Giới thiệu sách
Được đóng góp bởi OBook Team

Giang hồ không phải một câu chuyện cổ tích, mà là một tấm gương sáng để người ta soi vào rồi phân biệt thiện ác thị phi. Trên giang hồ, có sự phản bội, có sự giết chóc, và đương nhiên là có máu tanh. Nhưng may thay, còn có những cái nắm tay gạt hết ân oán tình thù, có những bậc trung liệt luôn vững tâm niệm dù phải đối mặt với cường địch, có những con người hiệp nghĩa sẵn sàng xả thân vì thiên hạ. Một tờ Thái Bình ước ban xuống, thiên hạ gió chuyển mây vờn. Tình nhi nữ đan xen, giang hồ tồn vong trong chớp mắt. Hãy cùng xem, oán thù liệu có cởi, ân tình liệu có đáp đền, lựa chọn của ai mới là chính xác!

Mời các bạn đón đọc!

Reviews 3

Trăng sáng cố hương của tác giả Lại Nhĩ, là một nhà văn trẻ nhưng Lại Nhĩ đã gây một tiếng vang lớn trong giới văn học Trung Quốc bằng những tác phẩm nổi tiếng, và tôi thấy tác phẩm Trăng sáng cố hương chính là một cuốn truyện hay, một cuốn truyện giang hồ và tình yêu đầy thú vị.

Câu chuyện viết về những ân oán tình thù, những hiểm độc trong giới giang hồ sâu thẳm mà Vân Hy chịu đựng đã khiến tôi thực sự cảm động. Còn có khát vọng báo thù mãnh liệt cho Tùy gia thương của Khương Hằng, sư huynh của Vân Hy. Và cả trái tim yêu mãnh liệt nhưng diệu dàng của Hạ Thiên Thu đối với Vân Hy và của Khương Hằng đối với cô.

(đọc tiếp...)

Bắt đầu tất cả bi kịch chính là do bản Thái Bình ước do chính triều đình ban ra:

1. Giao nộp hết võ công bí tịch của môn phái cho triều đình.

2. Các hiệp khách, võ nhân đều phải đến bộ binh đăng ký chịu sự quản lý của triều đình, triều đình sai đánh đâu thì đánh đấy.

3. Khi đã ký Thái Bình Ước rồi thì tất cả hiềm khích trước đây của các ban phái đều xóa bỏ, mọi người bắt tay vui vẻ sống với nhau.

Vì không chịu kí, Tùy gia đã bị diệt hết thảy 37 mạng người, mang mối thù đó để tiếp tục sống, Khương Hằng 13 tuổi mang cô bé Vân Hy 8 tuổi chạy khỏi núi gia nhập giang hồ.

Đã trải qua bao chốn giang hồ hiểm ác, cuối cùng, Vân HY có thực sự tìm được tình yêu của đời mình, Khương Hằng có báo thù cho môn phái của mình, Hạ Thiên Thu có được tình yêu của Vân Hy không. Tất cả hãy cùng theo dõi câu chuyện nhé!

TRĂNG SÁNG CỐ HƯƠNG (TSCH) của nhà văn Lại Nhĩ thuộc thể loại kiếm hiệp, cổ đại. Phải nói thêm một điều là gu của ta trước giờ không hề là truyện kiếm hiệp, từng một lần đọc qua mười mấy chương đầu của “Tiếu ngạo giang hồ” và không thể nào kiên nhẫn nhai hết bộ truyện. Ta bị loạn não với hàng tá những chiêu thức, với một mớ rối rắm các tên bang phái và nhân vật trong truyện. Ai thấy hay chứ ta thấy khô khan, loạn xạ, rối nùi. Từ đó ta quyết định cạch mặt thể loại ấy ra.

Cho đến khi tình cờ nhìn thấy TSCH trên Tiki, bị ấn tượng bởi bìa sách và tên truyện, ta tò mò đọc thử vài trang, và rồi quyết định một lần nữa “đến với” kiếm hiệp xem sao.

(đọc tiếp...)

Như bao truyện kiếm hiệp khác, TSCH cũng bắt đầu bằng thảm kịch diệt môn của một bang phái trên giang hồ, cũng lấy ân oán tình thù ra làm sườn chính cho mạch truyện. Nhưng điều đặc biệt là ở chỗ, thảm kịch ở đây không xuất phát từ tranh đoạt ngôi vị hay bí kíp võ công mà được bắt nguồn từ một giấc mộng thái bình, tờ chỉ dụ của triều đình ban xuống - “Thái Bình Uớc”.

