
Mình viết bài này sau khi dành cả buổi sáng để tìm hiểu về Jack London – một nhà văn pha trộn hài hòa giữa chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa lạng mạn và chủ nghĩa sáng tạo trong bút pháp nghệ thuật. Cả cuộc đời của ông là một chuyến phiêu lưu, một số phận sầu thảm. Không có tuổi thơ, thực tại (mình nghĩ là do chính ông tạo ra) dồn vào đường cùng, đưa ông đến con đường tự vẫn. Cuộc đời ông khá là ấn tượng, gay cấn như một tiểu thuyết, nên các bạn có thể tìm hiểu thử. Cái chết của ông đã được độc giả trung thành huyền thoại hóa lên rằng: Jack London không chết, ông chỉ ẩn khuất ở một nơi nào đó mà thôi. Và quả thực, J.London không chết, làm sao có thể coi là chết khi ông và các tác phẩm của ông vẫn còn sống mãi và cháy rực trong lòng độc giả?
Trong những tác phẩm “bất tử” ấy, phải kể đến Tiếng gọi nơi hoang dã – một tác phẩm đã được trích vào sách giáo khoa Ngữ văn 9 với tựa đề Con chó Bấc. Bạn còn nhớ chứ? Nhờ việc đưa vào chương trình học này mà nhiều người biết đến tác phẩm hơn, và biết đến cả Jack London nữa. Nhân tiện nói luôn, truyện này lấy ý tưởng từ việc tác giả đến vùng Alaska tìm vàng và được nghe những câu chuyện cảm động từ những chú chó kéo xe tuyết.
(đọc tiếp...)
Tác phẩm như nói lên được nhận thức của ông về sự nhạt hóa giữa tình yêu của con người và con vật ở nước Mỹ nói riêng và trên thế giới nói chung. Nhân vật chính là một chú chó, liệu ta có thể phân loại chúng vào truyện thiếu nhi được không? Tốt nhất là không, vì có rất nhiều những cảnh hành hạ súc vật, sự chết chóc và chém giết giữa cả thú với thú, người với người, hay thậm chí cả thú với người, sự tranh đoạt giữa các loài thú và cả loài người. Nó hiện thực nhờ vào vốn sống thực tế và bi kịch cuộc đời của ông. Một nghệ thuật độc đáo trong hầu hết các tác phẩm của ông chính là xây dựng xung đột, đôi khi đó có thể là những cuộc va chạm ẩu đả, hay đôi khi chỉ là độc thoại nội tâm. Các tình tiết ấy là càng đẩy truyện lên cao trào hơn, làm truyện trở nên gay gắt hơn.
Truyện để lại nhiều cảm xúc. Bạn có thể sẽ ngưỡng mộ trước vẻ đẹp của Buck, hay đôi khi lại lo lắng khi Buck bị bắt cóc, hay nổi giận lên khi Buck bị bóc lột đánh đập, rồi lại ngưỡng mộ khi Buck dám đứng lên ra oai với đám chó còn lại, rồi lại vui mừng khi thấy Buck tìm được John Thorton – người yêu thương nó thật lòng, rồi đau khổ tột cùng khi thấy Buck chịu cảnh mồ côi chủ. Rồi bạn sẽ nhận ra tình thương quan trọng như thế nào, loài vật lẫn con người đều khao khát được yêu thương, và đối với Buck, tình yêu là mối dây ràng buộc duy nhất giữa nó với con người. Vì vậy, khi Thorton bị sát hại, nó trở nên điên cuồng, và bản chất hoang dã trỗi dậy, nó chính thức trở về cái bản chất của nó. Ngoài ra, truyện còn phản ánh sự cực khổ của những người ham muốn vươn lên khỏi cái nghèo hèn để đạt tới danh vọng mà lao đầu theo “Cơn sốt vàng” (trong đó có cả Jack London).
Tác phẩm đã được chuyển thể thành phim, bên cạnh đó còn có Nanh trắng (nghe đồn là na ná bộ này và là tác phẩm thành công nhất) cũng đã được chuyển thể. Hờ... mà mình chưa đọc :3
Tóm lại, những chú chó của Jack London, dù là trong Tiếng gọi nơi hoang dã, Nanh trắng hay Sói biển thì cũng đã trở thành những chú chó huyền thoại trong lịch sử văn học thế giới.