Giới thiệu sách
Được đóng góp bởi OBook Team

Nội Tôi (Tái Bản 2017)

“Nhiều nhà văn trẻ bắt đầu nghiệp cầm bút bằng một tác phẩm viết về chính mình. Những kỷ niệm thời thơ ấu, mối tình đầu, những ước mơ, khát vọng... Đây là điều bình thường bởi vì tuổi thơ ấu là những năm tháng đẹp nhất và thường đi theo suốt cuộc đời.

Nhà văn Bùi Tự Lực đã trải qua những năm tháng tuổi thơ dữ dội, có thể nói, ít người lâm vào những cảnh ngộ éo le như anh. Nhưng cuốn sách đầu tiên của anh, cuốn “Nội tôi”, lại không phải là cuốn sách viết về mình, mà về người bà đã khuất; một người bà ba bốn năm trong một: là bà, là mẹ, là cha, là người dẫn đường, là thần tượng – bà mẹ Việt Nam anh hùng. Cho nên không có gì lạ khi người bà lại là nhân vật chính duy nhất trong suốt một trăm trang sách đầu tay của anh.

Cháu yêu thương, kính trọng bà là chuyện bình thường, nhưng nhớ ơn bà, tìm cách đền đáo lại là chuyện khác, còn đền đáp bằng cách viết một cuốn sách về cuộc đời bà thì càng khác nữa, không phải ai cũng làm được. Hẳn Bùi Tự Lực phải xuất thân từ một gia đình có căn cốt tốt đẹp, và việc làm của anh là một việc làm của người có văn hoá... Vâng, Bùi Tự Lực là một nhà văn có căn cốt và có văn hoá. Những người vô ơn không bao giờ là người có văn hoá, dù họ là nhà văn, giáo sư hay là ai đi nữa.

Trở lại với hình tượng người bà, Bùi Tự Lực đã kể về rất nhiều chuyện cảm động và đáng khâm phục về người bà anh hùng của mình, ở đây chỉ xin nhắc lại một chuyện nhỏ, rất nhỏ, nhưng có sức ám ảnh không nhỏ. Đó là chuyện làm chông tẩm thuốc độc: “Bà nội vót chông khéo lắm, đủ các loại: chông kép, chông đơn, chông ba lá, có cả loại chông có nganh như cái lưỡi câu, vót đến đâu, bà đem xếp hàng trải phơi nắng đến đó”.

“Bà nội để ngay dưới gầm giường một cái ống nhổ, đựng nắm lá rừng đã được vò nát. Bà bảo tôi cứ mối sáng thức dậy, trước khi bước xuống đất, hãy nhổ nước bọt vào đó để bà làm thuốc độc tẩm chông”.

Tôi không biết chuyện nước bọt biến thành thuốc độc thực sự thế nào và thứ nước bọt buổi sáng của người cháu có gì đặc biệt, nhưng khi căm thù biến thành lẽ sống, khi người ta đủ bền gan để chờ tre thành gậy “gặp đâu đánh què” chờ nước bọt biến thành thuốc độc để giết giặc thì sự thật đã biến thành huyền thoại.

Đây là một chi tiết có thật hoàn toàn nhưng lại có tính biểu tượng rất cao.

Hoa chi thơm lạ thơm lùng,

Thơm gốc thơm rễ người trồng cũng thơm

Vâng, một cuốn sách đáng quý từ chính cuộc đời, tấm lòng người viết cho đến những nhân vật, đặc biệt là người bà.”

Trần Đình Nam

Reviews 7

"Nội tôi" - 1 tác phẩm hay nói về Cách mạng cũng như nói về người mẹ Việt Nam anh hùng. Từng trang giấy, từng câu truyện, ta thấy được cái đói, cái khổ của chiến tranh thời ấy. Thấy được nỗi đau, sự mất mát và hy sinh. Chiến tranh thật ác liệt làm sao! Những bà mẹ Việt Nam mất đi người con người cháu, cống hiến hết mình theo chủ nghĩa "Nợ nước, thù nhà". Bà Định-người mẹ sắc xảo, đa tài cũng như là một thầy thuốc, bà cũng đã hy sinh dưới tay quân địch. Đọc truyện ta càng căm ghét chiến tranh, căm ghét kẻ thù, thương xót đồng bào, thương xót quê hương. Từng trang, từng chữ để lại cho ta những cảm xúc riêng biệt: căm hận có, thương tiếc có, hạnh phúc có, buồn bã có. Tất cả như đang hòa quyện vào nhau để rồi đọng lại trong lòng 1 thứ khó tả... 

“Trên đường hành quân xa

Dừng chân bên xóm nhỏ

(đọc tiếp...)

