Giới thiệu sách
Được đóng góp bởi OBook Team

Việt Nam Danh Tác - Hà Nội Lầm Than

"Tác giả Trọng Lang cũng là cây bút viết phóng sự sớm và chuyên nhất với thể văn này trong một thời gian dài. Các tác phẩm chính của Trọng Lang có Trong làng chạy, Đời bí mật của sư, vãi, Gà chọi (1935), Đồng bóng (1935-1936), Hà Nội lầm than (1937), Làm dân (1938), Làm tiền (1939); và sau này còn có thêm Thầy “lang”, Vợ lẽ nàng hầu, Những đứa trẻ (1941-1944)... Các phóng sự, ghi chép của Trọng Lang in khá rõ phong cách điều tra, kể chuyện, khai thác tư liệu thực tế. Nhà văn đã mở rộng diện đề tài, bao quát cả những khía cạnh đời sống tinh thần, phong tục tập quán và thực trạng những lối sống mới đang nảy sinh. Ở đây có cả thế giới muôn màu vẻ của bọn trộm cắp (Trong làng chạy), đời sống nhếch nhác cùng cực nơi thị thành (Hà Nội lầm than, Làm tiền) và muôn mặt những tệ nạn sau luỹ tre làng (Làm dân, Xôi thịt)... Nhiều trang viết thực sự sinh động, phô bày được những góc khuất tối của bọn người trộm cắp, đồng cốt, gái làm tiền, tệ nạn thuốc phiện... Không chỉ phản ánh và bộc lộ thái độ trước các vấn đề xã hội mà Trọng Lang còn tỏ bày khuynh hướng tư tưởng, chỉ ra những nỗi cơ cực, đau xót của lớp người “làm dân” dưới đáy xã hội. Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan từng khái quát ý nghĩa sáng tác của Trọng Lang: “Trong số các nhà văn viết phóng sự gần đây, Trọng Lang có óc phê bình hơn cả. Văn ông đanh thép và sắc cạnh, chuyên về tả cảnh nhiều hơn tả tình... Muốn hiểu tâm hồn những hạng dân quê đã bị “lây” ít nhiều thói tỉnh thành, phải đọc những phóng sự của Trọng Lang; nhưng muốn hiểu tâm hồn những người dân quê còn đặc quê mùa, cần phải đọc những tập phóng sự và tiểu thuyết phóng sự của Ngô Tất Tố”.

(Nguyễn Hữu Sơn)

"Người ta có khi khoe rằng đã đi hát cô đầu, và biết nhảy đầm.

Nhưng, tôi quyết rằng không ai dám nhận đã có đi vào..."nhà thổ", dù chỉ có một lần nhỏ thôi, trong đời mình... Tôi đã đàng hoàng bước vào nhà thổ...."

Reviews 5

Tôi gắn bó với Hà Nội đã tròn mười năm. Những tưởng mình đã thấy những cảnh Hà Nội phồn hoa rực rỡ nhất cũng như những lúc thành phố này giấu trong mình sự khốn khó xót xa nhất. Nhưng không, tôi đã lầm. Xưa kia Hà Nội đã có những ngày lầm than đau đớn gấp bội phần. Trong thành phố đó, bên rìa sự nhộn nhịp sang trọng là mọi cảnh đời ê chề đau đớn.

Điều buồn nhất là những số phận khổ đau ấy phần lớn là phụ nữ. Nhưng có khi họ không còn được coi là phụ nữ mà trở thành những hình hài bủng beo nhão nhoẹt, những "kẻ thù của mọi người vợ và người mẹ".

(đọc tiếp...)

Qua ngòi bút phóng sự chân thực của Trọng Lang - trong vai một tay chơi sẵn sàng xộc vào tất cả những ngõ ngách cùng khổ nhất Hà thành - những mảnh đời dưới đáy xã hội đều được phơi bày dưới ánh sáng. Những gái nhảy, cô đầu, gái nhà thổ rồi bọn ăn mày. Bốn hạng người, bốn hoàn cảnh tưởng chừng không liên quan mà lại giống nhau đến kỳ lạ. Họ, đều chỉ là kẻ ngoài lề cuộc đời, sống bằng "lòng thương" của người khác. Họ, kẻ bán thân xác, tiếng cười nuôi thân, người bán "chuyện đời" tự dựng lên để có tiền.

