Giới thiệu sách
Được đóng góp bởi OBook Team

Giới thiệu sách

“Thế giới này sẽ đơn giản biết bao khi kẻ ác luôn hiện nguyên hình là một con quỷ dữ... ”- Bernhard Schlink

Không có gì lãng mạn trong lần gặp mặt đầu tiên của họ. Cậu bé 15 tuổi, là học sinh trung học. Còn cô là người soát vé xe điện. Từ trường trở về sau mỗi buổi học, cậu lại lao mình vào cuộc phiêu lưu thầm kín. Nhưng tình sử lãng mạn ấy kéo dài không lâu. Một ngày nọ, Hanna biến mất, rồi xuất hiện trong tình huống khó ngờ... Người đọc, được so sánh với Những kẻ bị cầm tù ở Altona của Sartre và Ván bi-a lúc chín rưỡi của Heinrich Böll, là một trong không nhiều tác phẩm văn học Đức trở thành bestseller trên toàn cầu.

Lồng trong một câu chuyện tình yêu khác thường là nhiều vấn đề lớn liên quan đến sự tiếp nhận quá khứ mà thế hệ hậu chiến Đức phải đối mặt. Nên khi đã đặt xuống rồi cuốn sách nhỏ 200 trang của Bernhard Schlink, bên những bâng khuâng day dứt về tình yêu, người ta sẽ còn ám ảnh khôn nguôi về cuộc chiến đã tước đoạt hàng triệu sinh mạng, và để lại dấu hằn vĩnh viễn trên số phận bao người còn lại...

Người đọc là tác phẩm gây tranh cãi mạnh ở Đức, nơi người dân cho đến nay vẫn chưa hẳn thỏa mãn với cách giải quyết các tàn dư lịch sử từ thời phát xít và Thế chiến II. Trong một bài phỏng vấn, Bernhard Schlink cho rằng các nhà phê bình đã hiểu lầm tác phẩm này của ông. Được dịch ra hơn 40 ngôn ngữ và quảng bá rộng rãi, Người đọc thể hiện rõ rệt tính cách người Đức với phần thế giới còn lại, ngay cả khi sự cảm nhận thường mang nặng tính chủ quan và ảnh hưởng văn hóa từ phía người thưởng lãm.

Reviews 6

Đây là một tiểu thuyết cuốn hút nhưng khó cảm nhận. Trước khi viết những dòng này tôi đã đọc qua những bài review trên obook và cả những website khác. Mọi người nói rất nhiều đến tội ác của Đức quốc xã trong thế chiến thứ 2 và mối tình dị biệt giữa Michael Berg và Hanna Schmitz nhưng dường như với tôi, điều đó chưa thỏa đáng. Cuốn sách để lại trong tôi khá nhiều câu hỏi...

Truyện được Michael Berg kể lại về hồi mình 15 tuổi. Trong một lần đi học về, cậu bị bệnh và đã được Hanna Schmitz giúp đỡ. Sau khi lành bệnh, Michael tìm đến nhà Hanna để cảm ơn và một tình cảm tự nhiên đã nảy nở giữa họ dù Hanna hơn Michael đến 16 tuổi.

(đọc tiếp...)

Hannacó sức ảnh hưởng rất lớn đến Michael. Cậu đã bán bộ tem sưu tập mà mình rất quý để đưa cô đi dã ngoại. Cậu luôn nhường nhịn và nhận lỗi trước tính khí thất thường của Hanna. Biết Hanna thích sách nên mỗi lần gặp gỡ, Michael đều mang theo một cuốn truyện, đọc cho cô nghe, rồi mới làm tình. Hết mùa hè ấy, Hanna biến mất để lại một mình Michael lạc lõng và ngơ ngác.

Rồi họ gặp lại nhau trong một cảnh huống rất oái oăm: Trong phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh, Michael lúc này là luật sư tập sự còn Hanna là một bị cáo. Cô bị cáo buộc với vai quản tù đã chuyển những nữ phạm nhân tới trại tập trung và bỏ mặc họ cho tới chết trong một trận bom trên đường chuyển trại. Các bị cáo khác quy tội cô đã viết một bản báo cáo sai sự thật, đóng vai trò quan trọng như một bằng chứng phạm tội của họ. Trước tòa, Hanna nhận tội.

