Giới thiệu sách
Được đóng góp bởi OBook Team

Đong Tấm Lòng - Phát Hành Dự Kiến 05/03/2015

Đong tấm lòng là tập tản văn mới của Nguyễn Ngọc Tư, với những trang viết dung dị và nhiều ý nghĩa như Mua đi bán lại một đám đông; Chỗ nào cũng nắng; Cúi xuống che chung; Cách nào cũng nhớ; Giữa người với người; Gọi tên nỗi sợ…

Vẫn là cách viết quen thuộc đã làm nên một tên tuổi Nguyễn Ngọc Tư: qua những chuyện bình thường hàng ngày để khái quát về thân phận con người, những chiêm nghiệm về cuộc đời… rất giản dị mà sâu lắng. Là một tập sách đáng đọc trong những ngày đầu năm để ta có thể "lập trình" bản thân cho một năm mới nhiều ý nghĩa hơn.

Reviews 6

Nguyễn Ngọc Tư- cô Tư hay thân thuộc chỉ là chị tư- một cây bút tản văn khá quen thuộc với các bạn mọt sách văn học Việt Nam. Hãy cân nhắc kĩ nếu bạn là người không quen thuộc lối viết buồn lê bi thảm vì có thể bạn phải bỏ giữa chừng cuốn sách vì nó quá u buồn. Hãy chắc chắn rằng bạn đã sẵn sàng buồn khi mở cuốn sách này ra.

Ngòi bút mang đậm chất ảm đảm và buồn đã trở nên thành đặc điểm chung của văn chị Tư. Nhưng khi đã cầm trên tay một trong những cuốn sách của chị, thì bạn sẽ nhanh chóng tìm kiếm những cuốn sách khác cùng tác giả để đọc cái buồn mà chị viết. Lối viết chị đơn giản, từ ngữ cũng phong phú, câu chuyện luôn mộc mạc và sự "buồn" luôn không thể thiếu. 

(đọc tiếp...)

Mình biết chị Tư qua cuốn " Đong Tấm Lòng", mình đã đọc cuốn này trong khoảng một ngày đêm. Không biết lúc chị Tư viết, Tư có buồn không nhưng đọc xong cuốn này tâm trạng của mình trở buồn, buồn như văn Tư viết. Tập văn này được Tư viết trong một chuyến đi miền Tây và nó giống hơn như là một cuốn nhật kí đi đường. Tập có 32 câu truyện ngắn, đa phần Tư viết về con người và cuộc sống. Cốt văn của Tư đơn giản và từ ngữ đậm chất bình dị nên đọc cuồng lắm. Mình đọc xong truyện này thì bỗng tức dừng lại khoảng khá lâu, vì nó buồn quá nhưng cũng soi rõ thật tế quá. Và rất khá lâu để mình có thể trấn an lại tâm hồn mình để đến với một cuốn sách khác. Nhưng cuốn sách để lại mình khá nhiều bài học để tập "đong" tấm lòng con người như nào cho phải đúng. Mình không đi vào nội dung của các câu chuyện mà sách, vì mình muốn các bạn sau khi đọc xong review có thể bình tĩnh cảm nhận câu truyện hơn.

Nếu bạn là người mới bắt đầu với tản văn chị Tư thì không nên chọn cuốn này là cuốn đầu tiên mà bạn đọc của Tư mà hãy đọc nó sau những tập văn khác. 

“Đong tấm lòng” chất chứa một nỗi lòng vừa ám sầu lại cá tính, đôi chỗ tình tiết lại khiến lòng ta chậm lại, cảm nhận sự đời với nỗi man mác miên man kèm theo đó là lời nói phê phán từ tận đáy lòng với những thị phi, hẹp hòi của cuộc sống. Vẫn là những câu chuyện gần gũi, đầy yêu thương nhưng “Đong tấm lòng” lại mang đến những điều nhức nhối cho lòng bạn đọc.

Thực ra, số lượng của một tập tản văn không phải là điều đặc biệt, quan trọng nhất chính là sắc thái riêng biệt mà mỗi câu chuyện trong tập sách ấy mang đến có thực sự là đậm đà hay không. Không bàn luận những ý đồ cao xa hay mở rộng quá thể, tác giả Nguyễn Ngọc Tư vẫn lấy chất liệu đời thường để diễn tả những vấn đề bình dị xung quanh, thậm chí là chính bản thân mỗi người chúng ta cũng đã từng trải qua những sự việc như vậy.

(đọc tiếp...)