Từ những gái nhảy luôn bốc mùi thối từ tận ruột gan đến những cô đầu ngày ngày ăn thứ thức ăn hổ lốn từ mọi thứ dư thừa khách hát bỏ mứa. Rồi bọn "đượi" nhà thổ dù còn trẻ trung nhưng đã không còn dáng hình con người tử tế, hay lũ ăn mày "thật" đói khổ lăn lóc ngoài đường và bọn "ăn mày cao cấp" dùng dăm câu tiếng Pháp xin sự thương hại từ những ông Tây bà đầm... Tất cả họ sống và chết mòn đi trong một cuộc đời tù túng xấu xa và bẩn thỉu mọi rợ. Nhưng kẻ làm nghề này lại thấy mình "còn hơn chán" kẻ làm nghề kia. Không ai biết mình đã chịu cảnh khổ của những con vật chứ không còn là con người nữa. Họ vẫn ung dung trong mảnh trời bé tí của mình, ngày ngày bằng mọi giá kiếm tiền nhưng vẫn không đủ ăn, dù bán đến manh áo cuối cùng cũng vẫn chỉ là kẻ mang nợ.

Cuộc sống khốn khổ khốn nạn của những người dân có lẽ trước đây đã từng quê mùa và nay vì lý do nào đó mà nhiễm bao thói thành thị xấu xa nhất ngày hôm nay lặp lại hệt như hôm qua. Những người khốn khổ ấy không còn tin vào những gì tốt đẹp nữa bởi lẽ họ chỉ gặp rặt những kẻ đê hèn và những sự kinh khủng.

Điều tôi thích thú nhất ở tập phóng sự này là dưới ngòi bút tỉnh táo của Trọng Lang tôi dù thấy được hết những mảnh lầm than của Hà Nội ấy nhưng lại không bị tác động cảm xúc bởi câu chuyện cuộc đời của họ. Bởi như Trọng Lang đã thuật lại, họ đều tự lựa chọn cuộc sống như thế cho mình, dẫu có bị dè bỉu khinh miệt. Có người vì không xa được "bát cơm đen", có kẻ lại vì không muốn rời đô thành phồn hoa dù bản thân họ chẳng được ai công nhận là một phần của nó. Những sự phù phiếm đã che mắt họ, là điểm tựa cho họ vượt qua những đau khổ mà đến chính họ cũng cho rằng "chỉ có cái chết mới giải quyết được".

Thật buồn khi biết Hà Nội ngoài những hào hoa phong nhã đã từng một thời lầm than đau đớn thế đấy. Đã từng một thời mà những kẻ khốn khổ chết đi bên vệ đường như một con vật cũng không ai đoái hoài như thế đấy...

Nhắc tới Hà Nội, ai cũng chỉ nghĩ đến cái mảng sáng tươi, hào hoa, thanh lịch mà quên đi cái mặt tối nhơ nhớp hầu như thời nào cũng có ấy. Trọng Lang đã đi sâu vào đời sống của những con người dưới đáy xã hội để hoàn thành một cách trọn vẹn nhất thiên phóng sự này.

Bìa sách "Hà Nội lầm than" gây ấn tượng mạnh với tôi. Cái khung cảnh phố cổ dưới mưa nhòe nhoẹt ánh đèn vàng buồn thảm gợi lên cái sự "lầm than", tăm tối hơn bất cứ hình ảnh nào tôi có thể nghĩ ra được.

(đọc tiếp...)

Cuốn sách đã khía rất sâu vào một trong những thực tế đang trương phình ở các đô thị thuộc địa những năm 30 của thế kỷ trước. Ấy là dịch vụ kinh doanh xác thịt, là bọn trộm cắp, đồng cốt, ăn mày, tệ nạn thuốc phiện… Để phơi bày những hiện thực ấy, Trọng Lang đã thân chinh đột nhập vào từng ngóc ngách Hà Thành, trong vai một tay chơi có máu mặt. Chính vì thế, từng dòng chữ trong Hà Nội lầm than đều ăm ắp chất hiện thực. 