Tiếng gà ai nhảy ổ:

“Cục... cục tác cục ta”

Nghe xao động nắng trưa

Nghe bàn chân đỡ mỏi

Nghe gọi về tuổi thơ”

(Tiếng gà trưa- Xuân Quỳnh)

Tiếng gà xao xác vang lên giữa trưa hè đã làm bừng dậy trong lòng người cháu những kỉ niệm thời ấu thơ cùng bà. Người cháu là chiến sĩ, người bà tảo tần yêu thương cũng là những hình ảnh tôi bắt gặp trong tác phẩm “Nội tôi” của Bùi Tự Lực.

Hai bà cháu sống giản dị trong cái chảo lửa chiến tranh. Trong những mất mát, đau thương do chiến tranh gây ra, chính quyền bắt bớ, hai bà cháu vẫn từng ngày ngọt ngào dành tình cảm cho nhau. Bà thay cha nuôi dưỡng, thay mẹ ấp ủ cho cháu. Đứa cháu dại thơ cùng bà lớn lên trong cái nghèo khó. Cuộc sống của hai bà cháu chỉ trông chờ vào hoa trái trong vườn, một ao muống ngoài đồng. Từ nhỏ, cháu đã biết quảy trạc đi nhặt phân trâu rơi về cho bà bón rau, đặt bẫy bắt chim, ra ao câu cá. Vất vả, thiếu thốn nhưng cháu được hưởng trọn những mật ngọt yêu thương từ người bà đáng kính.

Bà dạy cháu cách sống, dạy cháu nuôi lớn lòng căm thù giặc. Bà còn là tấm gương vĩ đại về lòng cứng cỏi, dũng cảm, thương người. Bà vào chốn lao tù để chữa bệnh cho phạm nhân, bà nuôi giấu bộ đội, đem hết con cháu và gia sản hiến dâng cho cách mạng.

Những dòng chảy về kí ức tuổi thơ cứ thế tuôn tràn dạt dào. Những hình ảnh bình dị nhất, những con người mộc mạc, chân tình nhất hiện lên sao mà cao đẹp đến thế!

Review 15 : Nội tôi

Quyển này lấy bối cảnh thời Mỹ-Ngụy. Tớ thì không thích sách nói về chiến tranh, hoạt động cách mạng. Nó cứ đau thương sao ấy. Cuộc sống hiện giờ đủ rồi, thêm nữa là tràn

(đọc tiếp...)

Sách nói về cuộc đời từ nhỏ tới lớn của một cậu bé. Mẹ cậu, vì bảo vệ cậu, bảo vệ tôn nghiêm nên lấy chồng khác( nghe lạ ha ) . Cậu ở với bà. Bà cậu là một người khôn ngoan, tài giỏi vô cùng. Chẳng hiểu sao tớ thấy bà giống Gia Cát Lượng .

Bà cậu hoạt động cách mạng. Cả gia đình cậu hoạt động cách mạng. Sau này cậu cũng vậy

Cậu có tuổi thơ êm đềm, vui vẻ. Làm vườn, chơi đùa, kể chuyện,...

Truyện có một chi tiết mà mình rất ấn tượng."Những cột khói" . Bà có một mảng vườn và một vạt rừng. Hằng ngày, bà gom lá, cỏ,... để ủ phân. Rồi bà lại đem đốt. Quanh nhà có rất nhiều hố đốt phân. Mà bà đốt rất tùy hứng. Hôm một, hôm hai,.... hôm bà đốt hết. Mà bà đốt, bà giữ cho khói nhiều thật nhiều. Bà nói làm vậy phân mới tốt . Mãi sau này, cậu bé mới biết, Bà đốt như vậy để báo tin cho cộng sản. Báo tin gì thì tớ không nhớ, đại loại là báo xem đồ ăn, .. ở dưới này chuẩn bị thế nào, lấy ở đâu, ...

Cậu làm giao liên khi 12 tuổi. Từ đó cậu xa bà, xa mẹ. Tớ không mê món này lắm nên tớ cũng chả biết viết gì. Nhưng nếu sinh ra ở thời chiến, tớ cũng làm Giao liên.

Sách có bìa không đẹp lắm. Đơn giản mà sơ sài. chính là cảnh bà đốt phân để tình báo. Tạm chấm 3/5

Đây là một quyển sách đáng mua, đáng đọc. Dùng cho trẻ con, c1-c2 đọc cho chúng nó hiểu về chiến tranh, dũng cảm hơn.

