Review sách Ông Già Và Biển Cả
Ernes Hemingway là người đề xuất nguyên lý nổi tiếng "tảng băng trôi" trong văn chương: Một tác phẩm phải có bảy phần chìm, chỉ một phần nổi. Và "phần chìm" của tác phẩm văn học mới là giá trị chủ yếu của tác phẩm.
Nguyên lý này đã được Hemingway vận dụng một cách xuất sắc trong tác phẩm “Ông già và biển cả”- một trong những lý do giúp Hemingway chạm đến tượng đài Nobel năm 1954.
115 trang sách kể về hành trình chinh phục biển cả của ông lão cô độc Santiago. Trong một lần đi câu ngoài đại dương, ông lão đã gặp một con cá kiếm khổng lồ. Mất ba ngày trời vật lộn với nó, dù cho bụng đói, chân tay tê dại, vết thương rớm máu, ông lão vẫn không bỏ cuộc và chiến thắng con cá và mang nó vào bờ. Nhưng rồi chỉ trong một đêm, đàn cá mập đã rỉa sạch xác cá. Ông lão lên bờ với dấu vết chiến thắng duy nhất chỉ là bộ xương cá không.
Cốt truyện giản dị, thậm chí có phần tẻ nhạt ấy chính là “phần nổi” trong tảng băng mà Hemingway đề xuất. Vậy bảy phần chìm còn lại là gì? Câu trả lời thuộc về mỗi độc giả chúng ta. Có người sẽ thấy hình ảnh ông lão già chiến thắng biển cả đại diện cho sức mạnh con người trước thiên nhiên hùng vĩ. Nó chứa đựng khát vọng, hoài bão lớn lao của loài người. Còn con cá kiếm, nó như một giấc mơ tươi đẹp và lấp lánh. Đạt được nó đã rất khó khan nhưng bảo vệ nó còn khó khan gấp bội. Satiago cũng chính là đại diện tiêu biểu cho những người lao động can trường, phải chiến đấu để tồn tại chứ không dễ dàng chịu khuất phục…
Dù hiểu theo những lớp nghĩa như thế nào, thì “Ông già và biển cả” vẫn mang những giá trị đích thực với mỗi người.
