
Nghe danh Tanizaki đã lâu, nay mới đọc cuốn đầu tiên. Những lời đồn đại mình nghe về ông quả không sai, khi đọc cuốn sách mình không khỏi choáng váng.
Tác giả thật táo bạo khi xây dựng một tình huống truyện vượt xa những quan niệm của văn hóa Á Đông xưa nay: Một gia đình trí thức, bề ngoài nề nếp gia phong theo đúng truyền thống xã hội Nhật Bản nhưng bên trong là những nhân vật với những ẩn ức tình dục nhuốm màu bệnh hoạn.
(đọc tiếp...)
Chọn hình thức lần lượt là những trang nhật ký hết của người chồng đến người vợ, cuốn sách hé lộ cho ta thấy những bí mật sâu kín nhất. Ở đó, không chỉ cái tôi cá nhân có cơ hội được bung tỏa, mà cả những nhu cầu bản năng nhất của con người cũng được phơi bày. Để đạt được mục đích của mình, họ sẵn sàng bất chấp cả tình cảm gia đình, cả luân thường đạo lý, thậm chí cả tính mạng cũng được đem ra đánh đổi. Từng đường đi nước bước của các nhân vật trong truyện đều được tính toán kỹ lưỡng, tới mức khi trang sách khép lại, mình cứ tự hỏi, rốt cuộc trong 4 người họ thì ai gài bẫy ai? Kẻ nào cao tay hơn trong câu chuyện tình tréo ngoe này?
Tuy vậy, mình vẫn đánh giá “Hai cuốn nhật ký” ở mức 4 sao (không đến mức xuất sắc như nhiều bạn ngợi ca, song nó rất độc đáo). Tác phẩm có hành văn gọn ghẽ với phần dịch tiếng Việt rất mượt mà. Cốt truyện có sự đồi trụy nhưng không thô thiển mà đi sâu vào ẩn ức tình dục tuổi trung niên và góc khuất tâm hồn con người. Nó vẫn mang cho mình cái cảm giác vừa tò mò, vừa thích thú, vừa sợ hãi đúng với tinh thần mình đã sẵn sàng khi động đến văn chương Nhật Bản.