Chẳng hạn như câu chuyện hài hước của cố Tám hay nói chuyện một mình nhưng cụ luôn khẳng định bản thân vẫn luôn tỉnh táo và nhận thức được mọi chuyện. Thực ra cụ già đang sống tận hưởng những ngày cuối đời bằng cách an nhàn và hòa mình vào thiên nhiên, cụ nói chuyện với những con côn trùng xung quanh sân vườn, với những con vật nuôi quen thuộc và cả mấy đứa cháu sống gần bên. Những tình cảm thân thương mà cụ dành cho mọi thứ xung quanh mình thật ấm áp dù đó chỉ là một chú thằn lằn lang thang hay là những con ong bầu nấp trong ống tre, ống trúc. Tình cảm mà một người già dành cho mấy con vật be bé ấy cũng chẳng khác gì con cháu trong nhà, cũng như cái cách cụ đối xử với mấy đứa trẻ vậy. Tuy tuổi tác đã cao nhưng chẳng bao giờ cụ quên tên của đứa nào cả, lúc nào cũng mang lại cảm giác thân tình cho lũ nhỏ để chúng luôn nhìn nhận nhà cụ như nhà chúng. Cứ như thế, cụ đã bảo bọc và che chở cho biết bao nhiêu con vật, con người bé bỏng xung quanh, tựa như một vị tiên hiền giữa chốn trần gian vậy.

Rồi chuyện cất nhà ở xẻo Rô với sự nghĩa tình của những người hàng xóm với nhau. Khi đàn bà thì pha trà nấu cơm còn đàn ông thì cùng nhau dựng nhà lợp vách. Chung sức chung lòng để vun đắp cho hạnh phúc của nhau, vun vén cho mái ấm của người khác cũng là cách để tạo tình nghĩa xóm làng. Vậy rồi thời gian trôi qua mau, vật chất thì chóng quên nhưng tình cảm khi xưa thì cứ còn đó mãi trong lòng của những người đã từng giúp đỡ nhau, Thế mới biết sự trân quý dành cho nhau bắt nguồn từ những việc vô cùng đơn giản mà tấm lòng và sự chân thành chính là căn nguyên để gây dựng mọi điều tốt đẹp. Mọi tình huống đều dung dị và cho ta thấy tình người ở thế gian này vẫn luôn rạng ngời như thế. Dẫu rằng sau đó có những sự thay đổi nhất định ở xẻo Rô nhưng ít ra nơi đó cũng đã từng chất chứa những tình cảm chân thật nhất, khiến cho bạn đọc cảm thấy ấm lòng.

Và hơn tất cả vẫn là tình cảm gia đình, tình cảm mẹ con thắm thiết được nhà văn Nguyễn Ngọc Tư gói gọn trong một câu chuyện cảm động, thấm thía. Tình thương con dạt dào cũng những câu chuyện quê của một bà mẹ ở vùng đất nghèo lên thăm con ở phố thị đã tô sắc cho cuộc đời của đứa con thêm những chấm phá lạ kỳ. Có lẽ lâu lắm rồi, anh chàng đó chưa được có mẹ ở bên hay chỉ đơn giản là nghe tiếng mẹ qua những câu chuyện nửa đùa nửa thật, chân chất quê mùa nhưng thú vị quá đỗi. Chuyện nhà hàng xóm cho đến chuyện gia đình được kể lại một cách không đầy đủ nhưng đã khiến lòng đứa con ấm áp chỉ vì đó là lời mẹ kể, lời yêu thương của mẹ. Ở cái nơi bộn bề lo toan và mệt mỏi, chỉ cần có bóng dáng của mẹ hiền ở bên và nghe những tiếng kể chuyện vặt vãnh nhưng đầy tình cảm ấy cũng đủ khiến con tim rộn ràng và an ủi. Có lẽ, người mẹ trong câu chuyện đã mang cả một vùng quê lên cho đứa con để nó vẫn mãi nhớ về cội nguồn quê hương, vẫn ngậm ngùi về tình thương của nhà cũ.

