Giới thiệu sách
Được đóng góp bởi OBook Team

Vụ Án

Josef K. chờ đón ngày sinh nhật lần thứ 30 của anh như một ngày bình thường. Nhưng nó lại bắt đầu rất bất thương. Anh bị bắt mà không hề có lý do. Từ khi dính mắc với Vụ Án, dù tin mình hoàn toàn vô tội, K. vẫn buộc phải dò dẫm lún sâu vào mê cung Pháp Luật như trong con ác mộng phi lý, cố hiểu xem mình đã phạm tội gì. Anh nghẹt thở đối đầu với hệ thống toà án có mặt khắp nơi, mỗi lúc một siết chặt hơn bàn tay quyền lực vô hình, và đẩy anh vào chỗ chết...

Nằm trong một phần nhỏ đã thoát ngọn lửa vùi 90% tác phẩm của Franz Kafka vào vĩnh viễn hư vô, Vụ án, cũng như những tiểu thuyết may mắn còn lại của ông, ở dạng bản thảo chưa hoàn chỉnh. Trong hơn một trăm năm, tác phẩm đã trả qua lịch sử xuất bản phức tạp, đi từ ''một đống giấy'' đến cuốn sách trọn vẹn dưới bàn tay phù phép của Max Brod. Nhưng dù xuất bản dưới hình thức nào, Vụ án vẫn là một huyền thoại không ngừng được giải mã, được đánh giá là kiệt tác văn chương quan trọng nhất nhì của thế kỷ 20.

Nhận định

"Khi Thomas Manm viết Buddenbrenbrooks, Proust viết Đi tìm thời gian đã mất và Kafka viết Vụ án, họ còn lâu mới nghĩ đến chuyện cải tạo xã hội bằng văn xuôi, thế nhưng họ đã tạo nên những tác phẩm mà trong thế kỷ của chúng ta chưa có tác phẩm nào vượt qua được."

(Marcel Reich-Ranicki)

Reviews 4

VỤ ÁN – KAFKA

Franz Kafka là một nhà văn Czech vĩ đại, với ảnh hưởng to lớn đã truyền cảm hứng cho hàng loạt các nhà văn của thế kỉ XX. Kafka không xuất bản nhiều lúc đương thời, dầu một vài tập truyện ngắn của ông có được xuất bản, bao gồm tác phẩm nổi tiếng nhất của ông – ‘Hóa Thân’ (xuất bản năm 1915). Tên của Kafka chỉ được biết đến sau cái chết của ông vào năm 1924 và vài thập niên sau đó, Kafka đã được xem là một trong những nhà văn vĩ đại và có ảnh hưởng nhất của thế kỉ XX. Tiếng tăm ấy của Kafka phần lớn là nhờ sự xuất bản của ba tiểu thuyết: ‘Vụ Án’, ‘Nước Mỹ’ và ‘Lâu Đài’ – tất cả đều chưa hoàn tất do Kafka đã luôn quá bất mãn với chúng và vì thế luôn bỏ viết giữa chừng.

(đọc tiếp...)

Trước lúc mất, theo yêu cầu cuối cùng của Kafka gửi đến Max Brod, bạn thân của ông là tất cả những gì ông để lại, kể cả những bản thảo và thư từ, tất cả đều phải bị đốt hết và không có ngoại lệ. May mắn thay cho nhân loại, yêu cầu này đã không được thi hành.

“Việc đọc Kafka luôn là một thách thức lớn… Và chẳng có lời giải thích nào là thỏa đáng” (Ritchie Robertson). Do khi lạc mình trong thế giới ác mộng (nói chính xác hơn là kafkaesque) trong tiểu thuyết của Kafka, ta luôn được gợi ra nhiều tầng nghĩa khác nhau, nhiều cái nhìn khác nhau, nhiều cách hiểu khác nhau và từ đó rút ra nhiều điều khác nhau. Kafka từng viết: “Một cuốn sách phải là một chiếc rìu cho đại dương băng giá trong mỗi chúng ta.” Và ‘Vụ Án’ là một trong những cây rìu mạnh mẽ nhất từng được viết.

