Reviews 6

Lụa - Alessandro Baricco (nhà xuất bản Nhã Nam)

Có những tác giả nổi tiếng vì những câu chuyện mà họ kể qua những tác phẩm của mình (Tolstoy, Hugo, Dostoyesky,...) Và cũng có những tác giả nổi tiếng chỉ nhờ nghệ thuật viết của họ trong những quyển sách. Nói thế không có nghĩa là những gì họ kể trong sách của mình là hoàn toàn vớ vẩn và không tạo được hứng thú. Mà là câu chuyện đối với họ là không quan trọng. Cùng với nhiều tác giả hiện đại khác, Alessandro Baricco là kiểu tác giả ấy. 

(đọc tiếp...)

Trong Lụa, ông làm người đọc bất ngờ với cách viết siêu lạ, siêu khác biệt của mình. Quyển sách được chia là 65 'chương'. Bỏ trong ngoặc kép là vì một 'chương' có khi chỉ là 1 hay 2 câu thôi. Quyển sách chỉ vỏn vẹn 150 trang thôi thì tính trung bình một 'chương' có 2 trang thôi à, chưa kể là khổ sách nhỏ, font chữ thì to đùng và chừa lề cũng rộng rãi. Nhưng mặc dù ít chữ như vậy, quyển sách vẫn truyền tải thành công câu chuyện của người mua tằm từ Pháp, hàng năm sang Nhật để mua giống tằm tốt. Mỗi chuyến đi sang Nhật Bản, anh lại gặp lại cô gái có đôi mắt không giống phương Đông, quyến rũ và là lí do thầm kín khiến anh mỗi năm muốn đến Nhật Bản. 

Cách viết của Baricco nhiều khi làm người đọc tưởng đang đọc một cuốn thơ. Và khi đọc hết, đóng quyển sách lại thì thấy ngạc nhiên vì vẫn đọng lại cái gì đó từ một quyển sách ít chữ chưa từng thấy. 

Mình nghĩ đây không phải là quyển sách dành cho mọi người. Nhưng nếu bạn thích thú với những cách viết mới lạ và những câu chuyện kỳ lạ một tí thì có lẽ bạn nên thử đọc Lụa. Dù gì nó cũng ngắn lắm.

LỤA của Alessandro Baricco

7/10

(đọc tiếp...)

Một tiểu thuyết có vẻ ban đầu là về đàn ông, nhưng hoá ra lại là về đàn bà. Những người đàn ông của “Lụa” không khác gì những con rối trong tay những người phụ nữ quanh họ. Nhiều người nói “Lụa” là một câu chuyện tình, nhưng mình thấy hoàn toàn không phải vậy. Đây là một tiểu thuyết về sự ngộ nhận trong tình yêu, dục vọng, về sự yếu đuối và mạnh mẽ trước những quyết định của cuộc đời.

“Lụa” mở đầu với Hervé Joncour, một người nuôi tằm sống ở miền quê Pháp vào thế kỷ 19. Một dịch bệnh bí ẩn khiến lũ tằm chết hết, và Hervé Joncour phải lên đường sang Nhật Bản “ở tận chân mây cuối trời” để tìm trứng tằm khoẻ mạnh về. Tại xứ sở Á Đông này, ông đã gặp một người con gái bí ẩn và quyến rũ giống hệt như đất nước của cô. “Lụa” mở đầu với một bối cảnh vô cùng ảo diệu như lấy ra từ trong giấc mơ của nhiều đàn ông phương Tây như thế.

Hervé Joncour bị số phận thử thách nhiều lần. Thích chinh phục và ham muốn cái mình không có được, đây đều là những thứ rất quen thuộc ở đàn ông, Hervé Joncour cũng không phải ngoại lệ. Hết lần này đến lần khác, anh bị rơi vào hoàn cảnh phải chống lại bản năng. Nhưng khi anh cuối cùng cũng quyết định, cuối cùng cũng chọn một con đường, con đường ấy lại chẳng dẫn đến đâu. Thật bi kịch, người ta sẽ nghĩ vậy. Có điều, bi kịch lớn nhất không phải là cuộc săn đuổi tình ái giữa Hervé Joncour và cô gái Nhật Bản.