Không ít lần trong tác phẩm Trọng Lang cũng phải dùng đến cái giọng văn gay gắt khi phải chứng kiến  “những nỗi thống khổ ê chề của một hạng nô lệ cho xác thịt” hay “ô uế cực kì, một chỗ để chứng rằng tâm hồn, xác thịt của một đám đàn bà trụy lạc đã thối nát đến bực nào”. Nhưng vượt lên trên tất cả, tôi vẫn thấy đó là một tâm hồn cảm thương với những con người bất hạnh. Mỗi một số phận sống dưới đáy xã hội là một hoàn cảnh khác nhau mà nếu không trực tiếp đọc những trang viết của tác giả, có lẽ ta sẽ dễ dàng khinh rẻ họ khi gặp ngoài xã hội. Tác giả không bênh vực hay thông cảm cho họ hoàn toàn mà chỉ trực tiếp phơi bày sự thật trong số phận của họ để người đọc tự nhận thức.

Đọc Hà Nội lầm than, tôi hiểu hơn vì sao Vũ Ngọc Phan, trong Nhà văn hiện đại, bằng khả năng chọn lọc nhanh nhạy của mình, lại giới thiệu về Trọng Lang nồng nhiệt đến như vậy: “Trong số các nhà văn viết phóng sự gần đây, Trọng Lang có óc phê bình hơn cả. Văn ông đanh thép và sắc cạnh, chuyên về tả cảnh nhiều hơn tả tình”.

Nếu như "Hà Nội băm sáu phố phường" là những mảnh thanh lịch ý nhị của đô thành được Thạch Lam nhặt nhạnh đây đó để tự hào trân trọng, thì "Hà Nội lầm than" lại là một mặt tối khác hẳn, vụn vỡ, thê lương và sống sượng, tồn tại song song với những thức quà trong lành là những tệ nạn ngày càng bành trước trong bối cảnh xã hội thời bấy giờ. Những phận người trong thiên phóng sự của Trọng Lang có thể được nhìn thấy thấp thoáng ở những hàng nước, hàng quà của Thạch Lam, những con nghiện, gái thanh lâu, phu xe... nhưng trong tác phẩm này thì chẳng còn chút lãng mạn tinh tế nào sót lại nữa.

"Gái nhảy, cô đầu, nhà thổ, ăn mày." Tác giả cứ thế mà "đàng hoàng" xông xáo vào những góc tối nơi cái "chân lý" thị trường tiền trao cháo múc, thuận mua vừa bán được áp dụng lên xác thịt trần trụi. Dấn thân vào những nơi chốn ấy, đau lòng có, xót thương có, ghê tởm có, khinh miệt có, cảm thông có, để rồi tất cả những cảm xúc ấy nghẹn lại khi ta nhận ra rằng hầu như không có lối thoát nào cho những phận người đã bị bần cùng lưu manh hóa ấy, khi những kẻ giàu có quyền lực vẫn còn đang lộng hành, và đôi khi chính chúng ta làm ngơ hoặc thậm chí tiếp tay cho những lầm than ẩn khuất hàng ngày.

(đọc tiếp...)

Nếu văn chương có thể có những áng văn ca tụng cái đẹp thì cũng hoàn toàn cần phải có Hà Nội, cũng như mọi thị thành, mọi xã hội khắp nơi đều có nhiều mặt cùng tồn tại, vừa ngời sáng, cũng vừa tối tăm, có những điều ta nên biết để níu giữ, cũng có rất nhiều cảnh tượng ta phải biết không phải để chối bỏ, mà để thấu hiểu và gắng sức giải tỏa.

Hà Nội đẹp bởi những phố cổ, quyến rũ bởi những món ăn, gây thương nhớ bởi vẻ cổ kính đầy hoài niệm, thế nhưng, ta không thể vì thế mà quên đi Hà Nội từng lầm than một thời.

Nếu ta đến Hà Nội chỉ hít mùi phở, mùi bánh cuốn, mùi cốm non, mùi của hoa lá, cỏ cây trong những buổi chiều thu se lạnh thì không thể biết rằng Hà Nội còn có mùi của máu, của nước mắt, của những con người tự coi mình là “bãi rác sống” luồn lách trong các hang cùng ngõ hẻm của Hà Nội để sinh tồn.

(đọc tiếp...)