Mọi thứ diễn ra như một giấc mơ kì lạ nhưng lại cực kì logic và chân thật. Sự bí ẩn, huyền hoặc của toad án, các viên chức, luật sư, bị cáo và những người phụ nữ tầm thương nhưng cực kì quyền lực. Một điều may mắn là Kafka đã định sẵn kết thúc cho vụ án của K. Tuy nhiên, một tác phẩm còn dang dở như Vụ Án khiến người đọc không thôi tự thắc mắc về diễn biến câu chuyện. Với mình, dù chưa thoả mãn nhưng lại cảm thấy ngưỡng mộ Kafka vì tài năng của ông. Chương K. ở "xưởng vẽ" và chương K. ở Nhà Thờ Lớn hàm chứa quá nhiều điều về bản chất của toà án và pháp luật. Để hiểu hết, cảm nhận hết văn chương của Kafka chắc mình không thể. Dù vậy, tác phẩm của ông vẫn lôi cuốn lạ thường và dĩ nhiên mình sẽ đọc lại k ít hơn một lần.

Kafka là một tượng đài văn học của thế kỷ 20. Tên của ông thậm chí đã trở thành một tính từ để chỉ những điều kỳ quái. Tôi rất ngại mỗi khi viết về những thứ người ta đã viết quá nhiều. Kafka thì nhất định là một người đã được mổ xẻ đến nát nhừ. Nhưng tôi lại rất thích viết về những tác phẩm của ông, bởi vì khi viết về ông, tôi không cảm thấy nỗi mặc cảm của một người đang “lấy vải thưa che mắt thánh”. Điểm hạn chế lớn nhất của tôi khi review cho một cuốn sách hay một bộ phim hay bất cứ cái gì đi chăng nữa, đó là tôi không giỏi phân tích nó dựa trên hoàn cảnh lịch sử – chính trị – xã hội. Thông thường tôi chỉ đơn giản là đọc và cảm nhận xem nó ứng vào đâu trong cuộc đời mình. Tôi là một độc giả rất tầm thường, tôi không biết khóc cho thời cuộc, càng không biết cảm nhận nỗi đau của số phận con người thuộc một thời đại xa lắc xa lơ nào đó, tôi chỉ vật lộn trong máng đời chật hẹp của riêng tôi. Bởi vậy mà tôi luôn thích trường phái trừu tượng – siêu hình, chúng không có bất cứ quy chuẩn nào, người ta được quyền diễn giải tùy thích mà không sợ bị chê là đồ kém hiểu biết, chẳng hạn như con bò tót trong bức bích họa Guernica của Picasso, người thì bảo nó đại diện cho Tây Ban Nha, người thì bảo nó đại diện cho chế độ phát xít Franco, người lại bảo nó biểu trưng cho quái vật Minotaur trong thần thoại Hy Lạp, người lại cho rằng nó biểu trưng cho chính Picasso, còn Picasso nhún vai bảo nó chỉ là một con bò.

Vụ Án của Kafka cũng như vậy, mặc dù có cả tá những lời lý giải khác nhau về nó, nhưng không ai chắc chắn thực sự mục đích của Kafka khi viết ra là gì. Nhưng việc Kafka nghĩ gì có gì quan trọng đâu? Nhất là nếu như bạn không phải một nhà phê bình văn học kiếm tiền bằng cách đoán những suy nghĩ trong đầu Kafka. Quan trọng là mình nghĩ gì thôi. Dù sao thì một tác phẩm nghệ thuật kinh điển là một tác phẩm mà người ta có thể thấy những giá trị mà chính người làm ra nó không hề biết tới.

(đọc tiếp...)

Giống như Hóa Thân (Metamorphosis), một cuốn sách khác của Kafka mà tôi đã từng có dịp viết review trước đây, Vụ Án bắt đầu bằng một sự kiện từ trên trời rơi xuống:

:Hẳn ai đấy đã vu khống Josef K. nên một buổi sáng nọ anh bị bắt, dù chẳng làm gì sai quấy."