Bi kịch lớn nhất là những mảnh đời không trọn vẹn của chính Hervé Joncour, của người vợ Helène, của cô gái Nhật Bản, của ông trùm buôn lậu Nguyên Mộc, của Bạch Nương, của tất cả mọi người ở miền quê Pháp, của tất cả mọi người trong cái ngôi làng Nhật Bản. Ai cũng đuổi theo một tình yêu, một cuộc đời không thuộc về mình.

[Spoiler]

“Lụa” nhang nhác giống “Thiếu Nữ Đánh Cờ Vây” (Sơn Táp). Cả hai đều là những tiểu thuyết về một tình yêu ngộ nhận. Thật đáng tiếc nếu bạn đọc “Lụa” và chỉ nghĩ đơn giản đây là một câu chuyện chán cơm thèm phở điển hình. Mình nói vậy bởi vì đọc qua mấy review trên mạng về “Lụa” thấy thất vọng quá, ai cũng cho rằng Helène đã làm “thức tỉnh” chồng mình bằng những việc làm tinh tế. Ngán.

Helène thực ra đã sống một cuộc sống của riêng cô xuyên suốt tiểu thuyết này, bằng những chi tiết vô cùng hững hờ mà Alessandro Baricco đã lựa chọn. Cô đã ngoại tình, đã đau khổ, đã hạnh phúc, đã có một cuộc phiêu lưu hoàn toàn tách biệt với Hervé Joncour trên mỗi chuyến đi Nhật Bản của anh. Một nhân vật vô cùng mạnh mẽ và chủ động, trái ngược với Hervé Joncour yếu đuối và bị động. Helène hoàn toàn không giống mẫu phụ nữ hy sinh nhẫn nhịn vì chồng con, và cô cũng chẳng làm ai thức tỉnh cái gì hết. Mình thích cô ta biết bao. 

Đây không phải bài review sách mà là bài chia sẻ cảm nghĩ cá nhân của Biển sau bốn lần đọc cuốn Lụa, nên bài viết này không có giá trị tham khảo để quyết định mua / đọc sách hay không.

Lần đầu Biển đọc cuốn Lụa là do Mẹ mua bản của Nhã Nam phát hành, lúc đó tuổi còn nhỏ nên nghĩ rằng đó là một kiệt tác văn chương. Vì quá yêu thích nên Biển xin Mẹ mua luôn cuốn “Đại dương biển” của cùng tác giả, và “Đại dương biển” là một trong những yếu tố nền tảng quan trọng góp phần hun đúc tình yêu viết lách nơi Biển, cũng là một trong những nguồn Biển đã học phong cách viết văn. _____ Vì lúc trước chưa gia nhập các group sách, chưa quen nhiều bạn trong giới đọc sách nên Biển không biết rằng lẽ ra nên mua cuốn Lụa của NXB Trẻ, do dịch giả Quế Sơn dịch 20 năm trước, vì bản của Nhã Nam được một BTV có trình độ nhận xét rằng dịch sai khá nhiều. 20 năm sau, dịch giả Quế Sơn đã luôn chiêm niệm và từng chút từng chút sửa lại bản dịch Lụa kỹ lưỡng hơn nữa, đúng hơn nữa, do đó khi thấy Phanbook thông báo phát hành cuốn này, cộng với bài giới thiệu sách quá mê hoặc được viết bởi nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên, Biển đã âm thầm quyết định sẽ mua bản dịch mới, bất chấp giá của Phanbook kakaka.

(đọc tiếp...)

Cần thành thật nói rõ hai điều:

__ Lúc nhỏ Biển đọc Lụa thì rất thích, bây giờ chưa già nhưng đọc lại thấy hết thích.

__ Dù biết bản dịch của Nhã Nam có nhiều chỗ sai, nhưng từ cảm nhận cá nhân thì Biển thấy bản dịch của NN vừa có tính văn chương vừa có chất nhạc họa, đôi chỗ câu cú đẹp như lời thơ, cho nên Biển thích bản của NN hơn, và vui vì đã mua được khi nó chưa hết hàng!