Mở đầu truyện, độc giả còn chưa kịp biết tên môn phái ấy, chưa kịp biết nó hưng thịnh ra sao, những ngày tháng bình yên của nó như thế nào đã bị kéo lê đi cùng sự trốn chạy thục mạng của hai đứa trẻ Khương Hằng và Tùy Vân Hy, hai nhân vật chính của truyện. Về sau mới biết môn phái ấy tên là “Tùy gia thương”, dòng võ công chuyên về thương pháp.

Khương Hằng là một đệ tử ưu tú của môn phái, còn Vân Hy tuy là con gái chưởng môn nhưng không được truyền thụ võ công vì tổ tiên có quy định “không nhận nữ”, cả hai là thanh mai trúc mã cùng lớn lên trên đỉnh Kỳ Sơn. Tháng ngày bình yên của Tùy gia trên đỉnh núi ấy gắn liền với những tiếng trêu chọc, cãi vã nhau của hai đứa trẻ. Một đứa khao khát được học võ, ngày nào cũng lén lút trèo lên ngọn cây nhìn vào “Diễn võ đường” để học lỏm chiêu thức các sư huynh luyện tập; một đứa kiêu ngạo, tinh nghịch, lúc nào cũng canh me sư muội để hăm dọa, chọc phá.

Những tưởng bình yên ấy vẫn sẽ cứ thế mà theo chân đôi trẻ trưởng thành, nào ngờ, một ngày đông giá rét, “Thái Bình Uớc” ban xuống, tất cả theo máu tanh vùi mình trong tuyết trắng, cũng vùi cả hai mảnh đời nhỏ bé vào giang hồ huyết lộ, vào dòng ân oán thị phi không chốn quay đầu. Để rồi sau này mỗi người mỗi ngã, mỗi lập trường, mỗi lý tưởng, giằng xé nhau giữa ân nghĩa, ái tình, thù hận…

“Thái Bình Ước, ý bảo rằng bảo vệ thiên ý, trừ diệt tà đạo, làm trong sạch võ lâm, chấm dứt chuyện bang phái tranh giành, trả lại cuộc sống thái bình cho trăm họ. Phàm các nhân sĩ trong võ lâm, nên lấy điều ước này làm chuẩn mực, một là không tụ tập đấu võ, hai là không mang theo binh khí, ba là không gây thù hằn bang phái, phàm việc phải theo pháp luật thi hành, tất thảy bang phái phải xóa bỏ hiềm khích, quy về bộ Binh quản lý, nghe theo hiệu lệnh của triều đình. Còn về các điển tịch võ học, ấy là bảo vật của Thiên triều, nên giao nộp cho triều đình, qua bộ Lễ chỉnh lý, nhập vào thư khố võ học, để tiếng thơm muôn đời, lưu truyền vạn đại, dành phúc cho tử tôn.”

“Kí Thái Bình Ước rồi, thì được tính là võ lâm chính đạo, quy thuận triều đình […] vừa là dân vừa là lính, gặp thời chiến thì bảo vệ sơn hà […] Còn nhược bằng không kí, tất nhiên là tà ma ngoại đạo, tất cả phải bị tru diệt […]”

Ấy đấy, một mảnh vải lụa mang ý “thái bình” lại vô tình vấy lên biển tanh mưa máu, làm cho gió chuyển mây vờn.

Lang thang trong đất trời bao la gió tuyết, Khương Hằng dẫn theo Vân Hy trốn chạy, vì bảo vệ cô mà tự mình chặt đi một cánh tay. Rồi từ đó hai đứa trẻ côi cút nương tựa vào nhau, che chở cho nhau mà lớn lên cùng với mối huyết hải thâm thù. Ấy vậy mà, chẳng biết là do bản tính hay lập trường khác nhau, hai con người vốn cùng chung mối thù, hoạn nạn sinh tử có nhau, đến cuối cùng, lại bước ngược đường trên huyết lộ. Trong hành trình báo thù, rửa hận, hai người gặp gỡ những con người khác, thiện có, ác có, rồi dấn thân vào chuyện nọ chuyện kia… Trải qua vạn sự, thù đã trả, nhưng đến cuối cùng chẳng ai biết được mình đã đúng hay sai, “kết cục này” có phải thứ họ muốn hay không.

