
Sanshiro và Manh áo rộng
“Hầu hết người dân Nhật Bản sẽ phải đọc một cuốn tiểu thuyết Natsume Soseki ít nhất một lần trong đời. Văn chương của Soseki là chìa khóa cho sự hiểu biết về lịch sử cận – hiện đại; các tác phẩm của ông nắm bắt được linh hồn của thời kỳ Minh Trị. Và Sanshiro là một trong những tiểu thuyết được yêu thích nhất của ông”.
(đọc tiếp...)
Câu chuyện bắt đầu từ chuyến tàu đưa Sanshiro từ quê nhà lên Tokyo học đại học. Giống như bất kì chàng trai tỉnh lẻ 23 tuổi nào, Sanshiro lần đầu bị choáng ngợp trước sự hoành tráng, lấp lánh và nhộn nhịp của Tokyo. Chàng trai trẻ mang trong mình một trái tim ấm nóng và đầy nhiệt huyết đã tưởng lên trong đầu những ý định lớn lao, đầy tầm vóc và cảm tưởng như mình có thể dốc tất cả mà làm với lòng say mê bất tận. Ở mảnh đất mới đầy hấp dẫn, cuộc sống của Sanshiro xoay quanh công việc học tập cùng mối quan hệ với tuyến nhân vật mang những đặc điểm khác nhau, tác động vào tâm tư tình cảm của Sanshiro, tạo ra những dòng suy nghĩ khác nhau về thế giới mà cậu đang tồn tại.
Ở đầu câu chuyện, những ngày mới đặt chân lên Tokyo với Sanshiro là cả một sự háo hức, nhưng cậu nhanh chóng bị vùi dập bởi những điều không như ý muốn, cuộc gặp gỡ giữa người bà con Nonomiya ở dưới lòng đất cùng chiếc kính nghiên cứu về áp lực của tia sáng khiến Sanshiro rơi vào một sự cô đơn lãng đãng. Cậu không hiểu rõ Nonomiya nhưng sự cô đơn lại chen lấn vào một phần trong lòng khiến cậu cảm thấy như có một vết cắt trong mối quan hệ chưa được hình thành giữa cậu và Nonomiya, giữa cậu và thế giới của Nonomiya hay thế giới của giáo sư Hirota hay anh chàng Yojiro.
Giữa buổi chiều mênh mang là những suy nghĩ ấy, Sanshiro lại đột nhiên cảm thấy tươi tắn bởi sự xuất hiện của Mineko giống như một làn gió mùa xuân ùa vào len lỏi thổi tung những vẩn vơ trong lòng cậu. Sanshiro liền hòa nhập vào thế giới lấp lánh mà cậu nhìn thấy qua hình ảnh của Mineko – một cô gái vừa đủ truyền thống, xinh đẹp, thông minh, khéo léo và cũng vừa đủ hiện đại để lộ ra những phóng khoáng, tươi mới như một bông hoa vừa hé trong sớm mai. Sự hấp dẫn của Mineko giống như một ánh đèn dẫn Sanshiro đến tư tưởng “phải lên thành phố, phải kết hôn với một cô gái thành phố”. Thế nhưng, ý định của Sanshiro một lần nữa bị đánh gãy bởi những sự kiện mà cậu không thể đương đầu, hay chính là không muốn đương đầu.
Sự khó khăn trong cuộc sống của Tokyo đã ném Sanshiro về lại với quá khứ mà cậu đã từng đẩy lùi sau chuyến tàu, về với bức thư có nét chữ của người mẹ nơi quê nhà, về với hình ảnh của cô nàng hàng xóm, về những chuyện quen thuộc khiến cậu cảm thấy an ổn.
Đọc Sanshiro, ta có thể thấy rất rõ hình ảnh nước Nhật thời kì chuyển giao giữa cũ và mới, giữa Đông và Tây, giữa thuyền thống và hiện đại. Sanshiro cũng giống như nước Nhật vùng vẫy trong một manh áo đẹp, nhưng không vừa vặn. Sự phát triển vượt trội của phương Tây giống như một manh áo rộng mà nước Nhật dù cố gắng cũng không thể lớn lên để co lại những khoảng trống, giống như Sanshiro dù cố gắng nhưng vẫn không phù hợp với Mineko và một Tokyo đầy hào nhoáng và náo nhiệt.
Bất kỳ ai đọc Sanshiro, đều cảm thấy có một chút mình trong đó, một anh chàng tỉnh lẻ trên chuyến tàu đi đại học, một chút bâng khuâng, một chút vỡ lẽ, một chút ảo mộng và một chút sụp đổ. Ta cũng có thể thấy hình ảnh của Natsume Soseki rất tinh thế trong thời điểm chuyển giao, một sự bất lực khe khẽ nhén lên trong lòng tất cả các thanh niên thời kỳ này, cùng với một sự háo hức, nhưng không đủ bùng lên để thành một ngọn lửa lớn. Nếu như Rừng Na Uy là sự ngây thơ bị tước đoạt, con người phải trưởng thành từ giữa những nỗi đau thì Sanshiro lại là chàng trai ngây thơ đến tận cuối cùng. Bản thân Sanshiro suốt cả hành trình của mình đều không ngừng khám phá nhưng không đi đến tận cùng, ngay cả tình yêu của cậu cũng là một tình yêu ngây thơ, vụng dại, không dấn thân, không mãnh liệt, và cuộc đời của cậu về sau này có lẽ cũng như vậy. Trước sự đổi thay của mọi vật, có lẽ cậu cũng chỉ lẩm bẩm “Cừu đi lạc, cừu đi lạc”.
Sanshiro rất đẹp, đẹp như chính cái cách mà Natsume Soseki đã gieo xuống từng câu từ, từng hình ảnh khiến truyện không có cao trào nhưng lại lôi cuốn đến tận cùng. Ta có thể bắt gặp những rung động khe khẽ qua đoạn Mineko thả bông hoa trước mặt Sanshiro, đoạn Sanshiro cùng mọi người đi ngắm hoa, hay cảnh Mineko cầm chiếc khăn hít hà một mùi hương của tuổi trẻ. Chính sự thấu hiểu của Soseki mới có thể tạo nên những đoạn văn gợi hình và đẹp đẽ đến vậy. Bên cạnh đó, sự giao thao giữa văn hóa Đông – Tây được Soseki đưa vào rất khéo léo, uyển chuyển vào những đoạn hội thoại chêm tiếng Anh, qua những bản nhạc, hay cách thanh niên thời kỳ này thể hiện tư tưởng Tây hóa.
Sanshiro là tác phẩm phác họa tuổi trẻ. Tuổi trẻ trong Sanshiro là một tuổi trẻ bâng khuâng, tuổi trẻ của những manh áo rộng, không vừa nhưng không chật hẹp, đẹp nhưng lại chẳng biết làm sao để phù hợp với mình. Một tuổi trẻ hoang hoải khiến cho Sanshiro trở thành một tác phẩm để lại nhiều cảm xúc cho người đọc, có thể không yêu thích nhưng lại không ngừng quyến luyến. Cho đến tận ngày nay.