
Những lời khen dành cho "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ" và cái danh "Hoàng tử bé" của Nguyễn Ngọc Thuần thật không sai chút nào. Cốt truyện đơn giản, nhẹ nhàng mà thân quen, giọng kể trong trẻo, ngây thơ như một đứa trẻ thật sự.
Nhân vật "tôi" trong truyện dù không được nhắc tới, nhưng lại khiến tôi hình dung ra một cậu bé khoảng 10 tuổi, người hơi gầy, miệng lúc nào cũng treo lên nụ cười vui vẻ. Cậu bé ấy biết hưởng thụ niềm vui từ những điều nhỏ nhặt nhất, vui vì có người yêu thương, vui vì những bí mật nho nhỏ, vui vì bản thân lành lặn,...
(đọc tiếp...)
"Tôi" có thể coi là hiện thân của Nguyễn Ngọc Thuần, người họa sĩ - văn sĩ. Mang theo chất nghệ thuật của người tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật TP. Hồ Chí Minh nên tâm hồn của "tôi" cũng đầy chất thơ như vậy: luôn quan sát để ý những điều nhỏ nhặt, hòa mình vào thiên nhiên mộc mạc, giản dị.
Đôi khi tôi chợt có suy nghĩ, "vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ", không phải chỉ là đắm mình với thiên nhiên, mà còn là bài học về những điều mà mắt thường của chúng ta không nhìn thấy, và đôi mắt là kẻ làm giới hạn không gian. Thế gian tươi đẹp này, đôi mắt tầm thường của những kẻ phàm phu tục tử như chính bản thân mình không thể nào mà cảm, mà rõ hết được, mà phải sử dụng tới trái tim, tới đôi tai, tới những giác quan khác.
Ban đầu đọc, còn ôm suy nghĩ rằng cuốn "truyện thiếu nhi" này, sẽ nhẹ nhàng, dịu êm thôi, nhưng đọc về sau, truyện lại ẩn chứa những nỗi đau rất về tình cảm gia đình, tình bạn,... Có những nỗi buồn rất "trẻ thơ", nhưng cũng có những nỗi buồn của người lớn. Tới lúc ấy, tôi mới bừng tỉnh ngộ rằng cuốn truyện dành cho thiếu nhi nhưng thực chất là một thế giới thật hiện thực dưới con mắt của người lớn. Tôi thực chẳng biết nên gọi bác Thuần, chú Thuần, hay em Thuần nữa. Vừa trong sáng lại, tưởng như không để trong lòng thứ gì nhưng lại vừa sâu sắc, thấu cảm, hai mặt tưởng như đối lập lại hội tụ trong chính tác giả.