Đọc truyện, hòa mình vào nhân vật, cảm nhận nỗi đau của nhân vật, để rồi khi thoát ra khỏi họ mà nhìn lại, bản thân tự dưng cũng cảm thấy phân vân trong việc phán xét trắng - đen, thiện - ác, đúng - sai. Dù là chính hay tà, ai cũng có lý lẽ của riêng mình, trắng nhìn đen sẽ thấy đen nghịch đạo lý, đen nhìn trắng sẽ thấy trắng trái lẽ luân thường. Từ đó mới thấy, ranh giới giữa đúng và sai thực chất là rất mong manh, khó lòng mà phân định; không là đen chưa hẳn là trắng, không là trắng chưa chắc là đen. Phải nói rằng tác giả đã quá thành công trong việc lột tả cái sự giằng xé ấy, chẳng những cho ta thấy rõ sự giằng co đấu tranh nội tâm trong từng nhân vật mà còn lôi luôn cả ta vào thứ rối rắm ấy, đến nỗi một “người ngoài” như ta nhìn vào mà còn khó lòng phân xử trước sau.

Đọc TSCH thì cái chân lí “kẻ trong cuộc tối, người ngoài cuộc sáng” trở thành phi cmn lí; với TSCH của Lại Nhĩ thì trong hay ngoài cuộc gì cũng đều rối tung rối mù, loạn xạ cả lên thôi. :v

Cái ranh giới mong manh giữa hai cực ấy, theo ta, lại chính là điểm sáng nổi bật nhất hiện lên trong tác phẩm.

Tiếp đó, ta lại thấy được tấm lòng trung nghĩa, một dạ vì sông núi quê hương của những người con Trung Nguyên. Dù là phận nữ nhi hay nam tử, là binh lính hay kẻ giang hồ, là chính đạo hay tà phái, khi non nước bị lâm nguy, tất cả đều nhất tề rũ bỏ hết mọi ân oán tư thù, gạt hết chính tà phân tranh, chỉ còn lại trái tim son sắt của những người con đồng loạt hướng về xã tắc, sơn hà.

Nói về tấm lòng dành cho quê hương sông núi, lại phải nói đến chân tình giữa người và người với nhau. Tình thân, tình ái, tình bằng hữu,… tất cả đều có ở TSCH. Ích kỷ có, bao dung có, nhẹ nhàng có, mãnh liệt có…, nhưng chung quy hết thảy, mọi thứ tình cảm dù ở trạng thái nào, ở con người nào cũng đều quy về một tâm niệm, đó là một lòng muốn bảo vệ người mình yêu thương. Mọi tình cảm đều xuất phát từ con tim chân thành, bằng máu thịt. Suy cho cùng, những tình cảm ấy dù đáng khen hay đáng trách, đều đáng được trân trọng.

Lại nói đến những hình ảnh (ta tạm gọi đó là hình ảnh ẩn dụ) xuất hiện xuyên suốt từ đầu đến cuối truyện: Trăng, tuyết và máu. Những hình ảnh ấy là thứ ta tâm đắc nhất với quyển truyện này, có thể do nó thật sự đẹp, cũng có thể do ta vốn dĩ đã thích nó (à, ta thích trăng và tuyết thôi nhé!). Đọc một cuốn tiểu thuyết, bắt gặp được hình ảnh mình yêu thích, lại còn được thấy tác giả dùng nó một cách như để giữ hồn truyện… thì thôi rồi, tác phẩm ấy ăn thêm vài trăm điểm trong ta. Chúc mừng Lại Nhĩ!

Đầu tiên là máu, đã là tiểu thuyết kiếm hiệp thì làm sao có thể thiếu máu. Máu tanh là màu và cũng là mùi đặc trưng của chốn giang hồ. Máu trong TSCH có nóng, có lạnh, có đỏ, có đen, có uất hận, có cam tâm, có hả hê, có đau buồn, có tàn khốc nhưng cũng có sắt son… tất cả như chảy qua từng con chữ, nhuộm lên từng trang sách rồi phản chiếu lại ánh đao, bóng kiếm, hiện lên số kiếp thê lương, hiện lên thế sự khó lường, hiện lên bình yên bị cuốn vào sóng gió, sau đó sáng loáng dưới ánh trăng rồi chìm sâu vào tuyết lạnh. Ở thế giới truyện cổ đại nói chung và kiếm hiệp nói riêng, hễ có máu đổ là có sinh ly tử biệt, có sinh ly tử biệt là có đau thương, có đau thương là có khắc khoải, có khắc khoải là có nhớ thương… Tính ra, bà cô Lại Nhĩ này cũng thật là biết cách “sử dụng máu” quá đi đó chứ!