Một ngày nọ, Gregor Samsa tỉnh dậy và thấy mình biến thành một con bọ khổng lồ. Một ngày nọ, Josef K. tỉnh dậy và biết mình bị bắt. Kafka dường như luôn bắt đầu mọi thứ một cách rất trời ơi đất hỡi, không có lí do hay cảnh báo, cũng không có giải thích hay phân bua. Mặc dù tên là Vụ án, nhưng câu chuyện chẳng liên quan gì tới phá án hay hình sự. Bởi đơn giản là Josef K. bị bắt thôi, một vụ bắt bớ kỳ quặc không rõ nguyên do. Thế rồi, K. cứ ngày càng dấn sâu vào vụ án đó để chứng minh mình vô tội, nhưng càng dấn sâu, anh dường như càng bị lạc trong một mê lộ của Tòa án, chúng bủa vây lấy anh từ tứ phía nhưng rốt cục chúng là cái gì thì anh không biết. Vì chúng vô hình.

Diễn tiến của câu truyện cứ khiến tôi liên tưởng đến một thành phố với những ngã rẽ ngoằn ngoèo xiên xẹo và K. bơ vơ đi tìm lối ra nhưng rất tiếc anh không có một tấm bản đồ. Anh đi tới đi lui từ nhà ra ngân hàng, từ ngân hàng tới những văn phòng tòa án tọa lạc trong những xó xỉnh bẩn thỉu và xập xệ nhất, rồi lại từ văn phòng tòa án tới căn nhà tối mò mò của vị luật sư dặt dẹo, nhưng đâu mới là lối thoát?

Vụ Án giống như một phép toàn ảnh cuộc đời, nó soi chiếu cuộc đời bằng thứ ngôn ngữ của riêng nó, một thế giới 3 chiều được diễn dịch bằng những trang giấy hai chiều. Nhân vật Josef K. thuộc về kiểu nhân vật rất chung chung. Ngoài một cái tên (mà đến cái tên cũng không đầy đủ), và một chức vụ cao trong một ngân hàng, dường như chẳng còn gì chúng ta có thể mường tượng về anh. Không ngoại hình, không tính cách, không gì hết. Josef K. là một tấm gương trong suốt, bất cứ kẻ nào nhìn vào Josef K. cũng sẽ chỉ thấy cái bóng phản chiếu của chính mình.

Mỗi khi phải nói về mình, bạn sẽ nói gì? Thật lạ là khi muốn biết về một ai đó, chúng ta luôn chỉ đặt những câu hỏi kiểu như: Tên anh là gì? Anh bao nhiêu tuổi? Anh làm nghề gì? Anh sống ở đâu? Gia đình anh gồm những ai? Và họ nghĩ thế là đủ để phác họa nên một con người. Nhưng tên tuổi chỉ là danh xưng và thích người ta còn có thể đổi lại, tuổi tác chỉ là tạm thời vì từng giây từng phút nó sẽ qua đi, nghề nghiệp chỉ là một công việc và người ta hoàn toàn có khả năng bỏ nó, nơi sống chỉ là thứ bao bọc ta và nếu muốn ta vẫn được quyền dịch chuyển, và gia đình chỉ là những mối quan hệ ruột thịt nhưng không phải là chính ta. Ấy vậy mà, những thứ ảo tưởng đó lại không ngừng định nghĩa con người và giam giữ con người sau chấn song vô hình của nó. Trong bộ phim The woman in the dunes chuyển thể từ tiểu thuyết phi thời cùng tên của nhà văn Nhật Bản Kobo Abe, nhân vật nam chính, cũng là một kẻ vô thân phận có nói:

Những loại giấy tờ giúp chúng ta biết chắc về một ai: hợp đồng, bằng lái xe, chứng minh thư, giấy phép, chứng từ, chứng chỉ, đơn đăng ký, thẻ công đoàn, giấy chứng nhận, hóa đơn, giấy ghi nợ, lệnh ra hạn tạm thời, thư chấp thuận, chứng minh tài sản, giấy lưu ký, thậm chí cả gia phả. Đã đủ chưa nhỉ? Tôi có quên cái nào không? Cả đàn ông lẫn đàn bà, họ đều sợ bị lừa dối. Bởi thế mà họ làm ra những giấy tờ để chứng minh sự trong sạch của mình. Chẳng ai biết đâu mới là hồi kết.