Chỉ có Michael phát hiện ra một sự thật: Hanna không biết chữ, vì vậy không thể viết được bản ghi chép này. Trong tội ác ấy, cô chỉ làm một công việc tầm thường, không có vai trò thật sự. Nếu như cô thừa nhận trước tòa và có sự làm chứng của Michael thì có lẽ sẽ được nhẹ tội. Nhưng cô đã chấp nhận bản án vì lòng tự trọng, quyết không lộ ra là mình mù chữ. Có thể vì phải câm lặng trước dòng chảy của xã hội-lịch sử và tôn trọng Hanna, nên Michael cũng im lặng. Anh chỉ còn biết làm một việc duy nhất là thu tiếng mình đọc truyện vào băng cát xét gửi vào tù cho cô, nhiều năm liên tục.

Trong những ngày thụ án, nhờ những băng cát xét Michael gửi, Hanna đã cố học chữ và viết rất nhiều thư cho Michael nhưng anh không hồi âm. Đến khi đơn xin ân xá của Hanna được chấp thuận, Michael đã đến gặp Hanna- lúc này đã trở thành một bà lão. Lần gặp gỡ ngắn ngủi ấy đã khiến bà hiểu rằng, không có chút hy vọng nào giúp bà trở về với cuộc sống bình thường. Trước ngày được ra trại, Hanna đã treo cổ tự tử.

Một câu chuyện đầy ám ảnh và nuối tiếc khi cả hai người đều không dám đối diện với quá khứ. Đọc xong tôi cũng còn khá nhiều thắc mắc với nhân vật Michael. Tình cảm anh dành cho Hanna là gì nếu không phải tình yêu? Tại sao anh lại im lặng trước những lá thư của bà? Sự lạnh nhạt của anh trong lần gặp gỡ cuối cùng là vì sao? Bạn nào đọc truyện rồi có thể giải thích giúp tôi không?

Người đọc - Bernhard Schlink

Mình đọc quyển này lâu rồi, đọc trong một đêm thôi và tất cả những gì mình nhớ về nó đó là mình có cảm xúc khá lẫn lộn về nó. Quyển sách được chia làm ba phần và phần mình không thích nhất là phần hai. Phần đầu tiên rất thích và phần cuối cùng khiến mình hoang mang một chút. Ai có xem phim rồi (Kate Winslet vai chính hú hú) thì biết cốt truyện khá hay - mối tình mãnh liệt và bí mật của một cậu bé với một người phụ nữ gấp đôi tuổi mình, thích được người khác đọc sách cho nghe. Nếu dừng ở đây, ta có cảm giác mình sắp đọc một câu chuyện loạn luân và đầy cảnh nóng - nhưng không phải, những gì tiếp diễn sau đó sẽ khiến bạn bàng hoàng - y như cậu bé trong câu chuyện. 

(đọc tiếp...)

Mình nhớ là mình không thích quyển này, nhưng bây giờ nghĩ lại, mình thấy cốt truyện thực sự hay và đẹp đẽ. Có lẽ là ngày trước mình đọc mà cứ mong chờ một cái kết ngoạn mục và hạnh phúc - chắc vì vậy mà chỉ thích được phần một của quyển sách. Đây chắc chắn sẽ là một quyển mà mình phải đọc lại, hy vọng là trong năm nay sẽ có dịp, vì cái hay của việc đọc sách là vậy - có khi đọc cùng 1 quyển sách, cũng một ấn bản y chang như nhau, nhưng lần đầu lại ghét nhưng lần sau lại yêu thích (và ngược lại). Một động lực cho việc đọc lại quyển này của mình đó là để xem luôn chuyển thể phim có Kate Winslet thủ vai nữ chính mà cuối cùng được luôn giải Oscar.

Nghi thức của những lần gặp gỡ luôn luôn lặp lại: tắm, làm tình, đọc sách và nằm nán lại bên nhau. Cuốn sách cũng như chuyện tình của Micheal và Hanna bắt đầu  đầy nhục dục như thế: đam mê, hấp dẫn và khao khát

Tôi đã không rời tay khỏi cuốn sách cho đến khi đọc xong theo đúng nghĩa đen. Cuốn sách đã được tôi tìm hiểu kỹ về nội dung trước khi đọc nên không còn sự hồi hộp, bất ngờ nhưng vẫn bị cuốn theo từng dòng chữ.

(đọc tiếp...)

