Giới thiệu sách
Được đóng góp bởi OBook Team

Mùa Thu Của Cây Dương (Tái Bản) Mùa hè năm lên sáu tuổi, gia đình mẹ con Chiaki lâm vào cảnh khốn cùng. Mẹ cô bé quá đỗi tiều tụy không thể chăm lo nổi cho Chiaki nhạy cảm và đang khủng hoảng bởi sự đi bất ngờ của bố. Nhưng, từ sau khi dọn đến khu căn hộ cho thuê có tên Cây Dương, Chiaki dần tìm lại hạnh phúc tuổi thơ tưởng chừng đã mất, nhờ có bà cụ chủ nhà - khó tính, nấu ăn dở, ưa sạch sẽ, hay dọa trẻ con… nhưng âm thầm tốt bụng. Thời gian thấm thoắt trôi, hai mươi năm sau Chiaki nhận được tin bà qua đời. Trên hành trình quay về dự đám tang bà, dòng ký ức ngọt ngào của những tháng ngày sống tại Cây Dương lặng lẽ ùa về. Nơi đây, cô đã tìm ra một sự thật, về chính bản thân cô, về mẹ cô, và nhất là về bà cụ, người dù đã mất đi nhưng sẽ mãi luôn còn ở đó. Và một mùa thu nữa lại trải lá vàng lên khu căn hộ Cây Dương. Kazumi Yumoto sinh năm 1959 tại Tokyo. Cô theo học khoa sáng tác tại Đại học Âm nhạc Tokyo. Trong khoảng thời gian đó, cô từng viết lời cho các vở opera, kịch nói trên sóng phát thanh và truyền hình. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của của Kazumi - Khu vườn mùa hạ (Natsu no niwa) xuất bản lần đầu năm 1992 đã nhanh chóng giành được thành công ở trong và ngoài nước. Tác phẩm tiếp theo của cô - Mùa thu của cây dương (Popura no Aki) cũng nhận được rất nhiều chú ý từ dư luận, được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Xem review sách: Mùa thu của cây dương

Reviews 10

Mùa Thu Của Cây Dương _ Kazumi Yumoto

Vẫn là cái gì đó rất đỗi nhẹ nhàng và sâu lắng ...

(đọc tiếp...)

Mình chọn đọc cuốn sách này vì thấy tựa đề là mùa thu của cây dương.Mình vô cùng thích mùa thu,nó vô cùng vô cùng đẹp,theo một cách chân thật và buồn.Tuy nhiên lần này mình cũng không thích bìa cuốn sách.Màu vàng quá chói này không hợp cho sự nhẹ nhàng của mùa thu.Tuy nhiên mình chỉ đánh giá theo cảm quan suy nghĩ của bản thân thôi,chứ với bạn màu vàng đó có thể rất hợp mắt.

Câu chuyện về cuộc hành trình quay ngược dòng thời gian tìm đến những ký ức thời thơ ấu của cô bé tên Chiaki.Vào năm 6 tuổi,sự ra đi đột ngột của người bố đã khiến Chiaki cùng mẹ lâm vào cảnh khốn. Cuộc sống chật vật với việc tìm kiếm thứ gì đó tốt hơn cùng những chuyến tàu bất định đã mẹ con cô tới trang viên cây dương.Ở đó cô đã có những kỉ niệm đẹp về tuổi thơ.Tất cả là nhờ có sự giúp đỡ của bà cụ chủ nhà.Tuy bà có hơi khó gần với ngoại hình mang chút lạnh lùng,đáng sợ cùng tình tính quái gở,nhưng lại vô cùng tốt bụng.Bà luôn chăm sóc cô những lúc cô mệt mỏi,ốm yếu,cùng cô vượt qua những nỗi sợ.Và hơn nữa bà đã cùng cô gửi đi nỗi nhớ về người bố đã khuất của Chiaki.

Tuy nhiên dường như ba năm chứng kiến sự trưởng thành của cây dương là quá đủ với cô,nên vận mệnh bắt cô phải rời xa nơi này với lí do là mẹ cô tái hôn.Tất cả những gì đã trải qua,những cảm giác ấm áp,ngọt ngào,cái cảm giác được sống với "người thân",những người yêu quý mình đều dần trở thành hoài niệm đẹp nhất của đời người.

Tâm lí nhân vật được khắc họa khá tốt,và vẫn là sự nhẹ nhàng mà cuốn hút trong từng câu chữ,vẫn để lại cho người đọc những suy nghĩ về đời người.