Ngoài ra, văn của Nguyễn Ngọc Tư không chỉ mở ra tình cảm nhẹ nhàng mà còn đề cập đến những vấn đề xã hội. Đó là câu chuyện vô cảm của mạng xã hội hiện nay khi người ta chỉ biết đăng lên những bức hình giật tít để kiếm những cái like rẻ tiền trên facebook mà thôi. Có lẽ, vấn đề đã quen thuộc đến mức nhàm chán vì ai cũng hiểu được mặt trái của mạng xã hội đã hình thành những văn hóa sỉ nhục, hững hờ và quay lưng với tình thương trong cuộc sống ngày nay. Nhưng Nguyễn Ngọc Tư đã nhấn sâu hơn vào thực trạng ấy để thấy yếu tố lạnh lùng trong con người và mang đến tình tiết có tính chất hậu quả khi chuyện tình của anh chàng “bồ” bị tan vỡ bởi vì cô gái nhận ra sự vô tình của anh ta một ngày nào đó cũng sẽ lan tràn đến cả cuộc sống của cô. Một người có thể dửng dưng với nỗi đau của người khác như thế thì dù tốt mã đến nhường nào cũng chẳng thể trở thành một người yêu lý tưởng được. Và đặc biệt là với công việc của một người y sĩ thì đạo đức và tình thương lại càng quan trọng hơn hết. Có lẽ đây cũng là một sự cảnh tỉnh và cũng là một lời lên án cho cuộc sống thiếu tình người ngày nay.

Thực ra, “Đong tấm lòng” bàn tới rất nhiều vấn đề khác nhau nhưng có lẽ tình người vẫn là chủ đề xuyên suốt tập sách và khiến tôi ấn tượng vô cùng. Tấm lòng có đem ra cân đong đo đếm được không?! Có lẽ chúng ta cần phải nhìn nhận nhiều hơn về cuộc sống này, về tình nghĩa và những mối quan hệ xung quanh để thấu hiểu thêm nhiều việc, hiểu thêm bản thân cần làm gì để xây dựng một cuộc đời tràn ngập tình thương cho chính mình.

Nguyễn Ngọc Tư gây ấn tượng cho người đọc bằng giọng văn mộc mạc, gần gũi, đậm màu sắc sắc miền Tây.

Chúng ta sẽ dễ dàng được bổ sung thêm vốn kiến thức về phương ngữ vùng này, những phong tục, những đặc điểm về địa lý, cách sống và sinh hoạt của con người. Vốn kiến thức sâu rộng về văn hoá vùng miền cho thấy Tư là người yêu tha thiết mảnh đất quê hương, cũng là người phụ nữ nhiều suy tư, một nhà văn ưa khám phá.

(đọc tiếp...)

"Đong tấm lòng" tập hợp nhiều bài tản văn với những vấn đề hết sức quen thuộc: nhà trách vách lá, nghĩa xóm tình làng, giấc mơ nguồn cội... Tất cả được tái hiện rất chân thực. Chỉ cần cầm cuốn sách trên tay chắc chắn bạn sẽ thấy có cảm tình vì màu sắc, hình ảnh minh hoạ đều rất ấn tượng. Mình là người miền Trung nên sống với những trang viết của Tư, mình như được ngồi trên con thuyền lang thang qua từng chặng đường sông nước êm đềm của xứ miệt vườn. Văn của Tư ngay từ cách chọn đề tài đến cách sử dụng từ ngữ đều không hề cầu kỳ, nhưng không phải vì thế mà trở nên hời hợt, ở mỗi trang viết ta đều cảm nhận được sự trăn trở và suy tư. Như khi còn trẻ, người ta tự hỏi mình sẽ đi đâu, nhưng về già lại hối hả vì không biết mình đến từ đâu; như mùi trầu của bà thoang thoảng theo cháu từ lúc ấu thơ tới tuổi trưởng thành... Không ít lần mình cảm thấy bâng khuâng xúc động vì tưởng như những dòng chữ đó là dành cho mình nhiều năm về trước, mình cũng từng như vậy, từng có tuổi thơ, từng yêu thương, hạnh phúc, khổ đau hay tiếc nuối...

Có lẽ không cần phải nói quá nhiều vì những ai yêu quý Nguyễn Ngọc Tư đều hiểu sức hấp dẫn toát lên ở con chữ chị chính là không trau chuốt màu mè nhưng lại có sức lay động mạnh mẽ vào tâm hồn mỗi người. Nếu đã theo dõi "Cánh đồng bất tận", "Yêu người ngóng núi"... và nhiều tác phẩm khác của Tư thì chắc chắn bạn cũng không nên bỏ qua "Đong tấm lòng".

Cũng vẫn là buồn như những sách đã xuất bản trước đây, nhưng có điều gì lạ lắm! Tựa sách thì lúc nào cũng đơn giản, ngắn gọn mà cứ làm người ta suy nghĩ rồi khắc khoải không yên. Lần này là những câu chuyện chân thật và mang tính thời sự hơn cả, vậy nên càng gần gũi và thấm thía hơn.

