
Đinh Hằng – một cô gái trẻ người Việt đã đi xuyên nước Mỹ từ Bờ Đông sang Bờ Tây với những trải nghiệm thú vị đã viết quyển “Quá trẻ để chết”. Hai mươi bang cùng sáu tháng dài đi du lịch ở “miền đất hứa”, cô đã khám phá ra biết bao điều tuyệt vời để từ đó truyền tải những thông điệp sống vô cùng ý nghĩa đến cho bạn đọc gần xa.
Cuốn sách đã mở ra một chuyến hành trình đầy thú vị. Ở đó, tiến trình khám phá từ thiên nhiên tuyệt vời cho đến cách sống và nội tâm của những người Mỹ bình dị trong cuộc sống. Mọi vẻ đẹp đều muôn hình vạn trạng, khiến cho người khác thích thú và ngạc nhiên. Và bất ngờ hơn khi hành trình của tác giả không chỉ đơn thuần là khám phá những vẻ đẹp bên ngoài mà còn đi tìm hiểu và thấu cảm những vẻ đẹp nội tại bên trong của con người và cảnh vật nơi đây. Và hơn tất cả, đó cũng chính là quy trình tìm kiếm những khát khao và tình cảm bên trong của chính tác giả, những thứ mà cô đã đánh mất hoặc chưa bao giờ có được. “Quá trẻ đế chết” mở màn với tâm trạng bi thương của một cô nàng đang tuyệt vọng trong tình yêu đến nỗi có dự định tự tử bằng cách lao đầu vào tàu điện ngầm. Tuy nhiên, cá tính mạnh mẽ cùng sức mạnh nội tại ẩn giấu cũng đã khiến tác giả vươn mình bước tiếp.
(đọc tiếp...)
Cuộc hành trình của tác giả đã bắt đầu như thế, như một cách để đọc vị chính bản thân mình. Trân trọng và nâng niu bản thân đâu có gì là sai trái và sự sống thì lại càng quý giá biết bao. Nếu biết chấp nhận những thực tại tàn khốc đó mà bước tiếp trên con đường đã chọn thì không gì là không thể xảy ra cho một kết cục hạnh phúc. Và địa điểm chính là nước Mỹ tươi đẹp – nơi cô gái trẻ có thể tôi luyện và định vị những giá trị đích thực của bản thân, của cuộc đời. Để trở thành một người như trong ước vọng thì phải đánh đổi và biến chuyển bản thân, hành trình đó cần nhiều yếu tố mà trong đó tư duy tích cực nắm vai trò chủ đạo.
Đinh Hằng trải nghiệm và hòa nhập vào văn hóa của người Mỹ với sự cố gắng của một người lần đầu đến đây. Bao choáng ngợp về nơi nay đã xâm chiếm tâm hồn của cô gái khiến cảm giác bé nhỏ và lẻ loi chợt trỗi dậy. Tuy nhiên, cô gái ấy đã nhận ra bản thân đang được đón chào ở một nơi chốn mới, những con người mới đầy tích cực và không định kiến. Ở đây, cảm giác được tôn trọng và bình đẳng dường như là cảm giác tuyệt vời nhất đối với cô, khác hẳn những cảm xúc trước đây đã từng trải qua. Nước Mỹ hiện ra chân thật như thế một bức ảnh được chụp bởi một nhiếp ảnh gia tài năng và người Mỹ hiện ra cũng sống động và đời thường không kém. Nếu người Việt có cách sống riêng, có góc nhìn riêng thì người Mỹ cũng vậy, cũng có văn hóa riêng, giao tiếp theo cách riêng và những quan điểm về xã hội, chính trị, văn hóa cũng hết sức đặc sắc. Dĩ nhiên mọi thứ đều có hai mặt, đều có góc tối của nó. Nước Mỹ cũng vậy, cũng có những sự thật trần trụi và đôi phần hơi đáng sợ của nó. Nhưng bù lại là chúng ta hiểu, chúng ta biết thêm qua “Quá trẻ để chết” và chúng ta thấy cuộc đời này còn lắm thứ mà bản thân chưa từng thấy, chưa từng nghe. Nếu cứ mãi chôn chân ở một góc rồi sống những ngày chán chường và ra đi vô nghĩa dưới nấm mờ đơn độc thì chẳng phải quá đáng tiếc sao?!
“Quá trẻ để chết” thực sự rất đáng đọc vì nó như một nguồn cảm hứng dồi dào cho những ai đang chán ghét cuộc sống này. Những cô đơn và thất vọng rồi cũng sẽ qua, nhường chỗ cho niềm tin vào một tương lai tươi sáng. Hành trình đi đến một nơi bất kỳ, cho dù là Mỹ hay ở đâu thì cũng là một hành trình đáng nhớ vì nó giúp ta mở mang đầu óc và tầm nhìn, khiến ta thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực và hiểu bản thân mình cần gì hơn.