Ảnh #khaanh.ly

Mùa Thu Của Cây Dương - Kazumi Yumoto

Khi nói về Banana Yoshimoto mình có nói là văn phong của bà giống với nhiều nữ tác giả người Nhật khác và thắc mắc không biết có phải là họ bị ảnh hưởng bởi bà, hay bà bị ảnh hưởng bởi họ, hay cả bà và họ đều bị ảnh hưởng chung bởi một người... Câu hỏi đó mình chưa trả lời được, nhưng mới phát hiện gần đây đó là Kazumi Yumoto, cô Chuối và Ekuni Kaori khá gần tuổi nhau. Có lẽ vì cùng thuôc một thế giới tác giả mà họ có nhiều điểm chung với nhau trong cách viết đến vậy. Mùa Thu Của Cây Dương là cuốn tiểu thuyết thứ hai mình đọc của Kazumi Yumoto - quyển đầu tiên là gợi ý từ một người bạn có tên là Khu vườn mùa hạ (quyển này theo mình còn hay hơn Mùa Thu Của Cây Dương). Câu chuyện chủ yếu kể về những kỉ niệm của nhân vật chính với người bà của mình và một tuổi thơ tràn ngập ánh nắng mùa thu và tình thương. Sau khi đọc 2 tác phẩm của tác giả, mình nhận ra một điểm khác nhau giữa Kazumi Yumoto và cô Chuối đó là mặc dù cách viết đều nhẹ nhàng và dễ chịu như nhau, kết thúc câu chuyện của Yumoto luôn dễ đoán hơn. Mình nghĩ khi đọc đến cỡ hơn giữa truyện thì có thể đoán ra ngay kết thúc của câu chuyện, trong khi ở cô Chuối thì việc này nói chung là khó hơn, vì nhiều khi kết thúc rất bất ngờ và khác thường. Dù gì, mình thích cả hai cô và nghĩ rằng nếu ai thích cô Chuối thì nên đọc thử vài truyện của Kazumi Yumoto.

(đọc tiếp...)

Đánh giá chun g : 3 / 5 sao - Thích hợp cho cả trẻ em lẫn người lớn <3

*Review 38 : Mùa thu của cây dương - Kazumi Yumoto

Mình đã đọc bộ ba mùa này của tác giả lần thứ hai, và nói thật là mình đã quên hết tất cả tình tiết nội dung của ba cuốn này (thật tình đầu óc mình ngày càng quên nhanh, thế nên mình tự hỏi rằng có khi đây là lần đọc đầu tiên cũng nên tại vì cuốn sách quá mới mẻ với mình dù đã đọc lần hai).

(đọc tiếp...)

Vừa đọc xong cuốn Mùa thu này thì phải nói hẳn đây là mùa mình thích nhất trong ba mùa, nếu xếp thứ tự yêu thích thì cũng là thứ tự mùa luôn: xuân – hạ – thu.

Cũng như câu chuyện về hai mùa trước đều xoay quanh những đứa trẻ, mùa thu tiếp tục kể về một đứa trẻ khác tên Chiaki, sáu tuổi. Và phải nói là ba cuốn đều mang những motif (với mình) là khá giống nhau khi mang đến cho mình những khung bậc cảm xúc tương tự : đầu tiên là thấy hào hứng vì bắt đầu một câu chuyện mới những đứa trẻ mới, sau đó là thấy kì cục và đôi lúc hơi bực tức vì một vài tình tiết để rồi lại chìm vào những dòng trạng thái nhẹ nhàng ( kiểu rất là healing í).

Lần đầu mình đọc thì không có ấn tượng gì với bộ ba này lắm vì thấy khá nhạt nhòa và chán nản. Mình là kiểu hay thích drama một xíu, hồi hộp một xíu thì tốt. Nhưng mà không hiểu sao dạo này mình hay xem phim kiểu nhẹ nhàng, mang tính healing với thuộc dòng slice of life í nên giờ mình thấy rất thích bộ ba này và đặc biệt là mùa thu luôn.

Nếu ban đầu Chiaki đến với cây dương mùa thu này với tâm thế của một đứa trẻ đang tuyệt vọng, sợ hãi với cuộc sống thì khi đã lớn, trở về lần nữa với cây dương, tuy đã trưởng thành nhưng tâm hồn cô vẫn đang mang vẻ chán nản. Và một lần nữa, nơi ấy lại khiến lòng cô yên bình đến lạ và, cô lại hiểu ra nhiều điều, để rồi có thể sống tiếp, một cách tích cực hơn.

