
Ở một khía cạnh khác, tôi nói về giá trị nhân đạo, có lẽ còn nhiều điều để nói hơn cả tính hiện thực của tác phẩm này nữa. Bởi vì dẫu có phản ánh hiện thực sắc nét đến nhường nào, thì mỗi tác phẩm văn học, hơn nữa đây còn là một tuyệt tác, đều sẽ gửi gắm độc giả nhiều vấn đề nhân sinh lớn lao hơn vỏ bọc hiện thực bên ngoài của nó.
“Tình yêu, danh dự, tội lỗi, sợ hãi và cứu chuộc.” Vâng, ai đó đã nói thế khi nói về cấu trúc cuốn tiểu thuyết này và đúng là như vậy. Tình yêu, giữa nam và nữ ở trong đây chỉ chiếm một lượng không lớn, cái chính mà tác giả muốn đề cập tới là tình yêu giữa những người đàn ông: Giữa hai người bạn, cha và con, anh em trai không hẳn cùng huyết thống, một cậu bé cùng với một ông chú trung niên ngang ngửa tuổi cha mình. Đọc tác phẩm này, tôi mới nhận ra, những tình cảm ấy giữa những người đàn ông với nhau đôi khi còn vĩ đại hơn nhiều tình yêu đôi lứa. Bởi vì tình cảm nam nữ là thứ tất yếu trong lẽ tự nhiên, nhưng tình yêu giữa những người đàn ông ấy, hẳn phải xuất phát từ cái gì đó "vĩ đại hơn” trước. Ở đó có một người bạn thân đã vì Amir mà hi sinh rất nhiều, chữ vì ấy, cũng đã từ chính miệng cậu mà thốt lên: “ Vì cậu, cả ngàn lần rồi.” Mỗi lần cậu bạn ấy sắp làm một việc gì đó để giúp người bạn thân của mình lại không quên câu nói ấy. Câu nói như đã chứng minh tất cả, rằng cậu biết là bản thân sẽ giúp nhưng mỗi khi câu nói ấy thốt lên, nghe như một sự cam tâm tình nguyện trỗi lên trong người cậu ta. Biết là không được gì, vẫn giúp, biết rằng có thể sẽ mất mát, vẫn giúp, bởi vì đó không ai khác – là Hassan.
(đọc tiếp...)
Trên quan điểm của một độc giả, tôi vẫn hi vọng Hassan sẽ mãi là người bạn thân chí cốt của Amir, người… có thể vì Amir mà làm tất cả. Tôi có thể chấp nhận cái thân phận người hầu nhỏ bé của cậu ta VÌ Amir, bị Amir không thành tâm đối xử, bị Amir nghĩ kế tống ra khỏi lãnh địa Kabul vào một ngày đông trời mưa tuyết rơi cũng được, nhưng cậu phải ở trong thân phận một người hầu, Hassan à.
…Nhưng mà nghiệt ngã thay, ngay chính tôi này, Amir này, mà cả Hassan đến lúc hoai mục cùng cỏ cây dưới nấm mồ cũng phải xót xa chấp nhận, cậu ấy là em cùng cha khác mẹ của Amir. Tất cả sự thật ấy được chôn vùi tận 15 năm, khá lâu đấy nhỉ! Tận 15 năm một đứa trẻ không có quyền được biết về cha nó, nguồn gốc thực sự của nó, k được hưởng bất kì phúc lợi xã hội nào chỉ vì một cái "namoos" không đáng giá một xu của một con người được xem là tuyệt vời nhất Kabul lúc đó. Nhưng mà trong cuộc đời không có ai không vấp phải một sai lầm lớn lao nào đó và tha thứ, chuộc lỗi, im lặng, cho qua là cách để họ làm cho mọi chuyện tốt lành hơn nơi đây. Baba đang cố gắng ngày càng cố gắng sống tốt hơn không chỉ vì Amir của ông mà còn vì bản thân ông, vì những lỗi lầm một thời trai trẻ ông vấp phải. Ông luôn dạy Amir những điều mà chính ông đã từng mắc lỗi, rằng "ăn cắp là tội trạng chung của tất cả". Có thể trước đó tôi đã nhận ra, trong lần Baba nói chuyện với chú Rahim Khan, nhưng sau trận đua diều lần ấy, cái lần mà Amir tìm Hassan với con diều xanh và thấy cậu bị bọn Assef bắt nạt nơi xó đường, điều Baba cần ở Amir, dường như lại hiện lên mồn một trước mắt tôi. Baba cần ở cậu sự dũng cảm, cần ở một người con trai tính đấu tranh. Là đấu tranh chứ không phải tranh giành hèn mọn và ích kỉ. Sự hồi tưởng của Amir về hình ảnh Hassan bị ăn hiếp nơi góc phố và sự vùng lên của Baba cậu lúc này... Dường như đã cho chúng ta không còn hồ nghi tại sao có những lúc cậu hẹp lòng đến muốn ghét bỏ Baba cậu, nhưng trong cậu không lúc nào thôi ngưỡng mộ người. Bởi ông "luôn luôn là một người anh hùng", người dám đứng lên vì lẽ phải, trong mọi hoàn cảnh. Điều đó luôn khiến cậu xấu hổ khi nghĩ về Hassan, baba và chính bản thân cậu cùng lúc. Và còn nhiều lần hơn, trong cuộc đời Amir, lòng tốt của Baba và máu người đàn ông đích thực trong ông ... Luôn khiến cho Amir càng thêm ngưỡng mộ, yêu thương cha mình hơn.