Review sách Lão Hạc
Mình vô cũng thích bức vẽ chân dung lão Hạc sau khi bán cậu Vàng của họa sĩ Đào Quang Huy tràn lan trên mạng internet. Không hiểu sao các nhà làm sách không liên hệ với tác giả để lấy bức vẽ làm bìa sách nhỉ? Bức tranh khắc họa sự đau khổ tột cùng giống như người cha vừa mất đi đứa con yêu thương...
Truyện Lão Hạc đã quá quen thuộc với mọi thế hệ người Việt Nam. Còn hoàn cảnh nào khốn khổ hơn những nhân vật nông dân trong truyện Nam Cao nữa không? Có lẽ có nhưng là ngoài đời thực. Còn trên trang sách, Chí Phèo, lão Hạc, Lang Rận, Dì Hảo... chắc là những người khố nhất rồi.
Sống vào cái tuổi gần đất xa trời trong cô độc bởi vợ mất sớm, con phẫn chí bỏ nhà đi làm xa, lão Hạc dồn hết tình yêu thương cho con chó Vàng- kỷ vật của con trai để lại. Lão thui thủi làm thuê, làm mướn kiếm ăn lần hồi, đồng thời cố nhặt nhạnh, dành dụm cho con.
Cuộc sống của lão nông lương thiện ấy rồi cũng chẳng được bình yên sau một trận ốm rồi trận bão. Lão đứt ruột bán con chó đi để rồi ân hận mãi mãi vì "bằng này tuổi đầu còn nỡ lừa một con chó"... Chao ơi là xót xa, uất nghẹn. Cái nghèo, cái khổ của xã hội Việt Nam những năm trước Cách mạng tháng Tám không cho con người ta được sống là mình nữa. Nhưng lão Hạc không vì thế mà đánh mất lương tri. Lão thà chọn cái chết để giữ lại lòng tự trọng của mình chứ không sống mà trở thành gánh nặng cho gia đình, làng xóm.
Từ những trang sách của Nam Cao, hình ảnh lão Hạc luôn nhắc nhô chúng ta nhớ đến những con người nghèo khổ mà trong sạch với một tình cảm xót thương và trân trọng.Vì thế, dù đã 75 năm (truyện ra đời năm 1943), lão Hạc vẫn sống cùng chúng ta, sẽ còn sống cùng chúng ta. Và đúng như tác giả nói, dẫu cho cuộc đời này còn nhiều nỗi đáng buồn nhưng có những con người như lão Hạc thì cuộc đời "chưa hẳn đã đáng buồn".
