
"Totto-Chan Bên Cửa Sổ" - Bài học giáo dục cho tất cả chúng ta.
Mình biết đến Totto-Chan khi chính mình vào vai nhân vật này để diễn kịch trước toàn trường. Totto-Chan trong kí ức sơ khai của mình chỉ là một đứa trẻ kì lạ, có chút ngây ngô. Sau này, mình mới cảm thấy cực kì tự hào khi được đóng vai một nhân vật, một đứa trẻ có sức ảnh hưởng nhất của Nhật Bản. Totto-Chan đã làm thay đổi định kiến của bao nhiêu người làm cha mẹ, làm thầy cô.
(đọc tiếp...)
Mới đầu, em được biết đến là một đứa trẻ dị hợm, năng động và lạ lùng so với bạn bè cùng lứa. Chính vì thế Totto-Chan đã bị thôi học ở trường tiểu học. Không còn cách nào khác, mẹ đành đưa em đến trường Tomoe - ngôi trường là những toa tàu cũ, cả trường chỉ có năm mươi học sinh, ai cũng đặc biệt như Totto-chan. Nghe vậy đã thấy kì lạ rồi. Phải chăng những toa tàu ấy bước lên các em sẽ được đi tru du nhiều vùng đất mới, thỏa cái đam mê tự do của các em. Thầy hiệu trưởng của trường Tomoe cũng là một nhà giáo đặc biệt. Thầy không có cái nhìn khắt khe và rập khuôn đối với những đứa trò kì lạ của mình mà thầy còn khuyến khích giấc mơ của các em phát triển, bay cao và bay xa hơn. Thầy Kobayashi Sosaku được miêu tả là người chân chất, mộc mạc, gần gũi và yêu thương trẻ em. Totto- Chan cả cuộc đời đi học chưa từng bắt gặp nụ cười của thầy hiệu trưởng, ấy vậy mà với thầy Kobayashi Sosaku không chỉ trực tiếp dạy dỗ mà em mà trò chuyện với em, giúp các em có thể phát triển theo cách tự nhiên nhất.
Bên cạnh tình thầy trò với lòng trắc ẩn bao dung, cuốn sách còn khắc họa con người Nhật Bản ám ảnh với thế chiến thứ hai. Cuốn sách không chỉ là bài học của thầy Kobayashi Sosaku với những đứa trẻ mà còn là cách ta học tập cái tốt đẹp của con người, sự gần gũi của con người với thiên nhiên, sự kính trọng với thứ tình cảm thiêng liêng trong gia đình. Nếu như không có Totto-Chan này, những đứa trẻ như em sẽ mãi bị gán cái mác không giáo dục nổi và bị cho ra rìa của cuộc sống. Quả thật như Totto- Chan đã nói "nếu không được gặp thầy Kobayashi, có lẽ tôi đã là một người mang đầy mặc cảm tự ti với cái mác ‘đứa bé hư’ mà mọi người gán cho"