>> Hic, cùng thời điểm đó, ước gì Biển biết để mua toàn bộ sách đã xuất bản tiếng Việt của Lee Child và David Baldacci thì bây giờ Biển sở hữu kho báu rồi…..

Trở lại với Lụa, đây là câu chuyện về một anh chàng người Pháp 24 tuổi sống tại vùng quê thanh bình của nước Pháp, với người vợ trẻ có giọng nói mềm mượt như nhung lụa. Kế sinh nhai của cư dân ở vùng quê này là trồng dâu nuôi tằm kéo tơ bán lụa. Khi nguồn cung ứng trứng tằm trở nên khan hiếm do các biến cố thời cuộc, anh người Pháp được hiệp hội tơ lụa của thị trấn góp tiền để đi một chuyến sang nước Nhật – vùng đất phương Đông kỳ bí bên kia thế giới để mua trứng tằm. Tại một vùng làng quê hẻo lánh của Nhật, anh ta đã bị quyến rũ toàn phần bởi nữ chủ nhân – vợ của vị lãnh chúa người bán trứng tằm cho anh. Số trứng tằm đem về đã giúp cho việc kinh doanh của quê hương anh trở nên cực thịnh. Anh lại tiếp tục được nhận kinh phí của đồng hương – đồng nghiệp để đi sang xứ Phù Tang mua trứng tằm, đồng nghĩa với có cơ hội gặp lại người phụ nữ Nhật mà anh ngày nhớ đêm mong.

Theo quan niệm của độc giả đọc Lụa với tinh thần yêu văn chương Ý, yêu cái đẹp, thì đây là một câu chuyện tình; nhưng lý do Biển hết thích nó vì Biển cho rằng đây là một câu chuyện ngoại tình. Lúc đọc truyện, người vợ (nữ chính 2) trong hình dung của Biển là một người đàn bà mờ nhạt, không có gì đặc sắc trừ giọng nói êm dịu. Nhưng lúc xem phim, có lẽ đạo diễn muốn thu hút toàn bộ sự chú ý của khán giả vào người vợ, nên nhân vật này do Keira Knightley đóng, kết quả là Biển chẳng hề nhớ mặt cô gái Nhật lẽ ra vốn là nữ chính 1 (chắc chỉ là nữ chính 1 trong lòng nam chính thôi). Sau 20 năm đọc lại, Biển chán ghét anh chồng người Pháp, đã có vợ hiền tại quê nhà nhưng lúc viễn du lại lạc lòng với vợ người khác. Tư tưởng ngoại tình này tồn tại rất lâu, vì đến gần cuối truyện, sau bốn chuyến đi Nhật và tích góp được gia tài khổng lồ, anh ta mua đất – xây vườn – dựng một lồng chim rất lớn. Lãnh chúa người Nhật đã giải thích cho anh rằng “số chim trong lồng tượng trưng cho sự chung thủy của người tình”, mà khi vợ của lãnh chúa biết anh người Pháp đã vượt ngàn dặm xa xôi trở lại mua trứng tằm, cô ấy đã thả hết chim trong lồng để bày tỏ sự vui mừng, để thể hiện rõ rằng cô ấy không muốn chung thủy với chồng nữa. Về sau, anh ta dựng lồng chim trong khu vườn của mình rõ ràng là để hoài niệm người phụ nữ Nhật ấy. Ngoại tình tư tưởng, còn ngoại tình trong thời gian dài, trong khi vợ anh ta ở nhà phải quán xuyến nhà cửa, vừa ôm nỗi cô đơn xa chồng vừa trằn trọc nỗi lo liệu chồng có “ăn chả” với phụ nữ khác hay không.. (trong trường hợp này là ăn sashimi chứ không phải chả).

