
Những quyển sách mình đọc hết trong một ngày, hoặc là cực chán nhưng mỏng nên đọc cho qua, hoặc là quá hay không rời mắt được. "Sự khinh bỉ" của Alberto Moravia (bản giấy của mình đặt tên là 'Tôi bị vợ khinh', một số bản đặt là 'Bóng ma giữa trưa') dĩ nhiên thuộc về trường hợp thứ hai.
Tiếc là độc giả Việt, cũng như trên thế giới nói chung dường như rất ít biết về "Sự khinh bỉ". Mình không hiểu tại sao, vì với mình đây là một câu chuyện rất đặc biệt và đầy những hình ảnh hết sức đẹp. Người ta nói khi bạn đọc xong một cuốn sách trong chỉ một ngày, nó sẽ không đọng lại trong bạn nhiều ấn tượng. Và điều đó là sai hoàn toàn. Ngay cả lúc này, khi nghĩ về "Sự khinh bỉ", mình vẫn có thể thấy hình ảnh của nước Ý tuyệt đẹp, đảo Capri, những cuộc nói chuyện, thân hình của Emilia,...
(đọc tiếp...)
"Sự khinh bỉ" kể về cuộc hôn nhân tan vỡ của đôi vợ chồng trẻ Riccardo Molteni, một biên kịch và Emilia. Cuốn sách mở đầu với lời nhận xét của Riccardo về cuộc hôn nhân của mình:
"Bây giờ tôi có thể quả quyết, trong hai năm đầu đời sống hôn nhân, mối tương quan giữa tôi và vợ tôi thật toàn vẹn. (...) Chúng tôi không phê phán nhau, chúng tôi thương nhau."
Nhưng câu chuyện được kể sau ấy thì ngược lại. Đó là câu chuyện của một cuộc hôn nhân bị phá vỡ bởi sự hiểu lầm, sự thiếu tin tưởng và ham muốn sở hữu. Riccardo, với sự ám ảnh vô cớ của mình, đã nghi ngờ sự chung thủy và tình yêu của vợ mình. Anh cho rằng Emilia đã thay đổi, cô đã hết yêu anh và thậm chí khinh bỉ anh. Và đến kết, người đọc vẫn không biết được liệu sự khinh bỉ của Emilia với chồng mình có thực sự tồn tại hay không. Hay đó chỉ là những suy tưởng viễn vông của một người chồng ghen tuông, mà sự ám ảnh của anh ta với hai chữ 'khinh bỉ' đã giết chết cuộc hôn nhân từng một thời hạnh phúc?
Cái đáng nói thứ hai sau khía cạnh tâm lý phức tạp của hai nhân vật chính, đó là nghệ thuật viết của Alberto Moravia. Không màu mè và với rất ít câu chữ đã khắc họa rõ cả người và cảnh. Những cuộc đối thoại và yếu tố bất ngờ đã làm đoạn kết không thể chê vào đâu được. Đây là một quyển sách khó mà hiểu hết được trong lần đọc đầu tiên nhưng những dấu ấn mà nó để lại thì gần như không thể quên được với mình.
P.s: mua ở hội sách cũ, vì nó chỉ có 20.000 thôi với lại mình chưa đọc văn học Ý bao giờ mà không ngờ hay như vậy. Mình nghĩ cuốn này không còn được xuất bản ở Việt Nam nữa. Bản cùa mình là do NXB văn học xuất bản năm 2002, tựa tiếng Việt là "Tôi bị vợ khinh". Tựa tiếng Anh của cuốn này là "Contempt". Ngoài ra nó đã được chuyển thành phim bởi Jean-Luc Godard, tựa phim là "Le Mépris" nhưng theo mình thì rất khác và không hay lắm so với sách.