
Những Đêm Trắng - Fyodor Dostoyevsky
Tôi đã phân vân nhiều khi chọn quyển sách này vì đọc được đâu đó đôi dòng giới thiệu bạn chỉ nên đọc cuốn này khi chưa quá 27 tuổi. Bởi lẽ đó là khoảng thời gian đẹp nhất và dễ thấu hiểu nhất cho cuộc đời. Tôi đã đi qua cái tuổi ấy, có lẽ vì thế tâm hồn trở nên già cỗi và hay xét nét về vạn vật hơn cả.
(đọc tiếp...)
Như câu chuyện của cô gái nhu mì và ông chồng chủ hiệu cầm đồ. Tôi hiểu việc cô ấy chết vì không thể chấp nhận cuộc sống quá khác biệt so với mộng tưởng. Nhưng tôi cũng hiểu cả sự ích kỷ và thù ghét xã hội của ông chồng, bởi chính tôi cũng là kẻ ích kỷ. Những kẻ như thế luôn mong muốn được thấu hiểu nhiều hơn những gì họ thể hiện hay nói ra. Không. Thậm chí họ không bao giờ than vãn mình cô đơn quá bởi họ kiêu hãnh, cực kỳ kiêu hãnh, một loại kiêu hãnh đến mức cực đoan.
Trong khi đó cô vợ quá trẻ, đặt quá nhiều hy vọng vào cuộc hôn nhân tưởng chừng sẽ kéo cô ra khỏi bóng tối bất hạnh.
Bên phía ngược lại, ông chồng cựu quân nhân lại quá mức ích kỷ. Ông thực lòng yêu vợ. Nhưng ông ta còn yêu bản thân mình hơn. Trước cái chết đột ngột của vợ thậm chí là không có chỗ cho sự xót thương bởi ông ta còn đang bận nghĩ lại toàn bộ câu chuyện, liên kết nó với nhau hòng tìm ra câu trả lời cho cái chết của cô vợ trẻ.
Một truyện ngắn khác, truyện chủ đề của cuốn sách cũng lại có một nam chính không tên. Anh tự nhận mình là kẻ mộng mơ. Giống loài luôn ẩn sâu trong những góc tăm tối ít ai ngờ tới nhất.
Kẻ mộng mơ thân thuộc và yêu thành phố của mình đến mức có thiện cảm với cả ông lão hay đi ngang qua anh, thế nên việc anh chàng nhanh chóng thân và thương cô bạn đồng hành anh bất ngờ gặp trong một đêm trắng cũng không có gì kỳ lạ.
Anh chàng mộng mơ sống một cuộc đời bình thường đến mức cô độc, có lẽ việc dành tình cảm cho một cô gái chịu nghe anh tâm sự và tâm sự với anh cũng rất hợp lẽ thường. Nhẽ ra hai kẻ đều mơ mộng ấy đã có một câu chuyện dài và đẹp nếu cô gái kia không kết thúc những đêm trắng đẹp tuyệt của anh bạn đồng hành bằng cách lao đi theo tiếng gọi của trái tim.
Tình yêu không xấu, nó cũng không bao giờ có lỗi. Chỉ là ai không có nó sẽ phải chịu tổn thương, vậy thôi!
Dostoyevsky thật sự đã vẽ nên một áng văn đẹp tuyệt trần. Tôi gọi cách ông miêu tả và khắc họa từ cảnh vật đến tâm trạng con người là "Vẽ" bởi nó quá đẹp, quá huyền ảo. Cảm xúc tôi nhận được khi lần theo câu chữ mềm mại của ông là một sự xúc động mãnh liệt. Bởi tôi đã tìm thấy mình trong đó. Vừa ích kỷ lại vừa mơ mộng đến đơn độc...