Dù hết thích cuốn Lụa, nhưng khi được bạn BTV cuốn này tha thiết mời tham dự talkshow về Lụa, diễn giả là dịch giả Quế Sơn và nhà văn – nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, Biển hào hứng sắp xếp thời gian để đi. Dịch giả Quế Sơn đã giải thích rằng Alessandro Baricco viết cuốn Lụa giống như soạn một khúc opera, mỗi giai đoạn trong đời nhân vật chính cũng giống như từng hồi của một vở nhạc kịch. Dịch giả cũng giãi bày rằng trong bản dịch do NXB Trẻ phát hành cách đây 20 năm, lá thư cuối truyện bị cắt – không in vì lý do thuần phong mỹ tục, nhưng dịch giả rất vui và tâm đắc vì đến bản của Phanbook, lá thư đã được phép in, do đó tô đậm thêm chất tình, nêm thêm vị mặn cho câu chuyện. Cá nhân Biển cho rằng vì có nội dung bức thư đó nên cuốn Lụa lẽ ra phải dán nhãn 18+, nhưng thời đại này mà dán nhãn gì nữa, 13 tuổi cũng đọc tuốt. ____ Bác Quế Sơn cũng đã bỏ rất nhiều công sức để dịch địa danh và tên người trong tiếng Nhật từ Romaji sang Hán Việt, dễ đọc đối với độc giả Việt. Nhưng Biển thì thích Romaji hơn, đọc trinh thám Nhật nhìn Romaji quen mắt rồi, tên 8 âm tiết Biển cũng chẳng sợ.

Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu nói rằng Lụa không phải chuyện ngoại tình mà là chuyện tình, còn là chuyện tình giữa nam chính với vợ chứ không phải với người phụ nữ Nhật kia. Làm sao mà chuyện tình với vợ được khi anh ta đã giàu có thì xây vườn Nhật, dựng lồng chim, chẳng có hành động nào là vì vợ. Những chuyến đi ngao du nghỉ dưỡng của hai vợ chồng thực chất cũng đâu phải 100% để đem lại niềm vui cho người vợ. Nếu người vợ có thưởng thức được những chuyến nghỉ dưỡng ấy, nếu nàng có vui, thì chỉ vui 50% thôi. Cho nên, Biển đồng ý với tất cả những điều bác Nhật Chiêu nói trong buổi talkshow, trừ chuyện “Lụa là chuyện tình giữa nam chính với vợ”.

Tuy hết thích Lụa rồi nhưng Biển phải công tâm nhận xét rằng đây là một tuyệt phẩm kết hợp phong cách cổ điển và hiện đại, mỗi chương rất ngắn, phần chừa trống trên mỗi trang khá nhiều, đúng kiểu âm thanh của sự im lặng, hay như lời tác giả nói rằng đó là “âm nhạc trắng”. Dù nội dung truyện không mang tính giáo dục cao (ngoại tình sao mà giáo dục được?!) nhưng cả cốt truyện và phần dịch thuật đều được nên đọc, nhất là bởi những ai đang muốn luyện tập và nâng cao kỹ năng viết văn. Theo Biển, văn phong của cả tác giả và dịch giả đều là hình mẫu tinh chỉnh cho “nét đẹp của sự tối giản”.

Có những quyển sách không nên bỏ qua trong đời, tuy cuốn Lụa bỏ qua cũng được nhưng các bạn đừng bỏ qua hén, hãy cứ thưởng thức một kiệt tác văn chương và rút ra cho mình quan niệm đúng đắn về sự chung thủy. Riêng Biển, sau buổi talkshow về cuốn Lụa, Biển được truyền cảm hứng và nung nấu ý định tìm đọc Truyện Kiều bằng tiếng Anh và tiếng Nhật. Ai biết bản dịch Truyện Kiều nào vừa hay vừa giàu chất thơ (không cần đúng nguyên tác lắm) thì vui lòng giới thiệu cho Biển, Biển cảm ơn nhiều ạ.

