
Thú tội là kế hoạch trả thù của cô giáo Moriguchi - một bà mẹ đơn thân - với những kẻ gây ra cái chết cho con gái cô - trớ trêu thay lại chính là hai học sinh trong lớp cô dạy. Truyện khiến người đọc tò mò ngay từ những trang đầu tiên khi Moriguchi liên tục chia sẻ về việc dạy học, về khó khăn, về "tai nạn nghề nghiệp" trước khi dẫn dắt vào câu chuyện về con gái cô và cái chết của cô bé.
Tuy là kế hoạch trả thù của Moriguchi nhưng câu chuyện không chỉ được kể dưới một góc nhìn duy nhất. Nó còn là lời "thú tội" của nhiều nhân vật có liên quan. Chọn cách kể này, Minato có lẽ đã quyết định đánh liều với nguy cơ khiến cuốn sách rời rạc, thiếu liên kết, bởi nếu kể không khéo thì độc giả dễ rơi vào trạng thái loạn khi mỗi chương lại là lời bộc bạch của một nhân vật khác nhau. Nhưng theo mình đánh giá thì Minato đã cực thành công, bởi không chỉ đảm bảo được sự liên tục của mạch truyện, cô còn giúp người đọc hình dung được phần nào đặc điểm tâm lý của người kể qua tên từng chương.
(đọc tiếp...)
Thú tội là một cuốn sách ngắn, chỉ có sáu chương nhưng mình đọc khá lâu bởi có quá nhiều cảm xúc khó tả. Các chi tiết dồn dập, u ám đặt mình trong trạng thái nín thở, bức bối, nhiều lúc còn cảm thấy như có người đang bóp nghẹt trái tim mình.
Tóm lại, Thú tội với mình là một tác phẩm hay và nặng. Truyện có ám ảnh, nhưng không làm mình sợ hãi như dự đoán, mà làm mình phải suy nghĩ nhiều hơn. Chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ, một cuốn sách u ám như vậy thì đẹp ở chỗ nào? Với mình, vẻ đẹp của Thú tội nằm ở tính gai góc, tương phản trong nó khi cuốn sách khai thác một môi trường vốn được xem là nơi nuôi dưỡng tâm hồn ở góc độ vô cùng chết chóc. Thú tội đã biến mình thành fan của Minato Kanae, và hi vọng sẽ có thêm nhiều tác phẩm của cô có mặt ở Việt Nam.