
“Ông già Noel ơi” là một tập sách bé xinh của nhà văn Võ Thu Hương dành tặng ấu thơ và quê hương xứ Nghệ. 25 tản văn nho nhỏ, tái hiện những kỷ niệm giản dị mà đáng nhớ trong tuổi thơ chị đã trải qua.
Đó là kỷ niệm về cái chăn chắp vá từ những mảnh vải vụn của tháng ngày khốn khó, được gọi bằng một cái tên thật đẹp “Cái chăn cầu vồng”. Tôi đã ấn tượng ngay từ những trang viết đầu tiên ấy và tin vào cách dạy con đặc biệt của bố mẹ tác giả : Hạnh phúc không phải là được sở hữu một vật phẩm đắt tiền, giá trị mà là từ những gì bàn tay con có thể tạo ra.
(đọc tiếp...)
Đó là điều ước đặc biệt trong đêm giáng sinh của cô nhóc mồ côi có mái tóc màu râu ngô: “Chuyển điều ước của mình qua cho dì” để dì tin vào những phép màu và mong cho bà ngoại khỏi bệnh.
Đó còn là một người thầy giáo tuổi đã ngoài sáu mươi chẳng quản ngại gió bấc mưa phùn lặn lội xuống xóm đạo trong đêm Noel để thuyết phục phụ huynh cho học trò không phải nghỉ học lấy chồng mà được tiếp tục cắp sách đến trường. Người thầy ấy, trong con mắt những cô cậu học trò, là hiện thân của chính ông già Noel mang tới bao niềm vui và hạnh phúc.
Những trang văn của một cô gái miền Trung nắng gió đang gắn bó với mảnh đất Sài Gòn thật nhẹ nhàng, dung dị mà thấm thía. Chị thương dòng Lam quê hương, yêu câu hò ví dặm và nhớ từng mùa hoa đi qua mảnh đất gió Lào cát bỏng: Tháng Giêng nhớ nụ tầm xuân, Tháng Ba hoa gạo, Tháng Tư tím biếc lưu ly ở Cửa Nam (thành phố Vinh). Chị nhớ từng mùi hương của phố, nhớ con nắng rám tháng Tám với những mùa trăng trung thu náo nức, mong chờ. Nỗi nhớ ấy thường trực đến nỗi chỉ cần nghe qua một câu hát là trong lòng lại hồi tưởng về quê hương và thơ ấu đã qua.
Tôi rất thích cuốn sách này. Tôi cũng có 4 năm gắn bó với thành Vinh và dòng Lam trong ký ức tác giả. Cám ơn chị vì đã nói giùm tôi cái tình thật không dễ cất thành lời: “Dù cho em nay xa rồi, miền Trung vẫn thương trọn đời”.