
TÂM THÀNH VÀ LỘC ĐỜI của Thành Lộc, Nguyễn Thị Minh Ngọc
6.5/10
(đọc tiếp...)
Xưa nay mình ít xem Thành Lộc diễn. Hồi nhỏ có xem Ngày Xửa Ngày Xưa như trăm nghìn đứa trẻ Sài Gòn khác vậy thôi, nhưng nói chung gu kịch trong Nam không hợp với mình. Đọc “Tâm Thành Và Lộc Đời” chủ yếu vì tò mò, muốn coi sao nhiều người hâm mộ Thành Lộc quá. Thật vô lý vì nếu muốn biết tại sao Thành Lộc được coi là nghệ sĩ gạo cội, tại sao nhiều fan, thì lẽ ra mình phải xem kịch chú ấy diễn mới phải.
Nhưng “Tâm Thành Và Lộc Đời” nói về một Thành Lộc khác, nhiều kỷ niệm và dễ tổn thương như một đứa trẻ, không phải Thành Lộc mà chúng ta hay thấy trên sân khấu. Quyển này khó có thể gọi là hồi ký, tuỳ bút thì đúng hơn. Cũng đúng như Thành Lộc nói từ đầu, nó chẳng được sắp xếp theo thứ tự thời gian gì, cứ nhớ ra chuyện nào thì kể lại chuyện đó. Khá giản dị ngay cả khi kể lại những chuyện phi thường, Thành Lộc cứ thế khiến mình quý mến. Vẫn cái vẻ “điệu điệu” mình thấy xưa nay của Thành Lộc, nhưng giờ mình thấy đó không phải là điệu nữa, đó là cái chất lãng mạn nghệ sĩ của chú mà thôi. Bởi người nghệ sĩ mà điệu thật thì sao có thể để máy lạnh trong phòng hư 3 năm không sửa, cứ vậy nằm qua cái nóng Sài Gòn?
Nghe Thành Lộc nói chuyện về nghệ thuật cũng say sưa. Đúng là không có người nghệ sĩ nào hời hợt với nghệ thuật mà thành công được. Mình thấy quý sự kiên quyết của Thành Lộc với nghệ thuật, với nghề diễn, với khán giả. Đọc xong thấy muốn xem kịch chú diễn hơn, vậy cũng gọi là thành công rồi.