Bước vào một hình hài khác của Hà Nội qua ngòi bút Trọng Lang, ta mới thấy lòng mình tê nhói vì một vết cứa rất mới, rất sâu, cào xé vào vết đau ấy chính là những gái nhảy, cô đầu, ăn xin, nhà thổ… những kẻ bốc mùi từ tận tâm can nhưng lại được Hà Nội phủ lên mình ánh đèn lấp lánh sa hoa. Những con người “nhà quê” bám lấy Hà Nội bằng cách bán thân, bán nghệ và bán cả nhân cách của mình để có miếng ăn, cái mặc. Thế nhưng, Hà Nội đẹp đẽ, hào hoa kia chưa bao giờ đối đãi tử tế với những kẻ bần cùng ấy, chưa bao giờ ban phát cho họ thứ ánh sáng chân thật nào ngoài ánh đèn nhập nhoạng, giả dối như chính cuộc đời họ.

Hà Nội lầm than chính là sự đứt gãy, tan vỡ về Hà Nội trong lòng Trọng Lang. Chứng kiến một Hà Nội xấu xí, bẩn thỉu, lừa lọc, dối trá, tệ nạn khiến ông phải thừa nhận sự bất lực của mình, của những con người khốn nạn mãi mãi đắm chìm trong vòng xoáy hoan lạc ấy.

Phải yêu Hà Nội bao nhiêu mới khiến ta đau đớn khi thấy một Hà Nội như thế. Phải nặng lòng vì Hà Nội bao nhiêu khiến ta nhỏ lệ, nhỏ máu vì một Hà Nội như thế. Nếu như Miếng ngon Hà Nội khiến ta ấm lòng thì Hà Nội lầm than lại khiến ta đau xót, lạnh lẽo.

Như một cơn gió cô độc, Hà Nội lầm than đứng giữa sự đẹp đẽ của Hà Nội để bày tỏ lòng yêu của mình khác lạ nhất.

Nhắc đến những cây bút phóng sự đất Bắc, ắt hẳn ai cũng biết đến Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Đình Lạp. Trước những tên tuổi chói loà ấy, Trọng Lang khá lu mờ. Hầu như ít người biết đến ông. 

Nhưng nếu đọc những tác phẩm của ông, ta sẽ phải công nhận đó là một tài năng chưa được "đem ra trưng bày". 

(đọc tiếp...)

Thiên phóng sự đặc sắc nhất của ông là "Hà Nội lầm than". Không còn là một chốn kinh kì hoa lệ với nhiều thú vui tao nhã. Tác giả đã vén màn, mở ra những góc cạnh nhơ nhớp của đời sống nơi đây. 

Trong vai trò là một tay ăn chơi, nhà văn ra vào các chốn để tác nghiệp. Ông khai thác từ gái nhảy, cô đầu, nhà thổ cho đến ăn mày. Ông khai thác sâu cuộc sống của những người bị cho là dưới đáy cùng của xã hội, nghề của họ là những nghề bị dè bĩu. 

Phê phán thực trạng mua bán dâm đang bành trướng nhưng Trọng Lang cũng chua xót cho số kiếp của con người, đặc biệt là những người phụ nữ "Hạng gái nhảy là một trong những hạng người có giấc ngủ đau đớn đáng thương nhất". Những câu văn dường như có tiếng thở dài não nề như nói về những cô đầu, cái nghề từng được xem trọng trước đây "cái trần nhà trơ trụi, mái, bộ bàn ghế tạp, mấy bức tranh gió đưa lủng lẳng, bài trí tạm bợ... mấy cô đầu nửa người, nửa ngợm... Thế mà còn có người quỵt không trả tiền cho mấy con "bọ bùn" sống trong đống rác đó". Những cô gái trong nhà thổ cũng xấu xỉ, tham hại đến đáng thương.

Không phải là một người ngoài cuộc, nhà văn đã đi sâu vài hang ổ của những chốn nhớp nháp ấy nên thấu hiểu sâu sắc. Thế giới đen ông viết nên trong trang giấy khiến ta phải suy ngẫm rất nhiều về số kiếp con người, cuộc đời.

Thông tin chi tiết
Tác giả Trọng Lang
Nhà xuất bản Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn
Năm phát hành 09-2015
Công ty phát hành Nhã Nam
ISBN 8935235206229
Kích thước 14.5 x 20.5 cm
Số trang 280
Giá bìa 62,000 đ
Thể loại