Thật kỳ lạ là chúng ta luôn cần một tờ giấy để chứng minh mình là ai. Người ta nói giấy đốt là hết, nhưng nếu không có nó, chúng ta bỗng dưng biến thành một thực thể vô nghĩa và không có chỗ đứng. Xã hội vốn dĩ chỉ là một tổ chức tưởng tượng, với những lề luật tưởng tượng, nhưng có ai không bị chi phối trong cái vòng xoáy tưởng tượng đó? Và vì tất cả mọi người cùng tưởng tượng, nên hầu như chẳng ai nhận ra mình đang tưởng tượng. Cuối cùng thì chúng ta coi những thứ tưởng tượng là thật và nếu ai đó nói về bản ngã và chân tướng, thì họ lại bảo anh ta thật khéo mộng mơ.

Mỗi con người dường như là một phiên bản sao chép của Josef K. trong Vụ án . Ai cũng nghĩ mình tự do. Ừ, mình tự do thế kia mà. Này nhé, mình thích đi đâu thì đi, thích làm gì thì làm. Mình có thể lướt mạng đến tối cũng chẳng ai phàn nàn. Khi đói thì mình có thể tùy ý chạy ra mua một ổ bánh mỳ về gặm nhấm, khi buồn chán, mình sẽ nghe nhạc mà không ai cấm cản, khi tức giận mình chửi bới lung tung, khi thấy tù túng ngột ngạt thì mình phóng xe ra ngoài hóng gió. Cuộc đời còn gì tự do hơn? Nhưng cũng giống như Josef K. luôn bị một tòa án vô hình nào đó bám riết không buông tha, chúng ta cũng luôn bị giam lỏng trong một nhà lao mang tên “cuộc đời”.

Josef K. được tự do làm những điều anh thích ở bên ngoài, nhưng vào mỗi sáng chủ nhật, hoặc bất cứ khi nào thích, anh sẽ bị triệu tập đến để hỏi cung trên một phòng áp mái. Trên thực tế, anh vẫn sống cuộc sống bình thường nhưng một mặt khác, một khi nhận ra mình phạm tội, cuộc sống của anh không bao giờ còn như trước được nữa. Đó là một bản án chưa tuyên nhưng ở bất cứ đâu, anh cũng gặp được một kẻ biết về vụ án của anh còn rõ hơn cả anh và khẳng định rằng hắn ta/nàng ta có thể giúp đỡ anh. Anh bị rối bòng bong trong một mớ những sự kiện điên rồ mà cuối cùng thì không biết rằng anh đã lạc lối trong vụ án của chính anh hay lạc lối trong cái hệ thống thất điên bát đảo ấy.

Chúng ta thì có hơn gì Josef K. đâu? Chúng ta có thể bay trên một chiếc máy bay nhưng chẳng thể bay tự do trên chính đôi cánh của mình như một con chim nhỏ. Pháp luật, tập quán, tín ngưỡng, đạo đức, lương tâm, xã hội, định kiến, phong tục, văn hóa,… luôn có hàng ti tỉ những cái vòng kim cô chụp lấy đầu con người, khi chúng ta muốn thoát ra thì ngay lập tức nó sẽ niệm một câu thần chú khóa trái chúng ta lại. Chúng ta nghĩ là mình tự do nhưng thực ra chúng ta chỉ đang học cách sống thỏa hiệp với những hàng rào thép gai không cho phép chúng ta trèo qua. Trong biển người mênh mông, đôi khi cũng xuất hiện một vài kẻ nổi loạn trèo lên hàng rào ấy cho đến khi đôi tay rướm máu, nhưng rồi cũng chỉ để đứng cao hơn người khác một chút, còn vĩnh viễn không thể nhìn thấy bờ bên kia của bức tường thành vô tận. Bên ngoài đó có gì? Chỉ e lại là một bức tường thành vô tận khác.