À rồi, kế đến là tuyết, cũng không hiểu sao ta lại thích tuyết đến vậy. Mỗi khi đọc một tác phẩm nào có tuyết xuất hiện là ta lại auto nghiền đi nghiền lại mấy dòng tác giả miêu tả tuyết. Tuyết mang một sắc trắng tinh khôi, tuyết đẹp, nhưng đẹp một cách hoang tàn, giá buốt. Trong TSCH, tuyết cùng với ánh trăng như rải đều trên từng con chữ, lúc hòa vào sương, khi hòa vào máu. Tuyết trắng tinh khôi như trái tim non nớt, ngây thơ của hai đứa trẻ ngày nào; trắng tinh khôi như những tháng ngày bình yên trên đỉnh Kỳ Sơn, có phụ mẫu, có sư phụ, có huynh đệ, có tiếng la mắng, nói cười… Và tuyết giá buốt! Tuyết giá buốt như cái giá buốt trong lòng Vân Hy khi trông thấy Khương Hằng, vị huynh trưởng mình nhất dạ tin yêu, ngỡ có thể nương tựa cả đời lại ngày từng ngày đổi thay đến không thể nhận ra; tuyết buốt giá như cái buốt giá trong lòng Khương Hằng khi nhìn thấy Vân Hy, người mình một mực tin tưởng, bất chấp để bảo vệ lại ngày từng ngày rời xa mình, quay lưng lại với mình, cuối cùng là muốn mình phải chết. Tuyết tan hoang! Tan hoang như cái ngày một gia tộc vùi thây tại vùng đất lạnh, tan hoang như vùng trời sau lưng hai đứa trẻ, nơi ấy bỏ lại cánh tay của một vị huynh trưởng, cũng bỏ lại của người ấy một trái tim thiện lương, hào hiệp. Tuyết mịt mù! Mịt mù như chính số phận của nhân vật, bay tan tác rồi chìm vào khoảng không vô tận, giã từ cõi tạm.

Cuối cùng là trăng, tên của truyện là “Trăng sáng cố hương”, tuyệt nhiên thấy rằng trăng là một phần không thể thiếu của truyện. Không có trăng, máu ấy, tuyết ấy cũng trở nên nhạt nhòa. Từ trên bầu không, trăng lúc tròn, lúc khuyết cứ thế rọi xuống thế nhân. Trăng rọi vào bóng người cô độc, rọi lên đỉnh Kỳ Sơn, rọi vào tán cây, ngọn cỏ, rồi rọi vào những thứ vũ khi sắc lạnh, rọi vào từng biểu cảm hạnh phúc, đắng cay…; trăng soi sáng mịt mù tuyết phủ, soi sáng ngập trời máu tanh, soi sáng oán hận, tình thù, soi sáng những tấm lòng trung can nghĩa đảm, soi sáng phận đời bể dâu, nghiệt ngã… Soi sáng hết thảy sự tình của thế gian. Như rọi vào bóng tối, lại như che lấp vầng dương… Thứ ánh sáng ánh ấy, là của trăng. Có phải trăng ở đây là thứ ánh sáng trong tâm hồn, cũng là sự cô đơn trong tâm hồn nhân vật? Chỉ là thứ ánh sáng đi mượn, ánh sáng tạm trong cõi tối tăm, chẳng thể nào là mặt trời ban mai được. Trăng tuy đẹp nhưng lại đìu hiu, quạnh quẽ; trăng có thể soi tỏ đêm đen nhưng lại không thể xua hết đêm đen; trăng làm hiện lên những thứ bị màn đêm che lấp nhưng lại làm chúng trở nên mờ ảo, lắm lúc còn kỳ dị, lạ lùng. Cũng giống như thiện ác, đúng sai trên giang hồ, nhờ trăng soi sáng, tưởng chừng như tường tận nhưng thật ra lại rất mơ hồ. Hay như Khương Hằng, được soi tỏ ngọn nguồn thù hận nhưng cuối cùng lại chẳng biết thứ kết cục do mình tạo ra là đúng hay sai. Lòng người ấy có trăng hay lòng người ấy tựa trăng? Đẹp, nhưng cô độc và tạm bợ, lúc tròn, lúc khuyết, lúc chìm hẳn vào màn đêm u tĩnh…

Học võ…

Học võ là để hành hiệp trượng nghĩa, chống lại tà ác, bảo vệ những người mình yêu thương…

Hay… “Học võ, nếu chẳng hại người thì cũng hại mình” ?

