Review sách Rừng Na Uy
Khen nhiều quá nên thử chê một cuốn xem sao. Trước giờ khi không cảm nổi một cuốn sách, tôi thường sẽ im lặng chứ không review. Nhưng cuốn sách này thì tôi vô cùng ấm ức vì đi đâu cũng thấy có người khen nó còn mình lại thấy dở đến mức thậm tệ.
“Rừng Na uy” khắc họa bối cảnh xã hội Nhật Bản những năm 60 của thế kỷ XX. Chúng ta biết rằng xã hội công nghiệp Nhật Bản khi ấy là một guồng quay cực kỳ khốc liệt. Tất cả những ai không chịu nổi áp lực sẽ bị nó cuốn phăng rồi đào thải. Giống như những nhân vật của cuốn sách này, người tự tìm đến cái chết ( Kazuki, Naoko), người chìm đắm trong trụy lạc với rượu và sex (như nhân vật chính Watanabe). Chỉ có một nhân vật duy nhất khiến cho sắc màu câu chuyện bớt đi sự u ám là cô gái sôi nổi có phần “tưng tửng” là Midori nhưng chừng đó là không đủ để cứu vãn cả một cuốn sách.
Tôi biết đây là một sự thật không thể che giấu của xã hội Nhật Bản lúc bấy giờ nhưng tôi không thể lý giải nổi mục đích của Haruki Murakami khi xây dựng những nhân vật kiểu như vậy? Phác họa lại một giai đoạn trong sự phát triển của đất nước? Lột trần sự cô đơn đến đáng thương trong những người trẻ? Tất cả đều không đủ để biện hộ.
Đã vậy, tôi càng khó chịu hơn khi dạo một vòng các bài review “Rừng Na uy” từ xưa đến nay. Nào là “ Với Rừng Nauy, văn chương của Murakami lại mang phong cách hoàn toàn khác. Giản dị và lãng mạn.” Rồi “Rừng Nauy, là một bản tình ca lãng mạn của tuổi thanh xuân. Giản dị như bốn mùa, như sự thật, như sống, chết”. Ai đó làm ơn chỉ ra giúp tôi cái giản dị và lãng mạn trong câu chuyện mà mọi người đang ngợi ca này với.
Sex trong “Rừng Na-uy” thật sự khiến tôi ác cảm vô cùng. Không cần biết đối tượng là ai, trong hoàn cảnh nào, chỉ cần họ thấy cô độc là lao vào nhau làm tình. Họ coi đó là một cách để giải tỏa bế tắc ư? Tôi hoang mang quá đỗi.