Rất không liên quan nhưng đột nhiên nhớ ra nhiều năm trước, VTV3 có phát sóng bộ phim truyền hình Vương Chiêu Quân, trong đó có đoạn khi Chiêu Quân tự nguyện gả sang Hung Nô, Hán Nguyên Đế vì say mê nàng đã thuyết phục nàng ở lại bằng cách hứa sẽ xây cho nàng cả một cung điện lộng lẫy khiến nàng đi cả đời không hết, nhưng Chiêu Quân đã từ chối và nói: Cung điện dù rộng tới mấy thì cũng chỉ là một cái lồng vàng rộng hơn. Nhưng rồi ngay cả khi nàng nghĩ mình đã được giải thoát nơi thảo nguyên bao la vô tận, nàng cũng đâu có thể tung cánh mà bay? Thảo nguyên cũng có những ranh giới của thảo nguyên mà nàng không trốn thoát được. Cuối cùng thì nàng cũng đành vui vẻ chấp nhận đời là như thế.

Trời cao, cao đến đâu?

Màu xanh, xanh bao lâu?

Nếu nói đã mãn nguyện

Thì cần gì đôi cánh?

Trở về với Vụ án, điều đặc biệt đối với cuốn sách này đó là nó là một tiểu thuyết không hoàn chỉnh. Có rất nhiều chương Kafka chưa hoàn thành, và thứ tự của từng chương cũng không được ông đánh số hay sắp xếp. Mỗi lần tái bản, người ta lại có một chút chỉnh sửa mới cho hợp logic hơn nhưng không ai dám chắc đó là ý nguyện của Kafka. Mà thật ra, ý nguyện của Kafka là chúng được đốt hết đi.

Hai phần tôi thích nhất trong cuốn tiểu thuyết là hai cuộc đối thoại: một là giữa Josef K. và tay họa sĩ Titorelli và hai là giữa Josef K. và vị linh mục.

Cuộc đối thoại thứ nhất, giữa K. và Titorelli, diễn ra trong một căn phòng bé như một cái hộp nút kín người ta lại ở một gác nhỏ cheo leo giữa một chốn tồi tàn khốn khổ nhất. Trong cuộc đối thoại ấy, Titorelli đã nói cho K. nghe về việc sẽ không có chuyện vụ án được gỡ bỏ hoàn toàn. Đó là một ẩn dụ đau đớn về cuộc đời. Con người luôn là một bị cáo trong cuộc đời từ cái ngày mà tổ tiên chúng ta đã nghe theo lời con Rắn mà ăn mất trái táo cấm của Thượng đế. Chúng ta vô tư sống dưới một bản án luôn lơ lửng trên đỉnh đầu và có thể giáng xuống ta lời nguyền kinh khủng nhất vào bất cứ lúc nào nó muốn. Và rồi quan tòa là ai? Vị quan tòa công lý cầm cân nảy mực quyết định số phận ấy là ai? K. sẽ không bao giờ được gặp mặt. Cũng giống như con người giữa một xã hội bất an vẫn luôn cố gắng tìm một đức tin để nương náu, nhưng gương mặt của Jesus có ai đã tận mắt chứng kiến ngoài qua những bức tranh truyền thần và bức tượng Người được đóng đinh trên cây thánh giá? Tất cả những gì K. được gặp chỉ là 2 tên tay sai và viên dự thẩm tép riu thô lỗ và cũng chẳng biết gì cụ thể về vụ án. Tất cả những gì chúng ta được làm chỉ là gửi gắm lòng tin vào một điều gì đó nhưng chính chúng ta cũng không biết đức tin ấy là thật hay cũng chỉ là một thứ thuốc phiện chúng ta tự uống vào để giảm đau cho chính mình. Chúng ta muốn gặp một Đấng tối cao nhưng đều không gặp được. Và vì không gặp được trong hữu hạn cuộc đời nên họ nói cái chết sẽ đưa ta tới bên Người. Nhưng làm gì có ai còn sống mà đã chết để chứng thực cho điều đó? Bởi thế mà sinh ra hai chữ “lòng tin”. Họ rùm beng lên về lòng tin, nhưng rốt cuộc lòng tin chỉ là một thứ cảm tính phi vật chất cố gắng gán ghép nhằm an ủi phần nào cho hiện thực vật chất xót xa.

