Giới thiệu sách
Được đóng góp bởi OBook Team

Làm Thế Nào Để Đọc Sách Hiệu Quả

Cuốn sách dành cho tất cả mọi người, là cuốn sách đầu tiên nên đọc trước bất kỳ mọi cuốn sách khác. Suy cho cùng, người đọc, không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt nơi cư trú đều dễ dàng tiếp cận đến những tài liệu đọc giá trị mà họ mong muốn, để họ có cơ hội cải thiện chính cuộc sống của mình.

Cuốn sách trước hết là tập hợp những bài chia sẻ của những người đọc tiêu biểu, đại diện cho các thế hệ, sắp sắp xếp khoa học, logic thành 6 chương sẽ giúp bạn hiểu chi tiết về từng thao tác tư duy trong việc đọc sách hiệu quả.

Nếu một người có thói quen đọc, nhưng thiếu kỹ năng đọc, hiệu quả đọc không cao, thậm chí không mang lại hiệu quả, mất thời gian, công sức vô ích.

Nếu nắm vững kỹ năng đọc sách, nhưng không tạo được thói quen đọc, cũng chẳng thu lượm được kiến thức là bao, thiếu những kiến thức cần thiết cho cuộc sống của chính họ.

Kỹ năng đọc là sự thể hiện tổ hợp những thao tác tư duy được xác lập thành thói quen ứng xử đọc. Các thao tác tư duy đó là:

Reviews 3

Thích:

- Được tham khảo quan điểm của nhiều người có kinh nghiệm (riêng) về việc đọc và văn hóa đọc.

(đọc tiếp...)

- Tham khảo thêm được một số tên sách hay các thể loại.

- Phần tạo văn hóa đọc cho con trẻ trong gia đình rất thú vị.

- Quan điểm, thông tin phản ánh tính thời đại.

- Được nhắc và sẽ thực hiện 1 số điều nên làm khi đọc sách (ghi chép, review sau khi đọc).

Không thích:

- Vì nội dung sách là tập hợp quan điểm riêng của 1 số người nên nhiều quan điểm theo tôi là cá nhân và , và chắc chắn mỗi người đọc lại có kinh nghiệm riêng khác nữa, nên cái tiêu đề con "Cẩm nang đọc sách dành cho người Việt" nghe tự đề cao quá. Liên tưởng đến nhiều tác giả lớn mà vô cùng khiêm tốn, chính việc độc giả công nhận, tôn vinh mới làm nên sự nổi tiếng của họ.

- Do tập hợp nhiều bài của các tác giả khác nhau, ngoài 6 tác giả chính còn nhiều bài lấy từ web, nên như hội thảo, mặc dù có sắp xếp nhưng không thể nhất quán, chặt chẽ được.

- Một số bài lấy từ web (vd tramdoc.vn), không để tên tác giả, ít ra cũng phải để nguồn từ đó dịch ra (vd bài Kỹ năng đọc được nhiều sách, tham khảo từ http://tramdoc.vn/tin-tuc/muon-doc-nhieu-hon-hay-lap-list-nxa4W.html, theo tôi nên để để thêm tiêu đề và link đến bản gốc Book lists really do help you read more https://medium.com/@Riffle/book-lists-really-do-help-you-read-more-78c59154bd81

- 1 số lỗi chính tả, trình bày, vd trang 55 viết nhầm tên cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần thành Huy Cần, trang 107 Michael Ende viết thành Micheal. Phần phụ lục cũng chưa được trau chuốt đúng mực, cách trình bày tên sách, tên tác giả không thống nhất, có sách được liệt kê 2 lần, nhiều quyển đã có tựa tiếng Việt nhưng chỉ để tiêu đề tiếng Anh.

Trang 190, dòng 8 thiếu chữ làm câu đó không hoàn chỉnh, cần thêm "phân biệt" vào giữa 2 chữ "phải những".

- Một tác giả được trích dẫn những 2 lần dưới tiêu đề các bài viết là Lâm Ngữ Đường mà quyển rất hay của ông là Sống đẹp (http://obook.co/book/song-dep) do Nguyễn Hiến Lê lược dịch từ quyển "The importance of Living" lại không được nêu ở bất cứ chỗ nào trong sách (2 câu trích nói trên cũng trong phần bàn về Sách và đọc sách), quyển này tôi tâm đắc với cụ Lê đúng là "nghệ thuật sống", ở một tầm cao hơn hẳn với các sách mang tính "kỹ thuật sống".