Cách kể chuyện của nhà văn Bernhard Schlink rất tự nhiên, dẫn chuyện hoàn toàn hợp lý về logic và tâm lý với bắt đầu từ chuyện tình của cậu bé học sinh trung học 15 tuổi với Hanna một người phụ nữ soát vé tàu 36 tuổi. Để rồi sau đó, sự đột ngột biến mất của Hanna đột để lại cậu bé quay quắt trong đau khổ và mặc cảm tội lỗi vì nghĩ rằng chính sự chối bỏ của mình đã đẩy Hanna đi xa. Năm tháng trôi qua, 2 người gặp lại trong một hoàn cảnh trớ trêu: tại 1 phiên tòa. Cuộc gặp gỡ của một sinh viên trường luật và 1 tội phạm chiến tranh. Hai người không nói với nhau 1 câu, chỉ một lần giao mắt duy nhất dù cả 2 đều dành cho nhau sự quan tâm đặc biệt.

Đến đây, có lẽ mới là bắt đầu những điều khiến người đọc trăn trở, suy ngẫm.

Cuộc hội ngộ của Micheal và Hanna đã không chỉ còn là cuộc gặp gỡ của một cặp tình nhân sau bao năm xa cách, nó đã trở thành cuộc gặp gỡ của 2 thế hệ: của thế hệ người Đức đi qua chiến tranh - tội đồ và thế hệ Người Đức của hiện tại, phán xét lỗi lầm của thế hệ đi trước. Những chi tiết của tội ác được phơi bày lại một lần nữa làm người đọc cảm thấy đau đớn và phẫn uất, cùng nhìn lại theo những hướng khác nhau để mỗi người tự đưa ra kết luận cho riêng mình.

Với tôi, đây là một cuốn sách hấp dẫn, không chỉ vì những vấn đề lớn lao mà cuốn sách đề cập, mối quan hệ của Micheal và Hanna đặt trong mối tương quan của xã hội đã làm cho chuyện tình của họ trở nên thật đặc biệt, thật khó để xác định đâu là ranh giới của tình yêu. Xét về khía cạnh nào, cuốn sách cũng đều xuất sắc.

Hồng Khánh

19/3/2019

"Người đọc" là câu chuyện về Michael Berg (15 tuổi) có quan hệ tình cảm với Hanna - một người phụ nữ gấp đôi số tuổi của anh. Câu chuyện lấy bối cảnh ở Tây Đức vào năm 1958. Một ngày nọ, cô nàng biến mất và Michael mong sẽ không bao giờ gặp lại cô ấy nữa. Nhiều năm sau, Michael đang theo học trường luật và anh gặp lại Hanna tại một phiên tòa nơi cô bị buộc tội về một tội ác chiến tranh của Đức quốc xã. Michael sau đó phải vật lộn với việc anh có nên vì mối quan hệ trước đây mà giúp cô không và liệu anh có nợ cô ta điều gì mà bản thân không hề biết. Michael sau đó làm việc tại triển lãm. Anh gửi những cuốn sách được ghi lại trên băng cho Hanna khi cô ở trong tù.

“Người đọc” cung cấp một số cái nhìn sâu sắc về một lát cắt nhỏ trong suy nghĩ của người Đức với một tiểu sử viết tắt về Hanna Schmitz. Cuộc sống của cô là sự nhân cách hóa các góc khuất trong tâm hồn con người. Cô ấy rất tự lập nhưng vô tình lại trở thành con rối của chế độ Đức quốc xã. Cô say mê văn chương nhưng nghiệt ngã là lại không biết chữ. Hanna tốt bụng theo bản năng và vô cùng hào phóng nhưng cô ấy có thể thừa nhận một sự thật khủng khiếp mà không hề tỏ ra hối hận về việc đã cho phép hàng trăm phụ nữ bị thiêu chết trong nhà thờ. Hanna dụ dỗ Michael Berg đọc những cuốn sách hay cho mình, điều này xảy ra trong một thời gian khá dài trước khi anh nhận ra rằng cô không thể đọc hay viết. Mối quan hệ của Michael với Hanna đặc biệt theo những cách tuyệt vời. Rõ ràng là Hanna đang cố gắng trốn tránh quá khứ và tìm kiếm sự đồng hành trong một thế giới nơi cô đơn. Còn đối với Michael, ở bên người phụ nữ lớn tuổi mang lại cho anh ta sự tự tin, và anh ta ngày càng trở nên nổi tiếng hơn ở trường.

(đọc tiếp...)

