
Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo khó. Ngôi nhà xiêu vẹo, nhỏ xíu là nơi che chở cho sáu con người trong gia đình tôi. Những ngày mưa thì dột đủ chỗ, những ngày nắng thì lũ chúng tôi phải chui xuống gầm váng để ngủ tránh nóng. Ôi chao những ngày khốn khó! Nghĩ lại mà rùng mình.
Lo cho bốn đứa con đang tuổi ăn, tuổi học là một điều không dễ dàng chút nào với ba mẹ tôi. Tôi nhớ những lúc ba vắt tay lên trán suy tư, mẹ cũng trầm ngâm lo nghĩ. Thất mùa, đông con, cái nghèo bủa vây tứ phía.
(đọc tiếp...)
Nhưng những ngày ấu thơ vất vả, thiếu ăn, thiếu mặc ấy đã rèn luyện tôi thành một cô gái có tâm hồn nhạy cảm, biết rung động, biết yêu thương nhiều hơn.
Cả cái xã tôi lúc ấy chẳng có lấy một cái hiệu sách và còn quan trọng hơn là tôi chẳng có nổi mấy ngàn để thỏa khát khao của mình: Mua sách về đọc. Tiền ăn, mẹ tôi còn chạy vạy vất vả thì lấy tiền đâu cho tôi mua sách? Thế nên, thật sung sướng vô bờ nếu mỗi lần năm học mới sắp đến, cậu tôi lại cho mấy chị em tôi mấy bộ sách cũ để năm sau học. Tôi lao ngay vào những cuốn sách văn học, đọc ngay những tác phẩm trong đó. Ai đã từng trải qua cảnh nghèo, vượt qua những lúc thiếu thốn như tôi mới hiểu được cảm giác ấy tuyệt vời đến thế nào. Tôi hạnh phúc cầm quyển sách trong tay và say sưa, lâng lâng trôi theo các câu chuyện.
Rồi lớn lên, tôi vẫn luôn ấp ủ và cháy bỏng tình yêu văn chương. Giờ đây, tôi được đọc nhiều sách hơn, có điều kiện mua những cuốn sách mình thích và nhịp tim lại nhảy múa trước những tác phẩm hay. Tôi đặc biệt xúc động mãnh liệt trước những tác phẩm kể về tuổi thơ bất hạnh bởi tôi thấy mình trong đó, bởi tôi hiểu được cảm xúc nhân vật trải qua. Và rồi "Miền xanh thẳm" của Trần Hoài Dương đã gieo vào mảnh đất tâm hồn tôi một hạt giống thật quý báu.
Cảm xúc như sợi dây đàn đang gảy nên những khúc nhạc trầm bổng. Cuốn sách như một làn gió nhẹ ngọt ngào hương thơm, lần hồi mơn man những dòng cảm xúc trong tôi. Nó cuốn tôi đi mãi, đi mãi, đi mãi... Và rồi trong thế giới trong trẻo ấy, tôi gặp Thiện, chú học trò nhỏ xa nhà. Để được học mà không trở thành gánh nặng cho gia đình, em đã phải nai lưng ra đi làm cùng với những người bạn cùng phòng. Kéo xe, xếp gạch, xúc cát rồi phụ bếp. Mồ hôi chảy ròng, nhem nhuốc mặt mày, bữa cơm thường chỉ có rau, mấy tháng liền mới được ăn thịt. Rồi nỗi nhớ nhà, nỗi sợ cái nghèo cùng không khí ảm đạm của gia đình nghèo cứ ám ảnh, đeo bám Thiện dai dẳng. Tôi thấy phần nào tuổi thơ của tôi qua những trang sách nhỏ. Nhưng thuở còn cắp sách đến trường, tôi đâu đủ chín chắn như lũ trẻ, cũng chưa từng xa nhà mưu sinh như chúng.
Nhưng những thanh âm trầm buồn về cuộc sống của lũ trẻ nghèo đôi lúc lại lắng xuống nhường chỗ cho những âm bổng, ngọt ngào, tươi vui. Mây hồng, nắng ấm đã che đi những mảng màu xám xịt của đói nghèo, vất vả. Đó là sự yêu thương, ân cần của các thầy cô trong trường, đó là tình bạn, tình anh em khắng khít, hết lòng vì nhau của Thiện, bảo, anh Nhu... Tình người ấm áp là ngọn lửa nồng xua tan cái lạnh lẽo của số phận. Thế nên, cái sáng của đèn điện ở chỗ làm mà Thiện nghỉ lại cũng không thể sánh bằng cái mù mờ của ngọn đèn dầu mà mấy anh em Thiện quây quần bên nhau học bài, trò chuyện mỗi tối. Lam lũ nhưng ấm áp. Thương yêu biết mấy là những tình cảm chân thành ấy. Chẳng tiền bạc nào mua nổi những lời động viên nhau, những hành động bảo bọc, giúp đỡ nhau hàng ngày của lũ trẻ xa nhà đi tích lũy kiến thức.
Trên chiếc thuyền đời của những chú bé ấy, Trần Hoài Dương cũng đã đưa tôi về tuổi thơ của mình. Thiện, Bảo đi bắt cá, bắt ếch... với những mánh khóe của dân quê sao giống tôi thuở nhỏ quá đỗi. Tuy ở Sài Gòn, móng tay chẳng đụng đến đất, đời sống thoải mái hơn thuở xưa rất nhiều nhưng không có điều kiện vật chất nào đủ lớn mạnh để khiến người ta quên đi tuổi thơ như thế. Lấm láp, rũ rượi nhưng đó là những trang đời ngọt ngào, khó quên nhất.
Nghèo cũng được, kham khổ cũng chẳng sao. Thiện sẽ vượt qua nó để có thêm kinh nghiệm sống, để vững vàng hơn trong con đường viết văn. Một cậu bé nghèo nhưng luôn cháy bỏng tình yêu văn chương như một cây nến nhỏ bé nhưng lung linh trong đêm đen. Đặc biệt là trong thế giới ngày nay, khi người ta có nhiều thú vui khác ngoài đọc sách, ngoài văn chương, viết lách, cây nến ấy càng tỏa sáng hơn nữa.
Thật sự rất khó diễn tả hết những gì diụ ngọt mà tác phẩm đã mang lại. Một tác phẩm văn xuôi nhưng lại giàu chất thơ, hiện thực khắc nghiệt đan xen niềm vui với nụ cười giòn tan... Một tác phẩm mềm mại, ngọt ngào nhưng lại khó nắm bắt như một chiếc kẹo bông gòn... Một áng mây, một bầu trời xanh thẳm khiến ta mãi ngước nhìn.