Review sách Việc Làng - Ngô Tất Tố
Từ phong tục đến hủ tục.
Ấn tượng với "Nghệ thuật băm thịt gà" từ hồi học cấp III, mình đã tìm đọc phóng sự "Việc làng" của Ngô Tất Tố. Một bức tranh đa màu về cuộc sống sinh hoạt của người dân làng quê Bắc Bộ. Từ những phong tục tập quán mang màu sắc riêng trở thành những hủ tục lạc hậu kìm hãm người nông dân trong cái đói nghèo.
Một đứa trẻ vừa ra đời đương nhiên cũng không có gì ngoại lệ, tục lệ là tục lệ không cần biết giàu nghèo khó khăn ra sao đều phải làm. Phép vua thua lệ làng, trong làng các ông lớn mới là người quyết định, ai muốn sống yên ổn thì cứ việc làm theo. Ai cũng biết là không hợp lý nhưng không ai dám cả gan lên tiếng, mà có lên tiếng thì kết cục cũng không thay đổi được gì chỉ chuốc vạ vào thân.
Ngô Tất Tố với vốn hiểu biết rộng của ông đã đi sâu vào nhiều vấn đề nhức nhối tồn tại bấy lâu, đang làm khổ chính những người nghèo nông thôn vô tội. Công to việc lớn gì trong nhà cũng đều cần phải có người làng giúp đỡ và thiết làng một bữa cơm rượu là điều tất yếu. Nhưng không phải ai cũng có khả năng chi trả cho khoản phí ấy. Tất cả chỉ trông vào đồng ruộng, gặp năm mất mùa đói kém, khó khăn chồng chất khó khăn. Đời cha chưa trả hết thì đến đời con lại tiếp tục, những thế hệ cứ tiếp nối nhau trong cái nghèo từ chính nơi họ sinh ra và chết đi.
Một người già mất đi, một đứa trẻ ra đời, đám hỉ, đám hiếu, thăng quan, phạt vạ... Tất cả đều đã có lệ làng.
