Reviews 4

#review

#Thất_lạc_cõi_người

(đọc tiếp...)

#Dazai_Osamu

Lần đầu nghe đến cái tên Dazai Osamu này là khi đứa bạn về than em gái nó mua cuốn sách có tác giả với cuộc đời thảm không thể thảm hơn, tự tử, li hôn, nghiện rượu, thuốc ngủ,... thì liệu văn chương của tác giả đó sẽ thê thảm, u ám đến mức nào, bởi vậy cũng hơi sợ và chưa dám đọc cuốn này. Lần thứ 2 biết đến tên này là đọc Văn hào lưu lạc (Bungo strays dogs phải không nhỉ), Dazai Osamu với (tạm gọi) skill Nhân gian thất cách, sở thích tự tử nhưng không đau đớn, không khổ sở, và đối lập là một tinh thần luôn vui vẻ đã gợi cho tôi sự tò mò và "thèm" đọc cuốn sách này.

"Thất lạc cõi người" được coi là tự truyện về đời của Dazai Osamu, với 3 câu chuyện về cuộc đời dưới 3 cái tên "sổ ghi chép", ngoài ra còn có một số truyện ngắn của tác giả về vẻ đẹp thiên nhiên ở xứ sở hoa anh đào này.

Cuộc đời Dazai là chuỗi ngày đen tối, sợ sệt, là con người nhưng có vẻ lại sợ chính con người, cô độc và đau đớn, nhưng văn chương ông lại không buồn thương và u ám, đen tối như cuộc đời, nó mang chút gì đó hơi giễu cợt cuộc đời bi thảm, tâm hồn ác quỷ nhưng sống cuộc đời của một tên hề. Đôi lúc tôi tự hỏi điều gì đã đẩy ông ấy vào bế tắc như vậy, và chính tôi cũng không biết, chỉ nhìn ra được một tâm hồn vốn "ngoan hiền và nhạy cảm" như lời của madam nói, càng về cuối lại càng khắc sâu thương cảm, tổn thương và tuyệt vọng.

So với phần "sổ ghi chép" thì những truyện ngắn của Dazai được in thêm phía sau lại mang theo chút vẻ đẹp của Nhật Bản, nhưng cũng mang chút suy tưởng của tác giả.

Đọc xong thêm tiểu sử về đời Dazai trong phần phụ lục, chợt trong đầu hiện ra câu: "Sống không bằng chết".

Ở trang 104, phần sách viết bút danh ngỗ nghịch Joshi Ikita, nhưng đến chú thích ở ngay dưới trang lại ghi thành Joshi Ikuta, hơi hoang mang.

Đánh giá: 8/10, có vài đoạn cảm thấy đọc nhưng chưa hiểu hết, văn học Nhật mang chút gì đó hơi cao thâm hay sao ấy =)))

#ngày_thiếu_nhi_đọc_sách_không_thiếu_thi

"Sống, dù chỉ là một vai hề, cũng phải đi đến tận cùng đày ải.

Sống, nhiều khi không bằng chết nhưng phải nghiến răng đi tiếp, nhiều khi chưa chắc gì vì hai chữ ngày mai...

(đọc tiếp...)

Chớ luận thành công, chớ kể thất bại, sống là phải luôn tranh đấu dằn vặt, tìm ý nghĩa cho sinh mệnh dù cuối cùng tất cả chỉ là phù du.

Những con chữ như dấu máu vương trên tuyết, dẫn đưa ta vào mê lộ không lối thoát của nỗi cô đơn rực rỡ kiếp người."

Những lời giới thiệu khá hấp dẫn ấy được trích dẫn cả trong bìa 4 của cuốn sách lẫn bài văn của học trò đã dẫn tôi đến với "Thất lạc cõi người" ("Nhân gian thất cách").

Cuốn sách của Dazai Osamu bao gồm 1 truyện dài "Thất lạc cõi người" (chia nhỏ làm 3 phần với cái tên "sổ ghi chép") và một vài truyện ngắn nội dung nhẹ nhàng hơn in phía sau. Truyện dài được coi là tự truyện của tác giả- người thuộc dòng văn học "Vô lại phái" - nhóm nhà văn có khuynh hướng nổi loạn và tự hủy sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Phải chăng vì vậy mà một không khí u ám, buồn thương bao trùm câu truyện?

Yochan- nhân vật chính của "Thất lạc cõi người", vốn là một thiếu niên đẹp, thông minh và nhạy cảm. Lúc nào Yochan cũng chấp nhận đóng vai một tên hề để làm vừa lòng mọi người để rồi phải sống trong trạng thái hoang mang khi đối diện với chính mình. Càng ngày anh càng trượt dài trong nỗi mặc cảm khi không thể hòa nhập với mọi người để rồi lại đắm chìm trong trụy lạc và hủy hoại bản thân, hết lần này đến lần khác...

Cả tiêu đề lẫn hình minh họa ở bìa sách đã phản ánh đúng tâm trạng của nhân vật. Có lẽ tôi cần nhiều thời gian hơn để đọc lại và hiểu hết câu truyện. Chỉ dám đưa ra lời cảnh báo mọi người hãy đọc sách khi tâm trạng thoải mái nhất, bởi cái không khí u ám, tuyệt vọng, đậm chất văn học Nhật sẽ khó buông tha ta khi cầm đến cuốn sách này.

