình cũng chỉ đọc được một vài tác phẩm của cụ Nguyễn, bao gồm: Vang bóng một thời, Chùa Đàn, Chiếc lư đồng mắt cua và một, hai truyện ngắn trong Yêu ngôn. Chừng ấy có thể nói là khá ít ỏi trong gia tài văn chương của cụ. Nhưng nó đủ để mình ngưỡng vọng, trân quý nét tài hoa, uyên bác qua từng con chữ.
Mặc dù Vang bóng một thời là tập hợp những truyện ngắn khác nhau nhưng tinh thần mà của mỗi truyện đều quy về một điểm chung: Phác họa lại những thú chơi, thú nghề của người Việt xưa.
Mình thích Vang bóng một thời bởi nhiều lý do nhưng quan trọng nhất đó là cuốn sách tôn vinh những thú vui tao nhã đã ít nhiều mai một ở hiện tại: uống trà, thưởng trăng, thả thơ, thư pháp, chơi đèn, ngắm hoa,… Đó là là cái đẹp váng vất u buồn của một thời quá vãng. Là cái đẹp của một hành trình đầy hoài vọng và duy mỹ của Nguyễn Tuân. Nếu bỏ qua yếu tố đạo đức, thì kể cả những chuyện ít nhiều có yếu tố man rợ như Chém treo ngành hay Ném bút chì cũng đều tôn vinh cái đẹp. Những người nghệ sĩ trong từng câu chuyện của cụ Nguyễn đơn giản chỉ là tập trung hết sức cho chính cái công việc mà mình đã chọn.
Nguyễn Tuân tỏ bày sự nặng lòng, mê đắm cái đẹp bằng một giọng văn đôn hậu thanh cao, pha lẫn nhiều ngậm ngùi. Về khía cạnh này, mình hoàn toàn đồng tình với nhận xét sau đây: “Nguyễn Tuân xuất hiện trên văn đàn Việt Nam đã tạo được ấn tượng ngay từ đầu bởi sự độc điệu. Độc điệu ở thể văn – tùy bút. Độc điệu ở giọng văn – phóng túng. Độc điệu ở tình văn – hoài niệm. Độc điệu ở ý văn – duy mỹ.”
Quá khứ bao giờ cũng là nền tảng của hiện tại và tương lai. Đọc tác phẩm, ta lại có được những hoài niệm về cái quá khứ vàng son đã qua của dân tộc. Một cảm giác tiếc nuối xuất hiện để rồi ta lại biết trân quý hơn những điều ta đang có trong cuộc sống này.