Điểm (hết sức chủ quan) : 8 /10

"Mùa thu của cây dương" - Kazumi Yumoto - là cuốn sách nhẹ nhàng, thấm đẫm triết lí như những cuốn sách khác cùng thể loại văn học Nhật nhưng vẫn để lại trong lòng mình những dấu ấn rất riêng. Sách khá mỏng, nội dung đơn giản, tuy mình chưa từng đọc cuốn sách nào có nội dung giống hoặc gần giống "Mùa thu của cây dương" nhưng khi đọc vẫn có cảm giác vô cùng quen thuộc. Cuốn sách là những hồi ức của Chiaki về những ngày tháng tuổi thơ ở Trang Viên Cây Dương. Mình mua "Mùa thu của cây dương" ở hội sách do bị ấn tượng bởi bìa sách. Bìa sách màu vàng, không đẹp xuất sắc nhưng lại đem đến cho mình cảm giác vô cùng bình yên. Câu chuyện trong cuốn sách cũng giống như bìa vậy, ấm áp, giản dị và thân thương. Cuộc sống của Chiaki cũng như của nhiều người khác trong nhà trọ Cây Dương hiện lên vô cùng êm đềm và mình cảm thấy được niềm hạnh phúc của họ như ẩn như hiện trong từng trang văn. Mình rất thích bà cụ chủ nhà trong tác phẩm này. Mặc dù đã mất nhưng trước đó, bà đã sống một cuộc đời toàn vẹn, chẳng có nhiều điều phải hối tiếc, ngay cả lời hứa với Chiaki là sẽ sống cho tới khi cô bé trở thành người lớn bà cũng đã thực hiện. Còn chi tiết mình ấn tượng nhất thì chắc chắn là những lá thư. Đó là chi tiết đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với mạch truyện và tất cả các nhân vật trong "Mùa thu của cây dương", đăc biệt là cô bé Chiaki. Nội dung trong những bức thư là tình cảm của cô bé với bố còn cách mà Chiaki viết, cách mà cô gửi, cách mà cô nghĩ về nó lại là tình cảm mà cô dành cho bà cụ - "người đưa thư".

Cuốn sách thực sự rất hay, chan chứa tình người, Kazumi Yomoto cũng khắc  họa nội tâm nhân vật rất tốt. Mình nhất định sẽ tìm đọc thêm 2 cuốn nữa của Kazumi Yomoto là "Khu vườn mùa hạ" và "Organ mùa xuân".

Khá lâu rồi mới được đắm chìm vào một câu chuyện nhẹ nhàng mà lắng sâu trong "Mùa thu của cây dương". Mình có đôi chút bất ngờ sau khi khép cuốn sách lại. Trước giờ, cứ bị đóng đinh rằng văn học Nhật là ngột ngạt, bế tắc cùng cực nên không ngờ câu chuyện trong cuốn sách lại ý nghĩa và ấm áp đến như vậy- y như cái màu vàng óng của bìa sách.

Nhận được tin báo về cái chết của bà chủ khu trọ cũ, cô gái Chiaky tìm về Điền trang Cây Dương- nơi cô đã sống cùng mẹ trong gần 4 năm sau khi bố qua đời. Vậy là bao nhiêu ký ức tươi đẹp hiện về giúp cô bình tâm hơn ở hiện tại và có những quyết định đúng đắn hơn cho con đường mà cô đang chênh vênh chọn lựa.

(đọc tiếp...)

Cô bé 6 tuổi là Chiaky khi ấy cũng như những người thuê trọ trong khu căn hộ Cây Dương của bà cụ đã được sống những tháng ngày êm đềm và vui vẻ nhất. Bà cụ cô độc và khó tính ấy lại chính là nơi đã kết nối nhiều người, nhiều mối quan hệ. Cái trò viết thư cho người đã khuất mà bà cụ nghĩ ra, cứ ngỡ chỉ để an ủi cô bé Chiaky cô độc khi ấy, không ngờ lại trở thành liều thuốc tinh thần vực dậy biết bao người. Tim tôi như lắng lại khi chứng kiến những kỷ niệm bé xinh trong hồi ức cô bé Chiaky khi ấy. Từng hành động nhỏ, gom góp lại sau mỗi ngày đã tạo nên một "xóm trọ" nhỏ thật đặc biệt- nơi mà mọi người, không phải quá thân thiết, nhưng luôn sống với nhau bằng nghĩa tình ấm áp.

Nhất định tôi sẽ tìm đọc thêm Khu vườn mùa hạ và Organ mùa xuân của Kazumi Yumoto. Giọng văn nhẹ nhàng mà mượt mà, đúng gout của tôi quá đi mất.

Thông tin chi tiết
Tác giả Kazumi Yumoto
Nhà xuất bản NXB Văn Hóa - Văn Nghệ
Năm phát hành 12-2013
Công ty phát hành Nhã Nam
ISBN 8935235200890
Trọng lượng (gr) 300
Kích thước 20.5 x 13
Số trang 202
Giá bìa 42,000 đ
Thể loại