Tôi không am hiểu nhiều về sách, về văn chương, nhưng miễn cái gì buồn thì đều thích. Là nói vậy thôi chứ cũng phải là thích có sự đầu tư, có chọn lọc kỹ càng. Thích cô Tư từ những ngày đầu, từ khi cái buồn nó còn len lỏi giữa những miệt Cà Mau mà nay đã đi xa hơn, sâu hơn vào chốn đô thị phồn hoa thừa tiền mà thiếu tình người.

(đọc tiếp...)

Cái "tình" trong văn của Nguyễn Ngọc Tư nó sâu lắm, sâu từ cái nhìn thiển cận của một số người. Cứ đọc đi rồi bạn cũng sẽ giật mình hoảng hốt khi thấy cả bản thân mình trong đó. "Đau" - nó xuất phát từ những điều hết sức bình thường mà mỗi ngày bạn nhìn thấy, trải qua mà không hề cảm nhận thấy, thậm chí bạn còn góp phần trong sự lên ngôi đó. Nhánh cây, ngọn cỏ, con vật nhiều khi còn phải ngưỡng mộ vì chúng mới thật đang đúng là "sống". Còn con người theo như Nguyễn Ngọc Tư là "trong cái cách người ta gần lại ẩn chứa sự xa nhau", "biết có con mắt nào nhìn thấu được người ta không?".

Xã hội càng ngày càng tàn nhẫn hơn bao giờ hết, nhất là trong cái cách mà con người ta đối với nhau. Bởi vậy phải đọc để hiểu, nhìn khác đi và yêu thương nhau nhiều hơn.

Đừng Trốn Chạy Thực Tế

Một anh y sĩ chuyên lợi dụng nghề nghiệp của mình để chụp hình những cảnh tai nạn thương tâm đăng lên mạng xã hội kiếm like; một bà mẹ sang hàn quốc thăm con, thấy con bị chồng ngoại quốc đánh đập hành hạ nhưng dường như không làm gì để bảo vệ con, về với xóm giềng còn kể lại câu chuyện ráo hoảnh; những thanh niên miền tây vác dao rựa xông vào nhau vì tranh chấp đất đai khi chỉ mươi năm trước khi chưa có con lộ chạy qua trước nhà, họ còn là những người hàng xóm thân tình hơn máu mủ; một người vợ chẳng dám làm gì khi bị chồng bạo hành, thậm chí đào sẵn huyệt mộ để chôn sống.Và còn rất nhiều nữa những câu chuyện như vậy trong quyển sách này.

(đọc tiếp...)

Nhiều người dù biết chị Tư viết hay viết đúng nhưng không đọc sách chị vì họ bảo buồn quá, đọc xong thấy cuộc đời tăm tối hơn, thấy...không muốn sống nữa. Nhưng khi tôi đang đọc những trang cuối của quyển tản văn mới này, mọi người đang xôn xao, phẫn nộ trước việc nữ sinh lớp bảy bị bạn bè hành hung, tra tấn dã man ngay trong lớp. Đó là thực tế xã hội, và những gì trong sách đâu phải là hư cấu? Không đọc sách chị Tư chúng ta cũng không trốn được thực tế rằng cuộc sống hiện nay, tại VN này, thực sự là như thế.

Vẫn có những câu chuyện về một miền tây hiếu khách, hào sảng, chịu chơi, khiến người ta thích thú về vùng đất nhưng Nguyễn Ngọc Tư vẫn nhìn thấy một mặt khác của tấm lòng, tinh thần hồn hậu đó. Là người đàn ông sẵn sàng mang hết những người mình có để đãi khách lạ ghé qua nhà, và vợ con ông cũng không biết làm gì hơn là chiều ý cha. Và có ai ngoài những đứa con trong gia đình và một tác giả quá tinh tế, có ai để ý rằng để có những buổi tiếp đãi nồng hậu đó, người mẹ phải lặng lẽ bưng tô cơm ăn với muối tiêu dưới bếp

Mình vẫn luôn thích đọc chị Tư, dù biết là đọc xong quả đúng là buồn không nói nổi.

Thông tin chi tiết
Tác giả Nguyễn Ngọc Tư
Nhà xuất bản Trẻ
Năm phát hành 03-2015
ISBN 8934974132424
Trọng lượng (gr) 200
Kích thước 13 x 20
Số trang 140
Giá bìa 80,000 đ
Thể loại