
“Có một truyền thuyết về con chim chỉ hót một lần trong đời, nhưng hót hay nhất thế gian. Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm cho bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hát bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khổ khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi, và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và họa mi phải ghen tị. Bài ca duy nhất có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được. Nhưng cả thế gian lặng đi lắng nghe, và chính thượng đế trên Thiên đình cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại... Ít ra là truyền thuyết nói như vậy.” Đây là toàn bộ lời đề từ của cuốn tiểu thuyết “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” của Colleen McCulough, được xuất bản tại Úc năm 1977. Đó cũng là cuốn tiểu thuyết kinh điển đầu tiên tôi mua được bằng tiền tiết kiệm của mình khi còn là nữ sinh trung học. Cho tới nay, tôi đã đọc đi đọc lại cuốn sách rất nhiều lần, mỗi lần lại mang tới những cảm xúc khác biệt.
Truyện xoay quanh mối tình vừa ngọt ngào vừa đớn đau giữa Meggie Cleary và vị cha xứ Ralph de Bricassart. Khi cô bé Maggie mới chín tuổi theo gia đình chuyển từ New Zealand sang Australia để thừa hưởng trang trại của Mary Carson, cô đã gặp cha Ralph. Tình yêu của họ lớn dần như một quy luật tất yếu dù ngay từ ban đầu, ai cũng biết rất rõ là sai trái.
(đọc tiếp...)
Vượt lên trên cả những chuẩn mực đạo đức, những phép tắc tôn giáo, và sự cay nghiệt, hà khắc của xã hội, Meggie đã yêu Ralph bằng một tình yêu trong sáng, mãnh liệt của một cô gái mới lớn bất chấp mọi rào cản. Cũng có lúc nàng muốn từ bỏ tình yêu sai trái ấy và tìm cho mình một tình yêu mới. Luke O’’ Neil – chồng của nàng, người có được Meggie bởi một lý do duy nhất: anh ta có hình dáng giống Ralph. Và điều ấy, chắc chắn không đủ để dập tắt đi tình yêu của Meggie đối với cha Ralph.
Ralph là một cha xứ. Ông đem lòng yêu Meggie và luôn ở kịp xuất hiện bên nàng khi nàng cần ông nhất. Nhưng vì thân phận, danh vọng và địa vị, ông đã không dám sống với tình yêu đó. Lựa chọn của ông đã bóp nghẹt trái tim Meggi suốt cả cuộc đời.
Hình ảnh khắc sâu trong tâm trí tôi và cả cha Ralph sau này khi mỗi lần nhớ đến Meggie chính là “một bông hồng phơn phớt màu tro nhợt nhạt”. Tôi đã tò mò về màu sắc ấy tới mức phơi khô những đóa hoa hồng rồi đốt lên để tận mắt nhìn xem “tro của hoa hồng” là màu như thế nào. Cầm những tàn tro của đóa hồng trên tay khi ấy, tôi đã từ hỏi: Phải chăng đó cũng chính là sắc màu tình yêu của hai người? Một tình yêu đẹp như đóa hồng nhưng cũng buồn thương như màu tro?
Lớn hơn, tôi tìm được sự đồng cảm sâu sắc với bài thơ “Tro của hoa hồng” của Vũ Quỳnh Hương. Suy nghĩ của tác giả cũng chính là những điều tôi cảm nhận được khi lớn lên cùng với cuốn sách này:
“ Khi vở kịch cuối cuộc đời hạ màn
Người vẫn chỉ là người đàn ông danh vọng
Đem tình yêu vùi vào trong ký ức
Hoa hồng và tàn tro...
Có con chim hót mãi trong bụi mận gai
Cạn kiệt máu trong tim mà tình yêu vẫn say ngủ
Thôi
Đừng tiếc
Chẳng bao giờ người là của riêng ta...
Ngay cả khi cái chết mang anh thật xa
Em vẫn không tin trên đời có Chúa...
Khi bờ môi anh chạm vào môi em mịn màng như lụa
Là khi mọi tín ngưỡng phải rời xa
Chiều chúa nhật của đôi ta
Nơi xưng tội là nhà
Em điên cuồng quẫy đạp giành giật anh trong ngàn miền quá vãng
Cơn mơ tình yêu co giật
Chết trong màu áo hồng y...
Thôi.
Em nín đi
Ngay cả trong câu chuyện thần tiên nhất
Cha Ran dẫu sao vẫn là có thật
Đổi tình yêu lấy phút rạng danh bên Chúa ngàn đời
Chỉ có một mình Mecghi thôi...
Ôm hoa hồng và tàn tro...
Tim lành là tim vỡ...”
Có phải, đến muôn đời thì người đàn ông vẫn rất lý trí trong tình yêu?