Sự khởi đầu của cuốn tiểu thuyết có tính tình dục cao. Trên thực tế, Schlink có thể tạo ra một quyển sách đặc biệt cho giá trị đạo đức của văn học trong một bối cảnh mà tình dục không phải thứ quan trọng nhưng tác giả không làm thế vì ông muốn sử dụng tiểu thuyết như một phương tiện để khám phá triết học và đạo đức. Nếu bạn nghĩ triết học và đạo đức là những khía cạnh nhàm chán và vô vị khi đưa vào tiểu thuyết thì bạn đang đánh giá thấp Schlink bởi ông có thể viết một trang sách đầy sâu sắc và chứa hết tâm tư tình cảm của mình thông qua những lĩnh vực trừu tượng ấy. Tác giả sẽ làm cho bạn phải suy ngẫm chứ không phải đọc một cách vu vơ để khi khép cuốn sách lại thì chẳng biết bản thân đã đọc gì. Văn phong tuyệt vời của tác giả thực sự đã truyền tải thông điệp của cuốn tiểu thuyết vì nó không bị cản trở bởi những cảm xúc từ ngoại cảnh.

Hãy thử tưởng tượng: người tình đầu tiên, người dẫn ta vào những trải nghiệm chưa từng có trong đời, đột nhiên biến mất. Tám năm sau, họ đột ngột hiện ra, trên ghế bị cáo, trong một phiên tòa mà ta vô tình có mặt. Rồi lại biến mất, hiện ra lần nữa trong dáng vẻ già nua và chẳng còn vương lại hương thơm ngày nào từng làm ta mê mẩn? Đó sẽ là những cú sốc liên tục đập vào hệ thần kinh của người tiếp nhận chúng.

Mình hơi lấn cấn khi chấm 5 sao cho cuốn này trên goodreads. Phần dịch không ổn lắm nên 4 sao sẽ chuẩn hơn. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, nó được dịch từ nguyên gốc tiếng Đức – chẳng dễ chút nào cho cả người dịch và người biên tập. Và xét cho cùng, Người đọc là một tác phẩm hay.

(đọc tiếp...)

Đây là một câu chuyện tình yêu – kiểu tình yêu kín đáo mà người ngoài không được biết, ám ảnh cả cuộc đời hai nhân vật chính. Nó diễn ra giữa một cậu bé mười lăm tuổi và một người phụ nữ hơn cậu cũng khoảng ngần ấy. Mối tình bắt đầu bằng quan hệ thể xác – và cảm tưởng như nó chỉ có vậy. Nhưng những trải nghiệm không tưởng xảy ra ở tuổi mười lăm đã âm thầm tác động vào toàn bộ cuộc đời cậu. Và, phải đi đến cuối câu chuyện, ta mới hiểu, trong hai con người đó thì ai là người yêu và được yêu nhiều hơn.

Việc cuốn sách này gây tranh cãi có lẽ không nằm ở chuyện nhân vật chính chỉ mười lăm tuổi khi có những trải nghiệm hoan lạc với người phụ nữ đáng tuổi mẹ của mình, mà ở bối cảnh lịch sử mà câu chuyện diễn ra. Người tình khiến cậu bé si mê, nhưng cậu không biết gì về cô ngoài những phút giây thân mật. Cho tới ngày cậu hiểu cô từng làm gì trong những ngày đen tối của lịch sử nước Đức. Tội lỗi của cô và cách dẫn dắt câu chuyện là cái làm người ta tranh cãi và yêu thích hoặc ghét bỏ nó.

Sách dở thì không đọc nổi tới cùng, sách thú vị thì đọc thấy vui rồi quên luôn, còn sách hay đọc xong làm người ta không quên và muốn đọc lại, thậm chí phải suy ngẫm về nó. Với tiêu chí ấy thì đây là một cuốn sách hay đối với mình. Nhưng, “Người đọc” còn là một trong số những cuốn sách làm mình nghĩ tới tuổi của người đọc sách và mình liều đoán là những ai dưới 25 tuổi sẽ khó mà thích nó.

Thông tin chi tiết
Tác giả Bernhard Schlink
Dịch giả Lê Quang
Nhà xuất bản Hội nhà văn
Năm phát hành 01-2014
Công ty phát hành Nhã Nam
ISBN 8935235201132
Kích thước 14 x 20.5 cm
Số trang 216
Giá bìa 65,000 đ
Thể loại