Nội Tôi - Bùi Tự Lực (Tác phẩm đoạt giải thưởng Vận động sáng tác của Nhà xuất bản Kim Đồng 1999 - 2000)

Quyển này mình vừa mới mua hôm trước và đọc một vèo xong luôn vì khá ngắn, cả quyển sách chỉ vỏn vẹn 80 - 90 trang thôi nhưng để lại nhiều ấn tượng. 'Nội Tôi' là một tác phẩm gồm 15 truyện ngắn của tác giả viết về bà nội mình - Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Đỉnh. Dù vậy, 'Nội Tôi' vẫn có thể được xem như là một truyện vừa, do những truyện ngắn được sắp xếp theo trình tự thời gian. Từ khi người cháu còn nhỏ đến khi người bà nội qua đời. 'Nội Tôi' không khác gì một mảnh của một cuộc đời anh hùng của bà Lê Thị Đỉnh - được kể lại qua giọng văn của một đứa trẻ. Đọc Nội Tôi, người đọc không những cảm nhận được tình yêu thương của tác giả dành cho bà, của bà dành cho cháu mà còn chứa đựng cả tình yêu thương của người bà cho bộ đội, cho nhân dân, niềm tin của người phụ nữ anh hùng vào chiến thắng của cách mạng. Tất cả được tái hiện một cách chân thật nhất có thể qua ánh mắt của đứa trẻ. Nhà văn Ma Văn Kháng khi nói về 'Nội Tôi' của Bùi Tự Lực : "Cũng gần như tự nhiên, bà nội sống trọn vẹn một cuộc đời vừa bình thường giản dị vừa anh hùng cao cả đã trở thành người dẫn dắt từng bước đi cho con cháu, một nguồn sống tinh thần vĩnh cữu , một kỉ niệm bất diệt của tuổi thơ..."

(đọc tiếp...)

Đánh giá chung : 3 / 5 sao - Thích hợp cho trẻ em 

Bùi Tự Lực là nhà văn thiếu nhi nổi tiếng của dải đất miền Trung nắng gió.

Ông yêu thiếu nhi, dành nhiều thời gian sinh hoạt giao lưu, xây dựng tủ sách cho thiếu nhi tại các trường học ở Quảng Nam - Đà Nẵng. Ông khẳng định, nhấn mạnh: "Mục tiêu của Văn học thiếu nhi là góp phần cung cấp kiến thức và hướng thiện. Mỗi câu chuyện, mỗi cuốn sách cần phải bày vẽ cho các em một trò chơi, một việc gì đó, để các em có thể đọc và làm theo..."

(đọc tiếp...)

"Chó hoang", "Nội tôi", "Trên nẻo đường giao liên", "Cái ống phóc và trái banh chuối"... được các em nhắc đến với niềm phấn khởi vô ngần nếu có ai đó hỏi về ông, về các tác phẩm của ông. (Đặc biệt là "Nội tôi"- tác phẩm nhận giải B cuộc vận động sáng tác truyện, tranh truyện thiếu nhi năm 1999-2000 của NXB Kim Đồng và được NXB Kim Đồng tái bản đến 6 lần trong hơn 20 năm qua.)

"Nội tôi" bao gồm 15 chương ngắn gắn kết, xâu chuỗi chặt chẽ với nhau để tạo thành một bức tranh hoàn thiện về bà nội, về những năm tháng ấu thơ vui buồn cùng tinh thần yêu nước, bất khuất, kiên cường của các bà, các mẹ xã Bình Trị, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Cha bị địch bắt, mẹ lấy chồng khác để cứu cả nhà. Bùi Tự Lực sống với bà nội trong vùng tạm chiến.

Khó khăn, vất vả nhưng cũng đong đầy yêu thương, khoảng thời gian ở cạnh bà là những kí ức mãi mãi không phai mờ trong lòng ông, rèn ông tự lập, trở thành giao bưu năm mười hai tuổi rồi vượt Trường Sơn ra miền Bắc, sống xứng đáng với niềm tin, tình yêu bà dành cho mình.

"Cuộc đời bà hiện hữu giữa đời thường, với những việc làm rất thực, như mơ và có những điều tưởng như huyền thoại: Chuyên cần tích góp để mà dâng hiến, hi sinh, dồn nén đau thương để nổ bùng căm giận, đa mưu kì xảo để giữ lòng tận tụy, thành tâm..." - đoạn trích trên cứ chờn vờn trong tâm trí khiến mình rưng rưng, xúc động dù những trang cuối cùng đã khép lại. Thương lắm những mất mát, đau thương các bà, các mẹ phải chịu đựng và cũng tự hào vô cùng bởi sự can trường, gan dạ, mưu trí, đảm đang từ ngàn đời nay của người phụ nữ Việt. <3

Đánh giá: 8/10

Thông tin chi tiết
Tác giả Bùi Tự Lực
Nhà xuất bản NXB Kim Đồng
Năm phát hành 07-2017
Công ty phát hành Fahasa
ISBN 9786042069519
Trọng lượng (gr) 250
Kích thước 12.5 x 20.5
Số trang 88
Giá bìa 20,000 đ
Thể loại