Cuộc đối thoại thứ hai, giữa K. và vị linh mục, diễn trong Nhà thờ lớn, nơi uy nghiêm và biểu trưng của Chúa hài đồng. Vị linh mục kể cho K. nghe câu chuyện về một người nông dân đến trước cổng Pháp luật, gặp một tay gác cửa không cho y vào. Đó là một câu truyện dài nhưng chi tiết làm tôi nhớ nhất đó là tay gác cổng bảo người nông dân có thể vào nhưng dọa rằng hắn chỉ là tay gác cổng hạng bét, bên trong còn những kẻ quyền thế đáng sợ hơn nhiều. Bản thân tay gác cổng cũng chưa từng gặp những kẻ bên trong, nhưng lại dám khẳng định những kẻ bên trong ghê gớm vô cùng. Thế là nỗi sợ vô lý của tay gác cổng được chuyển giao thành nỗi sợ có lý của người nông dân. Cứ thế một cái vòng luẩn quẩn. Dường như xã hội ngoài kia cũng thế thôi. Sợ sệt không phải một loại bản năng mà là một thói quen đã tiến hóa từ hàng ngàn hàng vạn kiếp người đi trước. Nỗi sợ như một tòa thành xây nên bằng cách mỗi người đi qua lại ném vào một viên gạch, tới khi thành đã cao thì không ai còn dám bước qua nữa. Khi ai đó làm một hành động gây tranh cãi, họ rất thích lôi cái gọi là văn hóa, là thuần phong mỹ tục, là tác phong lễ nghĩa ra để răn dạy, nhưng văn hóa chẳng phải cũng chỉ là do con người tự tạo ra đó sao? Không có ai bó buộc con người hết. Chỉ có con người tự bó buộc lẫn nhau. Nên nhớ những nhà tù cũng là phát minh của con người.

Cuối cùng thì K. chết, một cái chết cũng bất thường và mập mờ như cả câu chuyện đã diễn ra như vậy. Trước khi bị những kẻ cầm quyền đâm chết, K. đã nhìn thấy đằng xa một bóng người mà anh cũng không rõ là ai. Nhưng không ai giúp anh cả, anh vẫn chết. Anh đã có thể tự đâm chết mình nhưng anh không làm bởi theo anh đó là nhiệm vụ của người có chức trách và anh không thể làm thay họ hết mọi việc được. Đến kết thúc, số phận của một con người cũng không do con người tự tay lựa chọn mà phó mặc giam cầm trong một sợi dây xích nào đó, “như một con chó”. Sợi dây xích có thật hay chỉ do K. đã tự tay xích mình vào? Dù thế nào, quan điểm của Karl Marx từ thế kỷ trước cho rằng “Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội” vẫn là một kết luận đau đớn. Giá trị của một bản thể có thể chẳng mang ý nghĩa nào hết, nằm ngoài xã hội, nó chỉ là hư không. Bởi thế mà không cần phải có phát xít hay đế quốc, một con người sống trong một thế giới hết sức bình thường, làm một công việc hết sức bình thường như Josef K., như mỗi chúng ta, cũng vẫn là nô lệ cho một ông chủ vô hình mà ta không biết mặt.

Đoạn kết của Vụ Án được Kafka lấy ra và biến thể thành một truyện ngắn (rất ngắn) mang tên Một giấc mơ. Nếu chỉ đọc riêng Một giấc mơ, sẽ thấy nó chỉ là một nhát cắt mỏng và ngọt. Josef K. mơ một ngày trời đẹp nọ, anh đi dạo và rồi rơi xuống một nấm mồ đang khắc tên anh. Đoạn truyện rất ngắn đấy luôn làm tôi nghĩ tới cảnh nhân vật Scottie nằm mơ thấy mình rơi vào một nấm mồ trong tác phẩm điện ảnh kinh điển Vertigo của Alfred Hitchcock. Nhưng khác với Scottie kinh hãi trước cơn ác mộng, Josef K. của Kafka đã “Thích thú trước cảnh tượng này, anh bừng tỉnh giấc.”.