Đấy là câu hỏi còn dang dở trong TRĂNG SÁNG CỐ HƯƠNG.

Lại bàn một chút đến lời văn trong tác phẩm, ta đang phân vân không biết dịch giả có thật sự chuyển tải được hết ý tứ, câu từ trong văn bản gốc hay không. Nếu như không thì wtf tác phẩm này còn hay đến mức nào nữa 😳?! Vì thật sự chỉ mới đọc bản dịch thôi ta đã phải thốt lên khen ngợi ngay từ những dòng đầu tiên rồi. Lời văn gãy gọn, cô đọng, văn phong là lạ mà lại rất ấn tượng, nhất thời không nói rõ được nó là như thế nào. Giọng văn này không hề khô khan, cũng không hề ướt át, đủ dứt khoát trong miêu tả chiêu thức, đủ khắc khoải trong lột tả đau thương, đủ tinh tế trong miêu tả nội tâm cũng như dáng hình nhân vật. Tình tiết truyện rất ư là hấp dẫn, lôi cuốn và đầy bất ngờ, phải nói là nó lôi cuốn ngay từ những dòng đầu tiên luôn ấy. Kết cấu truyện rất chặt chẽ, logic, hoạt cảnh thì cũng rất uyển chuyển, không hề cứng nhắc, gượng gạo.

Ôiiiiii, hôm nay ta chính thức đưa TSCH vào danh sách những tiểu thuyết tâm đắc nhất của ta! Thật tình mà nói thì ngay cả những truyện hay nhất mà ta từng đọc trước đây cũng chưa truyện nào có thể thu hút ta ngay từ những chữ đầu tiên cho đến những chữ cuối cùng như vậy. Đây cũng là một trong những lí do ta quyết định viết một cái review cho ra hồn ra vía và dài miên man như này đây.

Túm lại, đây là một quyển tiểu thuyết hay (nếu không nói là rất hay), nên đọc qua ít nhất một lần. Ta đánh giá 9/10 nhé!

Các bạn đang cảm thấy nhàm chán, tẻ nhạt vậy thì còn chần chờ gì nữa, không mau mau hốt Trăng Sáng Cố Hương về đọc. Tôi đảm bảo với các bạn, sách chỉ với 494 trang nhưng chỉ cần 52 trang đầu cũng đủ bạn nổi khùng với lối viết ăn cơm hớt của Lại Nhĩ, spoil hết nội dung, khỏi đọc cũng nắm được 80% diến biến cũng như cái kết của truyện.

Nhưng lỡ mua rồi thì ráng đọc thêm chút nữa, biết đâu có sự biến đổi ngoạn mục không ngờ tới. Ồ! Đúng thật như dự đoán, có chuyện biến đặc sắc rồi mấy chuế ơi!

(đọc tiếp...)

Để nói về sự chuyển biến hay ho này thì tôi phải tóm tắt một chút. Chuyện là vầy:

Triều đình ban ra 1 đạo luật gọi là Thái Bình Ước, bắt người giang hồ phải ký vào để quy phục triều đình. Nếu ai quy phục thì phải thực hiện 3 điều:

1. Giao nộp hết võ công bí tịch của môn phái cho triều đình.

2. Các hiệp khách, võ nhân đều phải đến bộ binh đăng ký chịu sự quản lý của triều đình, triều đình sai đánh đâu thì đánh đấy.

3. Khi đã ký Thái Bình Ước rồi thì tất cả hiềm khích trước đây của các ban phái đều xóa bỏ, mọi người bắt tay vui vẻ sống với nhau.

Còn nếu ai không ký Thái Bình Ước, tham gia Thái Bình Minh thì sẽ trở thành tà ma ngoại đạo, triều đình sẽ tru diệt không tha.

Trước tình hình đó, 1 vài môn phái hiệp khách đã tham gia Thái Bình Minh quy phục triều đình còn một nhóm khác nhất quyết không ký trốn chui trốn nhũi để tránh sự truy sát của quan quân.

Lúc này có tổ chức tên Thương Thiên xuất hiện ra tay tương trợ những môn phái, hiệp khách đang khốn đốn trước sự truy quét của triều đình.