- Phụ lục Những cuốn sách nên đọc:

Ngoài lỗi trình bày, 3 điểm về nội dung tôi thấy không thích nhất là:

+ Sách nước ngoài lấn át, và mang nặng "gu" của 1 vài tác giả, trong khi danh mục nào cũng có tác phẩm Việt kinh điển. Như sách thiếu nhi mà không có Tô Hoài, Phùng Quán, Sơn Nam, Trần Đăng Khoa, không có Kho tàng chuyện cổ tích Việt Nam. Cẩm nang đọc sách dành cho người Việt mà trong danh mục Sách lịch sử nên đọc, không có quyển nào cho Lịch sử Việt Nam! Cả trong nội dung các bài cũng chỉ đề cập 1 vài tên sách.

+ Thiếu các mảng quan trọng mà vẫn không quá chuyên ngành là Triết học/tư tưởng, Sức khỏe, sử thi, thần thoại các dân tộc, văn học dân gian Việt Nam: Ca dao, tục ngữ, vè, truyện cổ tích, truyện cười dân gian.

+ Mỗi phân loại chỉ giới thiệu 10 quyển nên rất hạn chế.

Kết luận: 3.5 sao lên 4

Quan điểm cá nhân:

Nói chung, cứ để tâm tìm thì sẽ thấy, đọc sách hay kết bạn đều có "duyên" cả. Đọc sách cần có chính kiến, xem xét trước khi tin/làm theo, trong quyển sách dở mà nhặt được những điều hay, phù hợp với mình cũng là tốt.

Về tự học và đọc sách, trong quyển này có đề cập quyển "Tôi tự học" của cụ Nguyễn Duy Cần mà cụ Nguyễn Hiến Lê có quyển "Tự học, một nhu cầu của thời đại"(https://www.goodreads.com/book/show/12409110-t-h-c---m-t-nhu-c-u-th-i-i) tôi cho là rất hay, rất đáng giới thiệu, trong đó đề cập việc đọc sách rất sâu sắc. Ngoài ra, xem thêm quan điểm của các tác giả khác về việc đọc. Như quyển "Đọc sách như một nghệ thuật" (How to read a book, tác giả Moritimer J. Adler và Charles Van Doren) được 1 tác giả ca ngợi nhưng tôi đọc dở rồi để đấy, quyển này và quyển "Effortless reading" của Vu Tran (https://www.goodreads.com/book/show/27659114-effortless-reading) phù hợp cho việc đọc sách lấy kiến thức (non fiction) hơn là thưởng thức và quan trọng nhất là thường xuyên tự vấn mình ;)

Xin kết bằng câu nói của cụ Lâm Ngữ Đường cũng về sách mà tôi rất tâm đắc:

Trên thế gian này không có cuốn sách nào mà ai cũng phải đọc, chỉ có những cuốn sách mà một cá nhân phải đọc vào một thời điểm ở một nơi nhất định trong một hoàn cảnh nhất định, và vào một giai đoạn trong cuộc đời.

There are no books in this world that everybody must read, but only books that a person must read at a certain time in a given place under given circumstances and at a given period of his life.

Mình nghĩ các bạn nên đọc quyển này nói riêng và các sách cùng thể loại tương tự như dạy kỹ năng đọc, chọn lựa sách trước khi trở thành 1 người đọc thực thụ. Như thế sẽ có ích hơn cho chúng ta. Đọc trước để tránh sa đà vào những việc sẽ làm con đường đọc sách của chúng ta kém hiệu quả, thậm chí là phí phạm, sai lầm. Cái gì cũng vậy, biết "cách" thì thực hiện nó dễ dàng và năng suất hơn. Cùng là 1 người thợ mộc nhưng người thì khéo léo vận dụng những phương pháp, kỹ thuật khác nhau bên cạnh ngón nghề đã học thì tương lai sẽ rộng mở hơn, phát triển hơn, có nhiều cơ hội hơn là người chỉ đơn thuần ứng dụng những gì theo bản năng, cảm nghĩ, không qua trui rèn, trường lớp, không có sáng tạo, linh hoạt.

Mình hiện tại là người thợ thứ 2 như thế.

(đọc tiếp...)