Đó cũng là lời cuối trong bản in mà tôi đọc được của cuốn Vụ Án.

Viễn tưởng về cái chết đó không khiến K. sợ hãi, mà ngược lại nó khiến anh thích thú. Tôi chưa từng đọc với tâm thế cho rằng K. là một cái bóng của chính Kafka, nhưng đến đoạn này, tôi nghĩ mình buộc phải nghĩ như vậy. Trong di cảo của mình, Kafka chỉ có mong ước người bạn Max Brody hãy đốt sạch những bản thảo của ông. Hòa cùng biển lửa, lửa sẽ hỏa táng tất cả thành tro bụi. Và khi đó, những trang viết sẽ được tự do. Cũng như Josef K. vậy, có lẽ cái chết sẽ cho anh mãi mãi tự do, thứ tự do xa xỉ và xa vời mà anh không tìm kiếm được. Không biết cái chết có thật là cho anh chút tự do không, nhưng ít ra là anh nghĩ như thế.

Đã nghe nói về Franz Kafka, nhưng quyển đầu tiên mình đọc là Hóa thân, sau đó đến Nghệ sĩ nhịn đói, rồi mới tới Vụ án. Cũng may mắn, trình tự này giống như đọc Trại súc vật trước khi đọc 1984, chứ nếu đâm bổ vào đọc Vụ án ngay thì chắc bị sốc :)

Mình rất thích các nhà tư tưởng viết tiểu thuyết, vì đọc những tác phẩm ấy cảm giác sướng không chịu được. Những cuốn mình đã nói dằng dai nhai đi nhai lại miết là Một mảnh trò đời, Người xa lạ, 1984 và giờ là Vụ án. Bài viết này cũng muốn chia sẻ một ít so sánh giữa Vụ án và hai quyển Người xa lạ, 1984.

(đọc tiếp...)

Vụ án và Người xa lạ cùng nêu bật lên phạm trù phi lý trong cuộc sống và nỗi cô đơn bất lực của con người. Trong Người xa lạ, cái vô lý khởi đầu bằng việc nhân vật giết người, phần còn lại chủ yếu miêu tả nội tâm nhân vật. Còn trong Vụ án, cái phi lý được đẩy lên đến đỉnh điểm, trở thành nội dung chính của câu chuyện mở đầu bằng một câu khắc khoải: “Chắc hẳn là người ta đã vu oan cho Joseph K., bởi vì chẳng làm điều gì nên tội, thế mà một buổi sáng kia anh bị bắt.” Không dừng ở đó, cuối truyện K. còn bị kết án tử mà không biết cả tội danh của mình, không thấy mặt mũi của tòa án lẫn ông thẩm phán đã xét xử anh. Câu chuyện mở đầu vô lý, những con người K. gặp nói năng đều vô lý, những tòa án vô lý trên nóc chung cư, diễn biến vô lý của vụ án nhẽ ra đã khiến câu chuyện trở nên phi lý không chịu đựng nổi, nhưng ngược lại, nhân vật chính của câu chuyện lại suy nghĩ logic và hành động hết sức tỉnh táo (anh là nhân viên cấp cao của một ngân hàng) khiến cho kết cấu câu chuyện lại có phần thông minh, thú vị, khiến cuộc đối đầu giữa nhân vật chính và tòa án trở nên thực tế, chính là cái thực tế vùng vẫy của con người trong xã hội phi lý, khác với sự vùng vẫy mờ mịt, có chút nào đấy nửa vời giữa ranh giới muốn sống và muốn chết trong Người xa lạ. Cái phi lý trong Vụ án lại còn được “biện hộ” đầy sống động qua rất nhiều trường đoạn phân tích của những nhân vật phụ xuất hiện trong cuộc đời K. như ông luật sư, gã họa sĩ hay nhà linh mục. Tất cả họ dường như có đầy đủ lý do và kinh nghiệm để tồn tại trong xã hội hết sức bất an này, trừ nhân vật chính. Rất lấp lửng, rất vô lý, không thể tìm hiểu, không có cơ hội chất vấn, không có sự giúp đỡ (mọi sự đề nghị giúp đỡ trong truyện đều là ảo), thế mà lại buộc phải xem như là một sự hiển nhiên. Nhân vật đã chết trong sự vùng vẫy bất lưjc và nỗi cô đơn khủng khiếp không gì sánh được trong cuộc đời. Cả cách chết cũng vô lý nốt.

