
Đã có quá nhiều những bài viết nói về triết lí ẩn giấu ở “hoàng tử bé”, một câu truyện chiến tranh hay những suy nghĩ về người lớn. Nhưng mình chỉ muốn đọc và viết về hoàng tử bé, như cách của một đứa trẻ.
Đến giờ mình vẫn không hiểu sao cậu bé trong câu truyện lại được gọi là hoàng tử bé. Cậu không phải là con của một nhà vua. Hành tinh cậu ở chỉ bé như một ngôi nhà. Ở đó có một bông hồng và ba ngọn núi lửa, một ngọn đã ngưng hoạt động. Mỗi ngày cậu đều vệ sinh bản thân sau đó vệ sinh hành tinh bằng cách tìm kiếm các cây bao báp con và nhổ chúng, bao báp đúng là một mối nguy lớn cho hành tinh của cậu.
(đọc tiếp...)
Cậu bé cũng giống như hàng ngàn bé trai khác. Nhưng tác giả gọi cậu là hoàng tử bé tự nhiên như cậu chính là hoàng tử của ông vậy. Có lẽ cậu bé đã “thuần hoá” được ông. Với ông, cậu là duy nhất trên đời. Ông thì không cần điều này, nhưng gọi hoàng tử bé là cách để giúp người đọc phân biệt cậu với các cậu bé khác. Hẳn nhiên, ông đã hoàn toàn thành công. Với mỗi người từng đọc, tất cả đều rõ ràng ai là người được nhắc đến khi nói hoàng tử bé: cậu bé con với mái tóc vàng, chiếc khăn màu vàng, nụ cười toả sáng, chẳng bao giờ trả lời khi được hỏi nhưng chưa bao giờ bỏ lửng một câu hỏi nào một khi đã đặt ra. Cậu bé mà với cậu “những người lớn đúng là buồn cười quá thể”. Và mình phải công nhận với cậu, là tất cả bọn họ đều rất đáng cười.
Sau này khi làm mẹ chắc chắn mình sẽ đọc cho con nghe cuốn sách này, đơn thuần chỉ để bé cười và nhắc mình nhớ rằng mình cũng từng là trẻ con, quên đi áp lực từ những việc “buồn cười” và “kỳ lạ” mà mình đang làm. :)
Với mình thì đây là một cuốn sách đáng yêu dù có chút ảm đạm. Chắc mình cũng bị cậu “thuần hoá” mất rồi, “hoàng tử bé” của mình.
Đánh giá: 9/10