"Làm thế nào để đọc sách hiệu quả?" gồm nhiều người viết, trong đó có chị Rosie Nguyễn - tác giả của quyển self-help lọt top bestseller thời gian qua : "Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu". Mình biết đến quyển sách này khi chị công bố ngày sắp phát hành nó ở trang cá nhân. Và vì ấn tượng với tác giả Rosie Nguyễn nên mình quyết định mua. Thật sự mà nói văn phong của chị chưa có gì đặc sắc, đối với mình. Thời gian đầu đọc "Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu" mình cuồng lắm nhưng qua thời gian lại thấy nó rất bình thường. Tuy nhiên, cái hay của Rosie Nguyễn là những chia sẻ của chị rất thật, rất có ích, rất cần thiết.

Cái tên nói lên tất cả, "Làm thế nào để đọc sách hiệu quả" là 1 cẩm nang toàn diện và tương đối phù hợp cho người Việt về cách đọc cũng như chọn lựa và bảo quản sách, cả việc gieo niềm đam mê, lan tỏa văn hóa đọc đến người xung quanh. Sách được chắp bút bởi tất cả là 6 người viết, đều là những người làm việc trong hoặc liên quan đến lĩnh vực viết lách và dĩ nhiên là những người ham mê đọc sách với số lượng quyển mỗi năm ấn tượng. Chắc nhờ những người như vầy mà thống kê về sách trung bình người Việt đọc trong 1 năm mới có được số dương, không thì âm luôn rồi. =))

Với tất cả chỉ vỏn vẹn 223 trang giấy, "Làm thế nào để đọc sách hiệu quả" bao gồm rất rất nhiều mẹo, kỹ năng về sách. Nào là định nghĩa về sách, người đọc sách, người đọc ít hay nhiều ; cho đến kỹ năng đọc như cách lựa chọn sách ra làm sao cho phù hợp và có hiệu quả, phương pháp đọc nhanh mà vẫn hiểu được ý, rồi cả mẹo bảo quản cũng như "cấp cứu" những quyển sách xui xẻo đang "hấp hối", tìm đọc sách miễn phí,... Không những thế, nội dung còn đề cập đến các vấn đề có nhiều quan điểm trái chiều như sách đắt hay rẻ, đọc sách để làm gì, có nhất thiết phải đọc sách không, internet liệu có thay thế được các quyển sách, sự khác nhau giữa người có đọc sách và không đọc sách, phân biệt giữa đọc sách để giải trí với đọc để nâng tầm hiểu biết,... Và rất rất rất nhiều những điều thú vị khác.

Trong 6 tác giả, mỗi người có vai trò ở 1 chủ đề riêng. Tác giả Lâm Hạ và Dương Linh thì chuyên về phương pháp, kỹ năng đọc ; tác giả Nguyễn Cảnh Bình và Nguyễn Thụy Anh chuyên về phân tích, đánh giá các khái niệm, định nghĩa sách ; tác giả Rosie Nguyễn chia sẻ đam mê đọc ; tác giả Nguyễn Hoàng Ánh phụ trách chủ đề sách và trẻ em. Sự phân chia rõ ràng như thế làm nội dung sách phong phú, đa dạng cả về lĩnh vực lẫn văn phong, cách nhìn, quan điểm. Nói chung là toàn diện.

Ở quyển sách này, cảm giác của mình là phần của người viết Nguyễn Cảnh Bình và Rosie Nguyễn chiếm phần nhiều, nhưng mình thích phần của chị Rosie Nguyễn hơn (thì đã nói mình mua quyển này chủ yếu vì có chị mà :)))) ), phần của người viết Nguyễn Cảnh Bình mình thấy văn phong nó hơi hơi lộn xộn và không mạch lạc lắm, không hợp với mình. Người viết Lâm Hạ cũng vậy.

Xét về tổng thể, "Làm thế nào để đọc sách hiệu quả" ổn. Tuy nhiên, cũng không cần thiết cứ nhất nhất phải theo y chang như trong sách viết, cố ép bản thân phải thực hành bằng được tất cả những kỹ năng có đề cập. Mỗi người có 1 cách tiếp cận với sách riêng, tiếp nhận với tri thức riêng, hãy thử rồi chỉ chọn lọc những cái hợp, hiệu quả và trong khả năng của bản thân.

Đánh giá: 6.0/10. RẤT ĐÁNG THAM KHẢO.

- Nội dung:

Đề cập tất tần tật mọi thứ về sách. Đọc quyển này để về sau đọc các quyển khác hiệu quả hơn. Trước khi kết thúc, còn có 1 phần phụ lục về các tác phẩm nên đọc, đa số là kinh điển, ít sách nào mới, nhưng thế cũng khá thích. Đọc quyển này lại biết thêm được nhiều quyển hay khác để chinh phục tiếp.