Trong khi Vụ án giống với Người xa lạ ở phạm trù phi lý của triết học, thì tác phẩm này lại giống với 1984 ở cảm giác cô đơn bất lực của con người trong xã hội, mà cụ thể là thể chế, là tòa án, là luật pháp. Những thể chế đó trong các tác phẩm đều đồ sộ, mà những cá nhân trong 1984 (nhân vật hiểu lờ mờ đầy sợ hãi) và Vụ án (nhân vật hầu như không hiểu gì) bị đè nén đến cùng cực và cuối cùng là bị bức tử. Trong cả hai tác phẩm, nhân vật chính đều phản kháng, nhưng độc giả thấy rõ sự vô ích và bất lực qua từng chương, đoán được cả kết thúc, nhưng lại không thể không bàng hoàng bởi tính chất của nó. Thể chế, tòa án, luật pháp, những thứ đại diện cho xã hội văn minh đó tồn tại như những rào cản, nhưng nó quá khó để vượt rào, để đạp đổ, để sống ngoài vòng. Nó vô hình nhưng có những con mắt xuất hiện ở khắp mọi nơi. Nó có thể bị chúng ta thường xuyên xem nhẹ :) cho đến lúc đột nhiên bị kết án :))). Nó sẽ quăng qua quật lại, đập tan nát xác tín của những kẻ theo chủ nghĩa Hiện sinh (như mình) khiến cả bọn đột ngột mất hết niềm tin về cá nhân cốt lõi. Nó sẽ khiến Nietzsche phải đội mồ sống dậy, một lần nữa tay cầm “chiếc búa tạ đập nát cõi người” :))))))))) Đùa một chút, chứ thật ra không khí trong cả hai truyện này đều nặng nề và không lối thoát. Mọi nỗ lực đều chỉ đưa đến tuyệt vọng. Cá nhân bị dìm xuống đáy, bất chấp bản thân anh ta là một tiểu vũ trụ. Những vấn đề lớn đặt ra trong từng câu chuyện khiến người đọc không tránh khỏi phải nhìn lại chính mình và cuộc sống của mình, cũng như việc phải nhìn xa hơn vào cộng đồng, vào lề luật, vào môi trường xung quanh. Hơn nữa, còn khiến người đọc ý thức được giới hạn của sức mạnh ý chí, của tinh thần, của lý tưởng tự thân, và nhất là sự mỏng manh của thân xác. Nietzsche đề cao thân xác, Sartre đề cao hiện hữu, rằng thân xác là bình chứa cốt yếu của tư tưởng, để rồi trong 1984, tư tưởng chết trước, và trong Vụ án, thân xác chết trước. Còn gì nữa đâu.

1984 viết chính trị, Người xa lạ viết về triết học, Vụ án thì ở đâu đó giữa cả hai :) nhưng nhìn chung đều có cái kết giống nhau bi kịch, các nhân vật chính đều bị tòa án buộc tội và đều phải chết. Dù ít lạc quan vào cuộc sống, các tác phẩm này đều rất đáng đọc bởi đều thuộc hàng kinh điển, là các tác phẩm nổi tiếng thế giới và đã trở thành cảm hứng cho rất nhiều nhà văn hậu hiện đại. Cá nhân mình thấy những quyển này đều có tầm vóc tư tưởng, rất hay, đọc sướng tê. Nếu bạn đã đọc một trong ba quyển và đồng cảm, đến gặp mình, chúng ta sẽ ôm hôn :)))))))

http://innerwhite.com/blog/category/phan-hoi/page/4
Thông tin chi tiết
Tác giả Franz Kafka
Nhà xuất bản Nhà Xuất Bản Văn Học
Năm phát hành 05-2015
Công ty phát hành Nhã Nam
ISBN 8935235204959
Kích thước 14 x 20.5 cm
Số trang 315
Giá bìa 68,000 đ
Thể loại