Review sách Hoàng Tử Bé (Bùi Giáng dịch)
"Hoàng tử bé" được bình chọn là tác phẩm hay nhất thế kỷ XX ở Pháp, đồng thời cũng là cuốn sách Pháp ngữđược dịch và được đọc nhiều nhất trên thế giới. Với 250 ngôn ngữ dịch khác nhau cùng hơn 200 triệu bản in trên toàn thế giới, đây cũng được coi là một trong những tác phẩm bán chạy nhất của nhân loại.
Mình đọc "Hoàng tử bé" lần đầu là qua bản dịch của Nguyễn Thành Long. Thú thật là khi ấy mình đã khá hụt hẫng khi so sánh những gì mình đọc từ sách với những lời ngợi ca ở khắp mọi nơi về chuyện cuốn sách với “nỗi buồn bàng bạc cũng như vẻ đẹp trong trẻo, tinh khôi của câu chuyện và nhân vật hoàng tử bé”.
Phải đến khi được bạn tặng cuốn sách này - tức là đọc được bản dịch của cụ Bùi Giáng thì mới thấy thích thú trước những ẩn ý và biểu tượng sâu xa mà tác giả gửi gắm. Dù khi đọc xong nó, mình thấy, rõ ràng dịch phẩm này không dành cho thiếu nhi bởi, kể cả người lớn chúng ta cũng chưa chắc đã hiểu hết nó!?!
Bên cạnh những người ưng và rất ưng bản dịch năm 1973 này như mình thì cũng còn nhiều ý kiến trái chiều, cho rằng Thi Sĩ Đười Ươi đã phóng tác quá đà - điều tối kỵ đối với những tác phẩm dịch, bằng chứng là cụ đã dẫn thêm rất nhiều câu Kiều vào bản dịch. Tất nhiên, quan điểm là của mỗi người và mình không thể áp đặt.
Cá nhân mình nghĩ, hình ảnh Hoàng tử bé trên hành tinh của cậu cũng thật giống với hình ảnh thi sĩ Bùi Giáng trong cõi ta bà này. Hồn nhiên sống, hồn nhiên buồn, hồn nhiên yêu; kiểu như "Nếu cậu đến, chẳng hạn như vào lúc bốn giờ chiều, thì từ ba giờ, tớ đã cảm thấy hạnh phúc. Càng gần đến giờ hẹn, tớ lại càng hạnh phúc hơn. Đến bốn giờ thì tớ đã đứng ngồi không yên và bắt đầu lo lắng. Tớ sẽ hiểu cái giá của hạnh phúc!"
Hôm nay là ngày 7/10/ 2019 - tròn 21 năm ngày mất của thi sĩ Bùi Giáng nên mình muốn huyên thuyên một chút về tác phẩm này, vậy thôi.