- Hình thức:

+ Tựa bình thường, hơi dài. :))

+ Bìa bình thường

+ Chất lượng sách: rất tốt. Thơm, trắng mịn, cứng cáp. Đọc mà ngửi mãi thôi. =))

+ Lỗi type: gồm các trang 55 (tác giả Thu Giang - Nguyễn Duy Cần, không phải Nguyễn Huy Cần), 155 (thiếu dấu " " " và dấu " . "), 125 (tưởng tượng), 143 (chứa chan), 144 (đặt sai chỗ dấu " " "), 194 (thư viện online - thiếu "online"), 202 (thế giới - dư 1 "thế"), 204 (sau dấu "?" không viết hoa).

Truyện lấy bối cảnh nông thôn thời kì sau cách mạng văn hóa (tương đương với hồi cải cách ruộng đất bên mình).

Tớ đã từng đọc một ít tác phẩm về thời kì sau cách mạng, có những quyển tung hô cách mạng như một cái gì đấy thần kì lắm, nó có sức mạnh lay chuyển núi sông, giải phóng con người để làm chủ thiên nhiên, làm chủ vận mệnh. Có quyển lại bảo cách mạng là dịp những kẻ xấu xa ti tiện thừa cơ trục lợi làm hại người vô tội. Nói chung là thượng vàng hạ cám, chỉ có điểm chung duy nhất là không quyển nào thực sự nói đủ cả hai mặt tốt xấu của thời kì đó, quyển nói tốt thì sẽ cực kì tốt mà quyển bảo xấu thì xấu vô cùng.

(đọc tiếp...)

Bình Nguyên của Tất Phi Vũ thì sao nhỉ? Nó cho bạn ăn đường ngọt thanh thơm mát, rồi cho ăn muối mặn chát ghê người, mặn mặn ngọt ngọt cứ luân phiên cho đến khi không thể phân biệt được nữa. Là sao hả, để tớ nói kĩ hơn nhé!

Tiểu thuyết kể về những con người làng họ Vương. Những người này, nói họ xấu thì họ xấu vô cùng, nhưng như thế không đúng, lại nói họ tốt, thì cũng chả phải, vì xấu xấu tốt tốt thì họ mới đúng là con người. Nào có ai chỉ tốt cả đời, cũng chẳng ai xấu xa suốt kiếp, bạn nhỉ. :)

Tiểu thuyết miêu tả tỉ mỉ lối sống của người nông dân, cách nghĩ thật thà mà rất tỉnh, cách sống dòm ngó mà lại có tình. Những người nông dân tận hưởng cuộc sống như này bạn thấy có thú không:

Dài quá nên tớ cắt sang wordpress rồi nha, bạn muốn đọc đoạn ấy thì vào đây:

https://cindy2509.wordpress.com/2017/04/05/review-binh-nguyen-cua-tat-phi-vu/

Tóm lại thì Bình Nguyên là một quyển sách mà bạn nên đọc nếu muốn có góc nhìn đa chiều về một thời kì lịch sử đầy biến động của "những người con cách mạng". Và Bình Nguyên không phải là một tác phẩm đơn giản, mỗi người đọc sẽ có cho mình một góc nhìn khác nhau, nên đừng để review của tớ ảnh hưởng đến cái nhìn của bạn, thật sự thì tớ vẫn chưa nói hết một phần ba những gì tớ rút ra đâu, review truyện này xong mà vẫn thấy mông lung quá thể. :D

Vì Việt Nam mình có nhiều nét tương đồng về bối cảnh lịch sử và văn hóa với Trung Quốc nên đọc truyện Trung mà cứ như đang đọc truyện về nước mình ấy. :)

Nói thêm là quyển này mình mượn ở thư viện Đại học Ngoại ngữ nên bạn nào muốn đọc thì có thể lên đó mượn nhé. À mà mình chưa trả đâu nha.

Thông tin chi tiết
Tác giả Nguyễn Cảnh Bình, Nguyễn Thụy Anh, Dương Linh, Rosie Nguyễn, Nguyễn Hoàng Ánh
Nhà xuất bản Nhà Xuất Bản Công Thương
Năm phát hành 08-2017
Công ty phát hành Alphabooks
ISBN 2435661632297
Kích thước 13 x 20.5 cm
Số trang 224
Giá bìa 82,800 đ
Thể loại