(Sea, 14-4-2021)

“Lụa” được diễn đạt một cách tinh tế văn phong tuyệt vời của Baricco. Thật dễ dàng để đồng hành cùng nhân vật chính là Herve Joncour trong những chuyến đi khó khăn và tận hưởng sự thú vị đang chờ đợi ở cuối chuyến hành trình. Khi đọc, tôi dường như thấy được những con chim kỳ lạ bị nhốt trong lồng giống một món quà để tặng cho người thương và sự sang trọng bá đạo của nhà ông trùm địa phương. Điều đặc biệt là tôi có thể cảm nhận được tình cảm say đắm giữa hai người yêu nhau mặc dù cơ thể họ vẫn mãi mãi tách biệt. Một cái liếc mắt thay thế cho một nụ hôn thắm thiết. Một tách trà nhấm nháp ở cùng một vị trí giống như tượng trưng cho cái ôm thắm thiết dành cho nhau.

Baricco đã sáng tạo ra một câu chuyện không có quá nhiều sự thay đổi trong tâm lý nhân vật, không có sự đảo ngược của tình huống, không có sự thoải mái cho những hy vọng rõ rệt của tương lai. Khi đọc cuốn sách, tôi đã hiểu rằng tác giả muốn chúng ta bỏ qua tất cả sự bận tâm và điểm mù trong tâm trí để tấm lòng có thể rộng mở mà đón nhận câu chuyện. Nếu hạnh phúc có thể được tìm thấy trong sự tồn tại đơn thuần của một thực thể khác, một quốc gia hoặc một người yêu đặc biệt nào đó thì khoảng cách địa lý không còn quan trọng. Đó là một sự thành công đặc biệt để viết ra câu chuyện tình yêu chân thật nhất ở “Lụa” mà Baricco đã làm. Nhìn chung, tôi thích cách tác giả xây dựng cốt truyện như thế này, nhẹ nhàng nhưng đầy ý nghĩa, khiến độc giả phải ngậm ngùi nhiều sau khi khép lại trang sách cuối cùng. 

Lụa

Alessandro Baricco

(đọc tiếp...)

Harve Joncour là một người ươm tằm dệt lụa tại Lavilledieu , một thành phố nhỏ của Pháp. Trong lúc bệnh dịch có nguy cơ làm chết hết bầy tằm Herve Joncour đã lên đường qua Nhật Bản để mua trứng tằm.

Trải qua khá nhiều khó khăn anh đã tìm được Hara Kei một ông chủ bán trứng tằm ở một nơi khá hẻo lánh trên đất Nhật. Anh đã mua được thứ mình cần mua, điều đáng nói là anh đã gặp 1 phụ nữ đặc biệt-người thiếp của Kei, lý do để sau này anh trở lại Nhật Bản - anh đã cùng cô uống 1 cốc trà giao môi rất đặc biệt -cô uống ly trà đó đúng nơi miệng anh vừa uống lúc trước...

Mối tình của họ nóng bỏng nhưng hoàn toàn câm lặng...

Chuyện tình của của họ kết thúc khi Kei phát hiện ra và di chuyển toàn bộ ngôi làng của ông vào sâu trong rừng. Herve khi qua Nhật Bản anh đã đi tìm họ rất lâu.

Khi may mắn tìm được cậu bé trong làng dẫn đến chỗ họ anh đã nhận được một lời nhắn tàn nhẫn : cậu bé đã bị treo cổ ...

Câu chuyện là như vậy. Tập sách mỏng nhưng được viết bằng 1 giọng văn trau chuốt, tao nhã và huyền bí. Tựa như một viên ngọc quý được rèn giũa bởi một người thợ lành nghề.

Cô đọng, chắt lọc từng chi tiết, Lụa gợi tưởng tượng về một bức tranh nhỏ, một cuộc sống bị nén lại trong từng trang sách. Lụa của Alessandro Baricco đã khơi dậy niềm đam mê văn học Ý trong lòng độc giả , đặc biệt là văn học Ý đương đại .

Alessandro Barico là một tác gia người Ý cực kỳ nổi tiếng trên văn đàn châu Âu. Chính Lụa đã góp phần làm nên danh tiếng cho ông...

Thông tin chi tiết
Tác giả Alessandro Baricco
Nhà xuất bản Nhà Xuất Bản Đại Học Kinh Tế Quốc Dân
Năm phát hành 04-2010
Công ty phát hành Thái Hà
ISBN 8936037793627
Kích thước 13 x 20.5 cm
Số trang 236
Giá bìa 60,000 đ
Thể loại