
Có thể nói cuốn sách này là một giấc mơ của Thomas More. Ông mơ về một xã hội hoà bình, ấm no và hạnh phúc mà trong đó không có sự tồn tại của phân biệt giai cấp và những thói xấu của con người như ngạo mạn, tham lam, ích kỷ,...
Cuốn sách đề cao chế độ cộng hoà, nó được viết dựa trên tác phẩm “Cộng hoà” của Plato, trong đó không tồn tại tư hữu - cái làm cho con người chúng ta trở nên tham lam và ích kỷ, chỉ có công hữu là tồn tại mà thôi. Mọi người sống trong xã hội ấy đều phải làm những công việc lao động tay chân để sản xuất ra những thứ cần thiết phục vụ cho những nhu cầu cơ bản của con người như ăn, mặc và ở. Họ mặc trang phục hoàn toàn giống nhau, vì thế mà không có sự phân biệt giữa người sang và kẻ nghèo, nếu ai sai quy định sẽ bị trừng phạt rất nghiêm trọng.
(đọc tiếp...)
Còn có một thứ tôi cảm thấy rất hay ở chế độ này là đồng tiền không hề tồn tại, ngay cả vàng bạc châu báu cũng bị người dân ở đây khinh thường, họ dùng chúng làm những sợi dây xích để trói nô lệ.
Suy đi ngẫm lại thì con người lại chính là rào cản của con con người. Ở chúng ta tồn tại cái thói ngạo mạn, muốn được coi là quan trọng hơn người khác, chúng ta cảm thấy tự hào vì những thứ mình có mà người khác không có, chính điều đó gây nên những cảnh khốn khổ trong xã hội mỗi khi mùa màng thất bát, nếu những thương gia, chủ nô chịu mở kho thóc của họ ngay lúc đó thì liệu những cái chết vì đói khát ấy có xảy ra? Trong khi chính những người nông dân kia mới là nguồn nhân lực chính tạo ra toàn bộ những của cải trong xã hội vậy mà họ phải chịu đựng một cuộc sống khốn khổ, đọc đến đó thì tôi phải tự hỏi công bằng ở đâu kia chứ!