Thương Thiện là một nhóm gồm nhiều người giang hồ chân chính thích độc lai độc vãng không chịu được sự bó buộc (không có loại ma đầu tàn ác trong đó nhé) tụ hợp lại. Nhưng nói thật 1 điều, Thương Thiên nổi danh như thế nhưng nếu truy tra đến cũng thì hầu như những thành viên nồng cốt lâu năm cũng không biết ai là người khởi xướng cho cái tổ hợp này.

Lúc này, bên cạnh việc triều đình mạnh tay thanh trừ những phần tử chống đối Thái Bình Ước một cách lộ liễu thì giang hồ bỗng dưng xuất hiện nhiều vụ huyết án. Vịnh vào những huyết án đó, quân đội càng ra sức tru diệt những phần tử hiền hòa chưa vào Thái Bình Minh. Nổi cộm nhất trong các vụ án đó chính là vụ thảm sát cả gia đình quan huyên lệnh bằng thuốc độc gia truyền của Dược Vương. Thế là cả nhà Dược Vương bị cho là hung thủ, triều đình truy nã khẩn cấp. Nhưng với sự điều tra của Khương Hằng, chàng nhận ra có nhiều điểm khả nghi. Nếu Dược Vương giết thì sao lại sử dụng độc của chính mình 1 cách tiết kiệm thái quá đến thế>>lượng độc có hạn nên phải xài tiết kiệm>>Độc này cõ lẽ là đánh cắp của Dược Vương. Câu hỏi được đặt ra ở đây: Vậy ai là hung thủ sau màn?

Khương Hằng đưa ra 3 giả thuyết:

_Một là triều đình, cố tình chơi trò vu oan giá họa để lấy cớ thanh trừ hết võ lâm.

_Hai là người có thù với Dược Vương cố tình mượn đao giết người, lợi dụng triều đình giết Dược Vương.

_Ba là kẻ vô danh đã quy tụ anh hùng trong thiên hạ gia nhập Thương Thiên, theo lập luận của Khương Hằng: “Bây giờ hơn vạn võ nhân đã là thành viên của Thương Thiên, chỉ cần người nào đó có ý xấu, lợi dụng nguồn lực mạnh mẽ này cũng có thể hiệu lệnh thiên hạ”

Mặc dù không ai muốn nghĩ thành viên nào đó của Thương Thiên là phần tử nguy hiểm nhưng hiện thực trước mắt không thể không đề phòng và tận lực điều tra. Thế là, mọi ngươi bắt đầu hành động để tra xét cho rõ nguồn cơn.

Nghe có vẻ hấp dẫn không mọi người, hấp dẫn hén, muốn biết hấp dẫn ra sao thì tự coi. Mặc dù tình tiết diễn biến có hơi nhanh, tác gỉa vẫn còn non tay trong việc cung cấp manh mối cũng như lật mặt các bí ẩn nhưng rốt lại đối với truyện võ hiệp như thế là khá rồi. Chấn động nhất chính là cái kết, một cái kết đáng nhớ, mặc dù từ đầu đến cuối truyện éo có gì để lưu lại vết trong tâm khảm người đọc nhưng nhờ cái kết mà tác phẩm làm cú lội ngược dòng thành công.

Và một điểm nổi bậc nữa của tác phẩm, tôi không nói đây là diểm hay hay dở vì tôi cũng không thể khẳng định rõ ràng mà chỉ có thể nói nó khá lạ. Là như vầy, truyện được kể dưới góc nhìn của nữ chính (thường góc nhìn đó cũng chính là quan điểm của tác giả) về giang hồ về người học võ võ công có vẻ khá khiên cưỡng, khập khiễn nên nhiều lúc đọc khá bức bối. Nhưng cuối cùng, lúc hết truyện, chỉ 1 câu nói của nữ chính thể hiện sự ngỡ ngàng, cảm khái của bản thân thì tôi cũng không biết tóm lại là bà tác gỉa muốn thể hiện lập trường qaun điểm gì ở đây nữa!

Là đúng hay sai?

Hay tất cả đều sai hết?

Người đọc tự biên tự diễn đi, đừng trông mong vào bà tác giả đồng bóng ba phải nhiều khi lệch pha này.

Thông tin chi tiết
Tác giả Lại Nhĩ, Châu Hải Đường
Nhà xuất bản NXB Thanh Niên
Năm phát hành 01-2016
Công ty phát hành Fahasa
ISBN 8935212329477
Trọng lượng (gr) 500
Kích thước 16 x 23
Số trang 496
Giá bìa 126,000 đ
Thể loại