Điểm cộng của cuốn sách này là phần dịch khá mượt.

Nhân gian thất cách (人間失格 Ningen Shikkaku, nghĩa đen là: Mất tư cách làm người) hay còn được biết đến với cái tên Thất lạc cõi người là một tiểu thuyết ngắn mang yếu tố tự thuật năm 1948 của Dazai Osamu- một tác giả rài hoa nhưng bạc mệnh. Cuốn sách là quyển tiểu thuyết cuối cùng của tác giả, sau khi hoàn thành cuốn này, tác giả đã cùng người tình của mình trầm mình tự sát tại hồ Tamagawa, kết thúc 39 năm sinh mệnh.

Thất lạc cõi người ( tái bản lần thứ 4) được dịch bởi Hoàng Long.

(đọc tiếp...)

Quyển sách này mang tính chất tự thuật ẩn chứa cùng với những phân tích tâm lý đầy chiều sâu, được viết với văn phong đầy hài hước, qua chính lời kể của nhân vật về cuộc đời của mình, thế nên trong cái hài hước đó làm người ta cảm nhận được sự ảm đạm, chua chát khôn cùng. Sự hài hước ban đầu cũng biến thành "hài hước đen".

Một kẻ mất đi nhân cách làm người, kẻ bên lề của xã hội. Một kẻ đến cả những cảm xúc thông thường cũng không hiểu nổi, đến cả cảm xúc của riêng bản thân hắn mà còn phải bắt chước mói ra thì thử hỏi còn gì chua chát hơn đây ?! Một kẻ ban đầu chỉ là sợ hãi con người dần dần đi đến tự hủy, một cuồng nhân và kết thúc chính là một tên phế nhân.

Nhân vật Yozo trong Thất lạc cõi người đã viết rằng: "tôi đã sống một cuộc đời đầy hổ thẹn". Cuộc đời của hắn đã đi qua những ngộ nhận về nhân gian. 

Từ nhỏ hắn đã không thể nào hiểu được người khác, cũng như không có khả năng lựa chọn, hay từ chối yêu cầu của nhân gian. Tất cả những việc đó đã mang đến cho hắn một nỗi sợ, nỗi sợ vô hình nhưng hữu hình. Để có thể giải quyết vấn đề nan giải này hắn đã lựa chọn cho mình vai diễn của một tên hề, vai diễn đó đã trở thành lý do giúp hắn phòng vệ và sống còn !

----------

"Tôi như con cừu đen sinh ra lạc lõng giữa bầy cừu trắng muốt.

.......

Và rồi cho đến tận bây giờ tôi đeo mặt nạ, và vẫn diễn, vai diễn một tên hề."

--------

Quả thực mà nói đây đúng là một cuốn sách hay, cực kì hay, nó như chứa đựng tất cả nỗi lòng của người viết nên nó. Và nó cũng xứng đáng chiếm một chỗ trong tủ sách nhà bạn. 

"Thất lạc cõi người" (tên Hán Việt theo bản gốc tiếng Nhật là "Nhân gian thất cách") kể về cuộc đời của Yozo Oba, một kẻ chịu nhiều bi kịch từ cuộc sống và trong nội tâm bản thân, qua ba cuốn sổ ghi chép, lời văn nửa dửng dưng, nửa khôi hài đến mức kỳ quặc, người kể như vô tâm với chính số phận của mình, cốt truyện ngập tràn một màn mây u tối và ảm đạm, những con người xấu xí và những ám ảnh cùng quẫn.

Cuốn sách có thể được tiếp nhận như một tự truyện của Dazai Osamu, một nhà văn có cuộc đời cũng đầy rẫy đau thương như nhân vật chính, tuy lối viết của ông, dù ở ngôi thứ nhất, lại không quá lôi kéo sự chú ý về chính mình. U uất và bi thương đến nỗi người đọc không thể muốn trách cứ chính bản thân nhân vật, vì sao phải tự đày đọa tàn nhẫn với chính mình như thế trong khi nhân gian xung quanh vẫn sống bình thản? Những nỗi đau tự mình nghĩ ngợi, tự mình gây ra, tự mình gánh chịu, vì thế giới này, vì nhân loại này ai cũng mải mê tìm kiếm thứ không thuộc về mình.

(đọc tiếp...)

Có thể liên tưởng đến Albert Camus với "Người xa lạ" về sự phi lý mơ hồ đến chết (hay là đáng chết?), nhưng bối cảnh của Dazai Osamu trần trụi và hiện thực đến nhức nhối. Cuốn sách có nhiều nội dung nhạy cảm và dễ gây chấn động. Tôi rất có cảm tình với người dịch, dịch giả Hoàng Long, khi đọc những lời bộc bạch rằng, đoạn nào hay thì là do tác giả, còn không thì do trách nhiệm của dịch giả.

Thông tin chi tiết
Tác giả Dazai Osamu , Hoàng Long
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn
Năm phát hành 10-2015
Công ty phát hành Cty Bán Lẻ Phương Nam
ISBN 8932000122098
Trọng lượng (gr) 250
Kích thước 13 x 20.5
Số trang 249
Giá bìa 88,000 đ
Thể loại